Hiệu Quả Trồng Xen Canh Rau Màu Trên Đất Trồng Dâu
Những năm qua, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) Vũ Hồng, xã Hồng Phong (Vũ Thư - Thái Bình) không chỉ duy trì, phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm mà còn trồng xen canh cây màu trên đất trồng dâu mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân nơi đây vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Gia đình ông Phạm Văn Chính, thôn Tương Đông do điều kiện ít lao động nên chỉ trồng được hơn 2 sào dâu. Tuy nhiên, nếu việc nuôi trồng thuận lợi, tằm không bị bệnh thì bình quân mỗi năm gia đình ông cũng thu được 20 - 30 triệu đồng.
Theo ông, trồng dâu nuôi tằm là công việc khá nhẹ nhàng, ai cũng có thể tham gia, từ việc hái dâu đến cho tằm ăn. Hơn nữa, kỹ thuật nuôi tằm cũng không quá phức tạp, chỉ cần người nuôi chăm chỉ và chú ý chăm sóc.
Việc nuôi tằm đáng lo nhất là khi tằm bị bệnh sẽ cho năng suất không cao, hoặc tằm không cho kén khiến người nuôi vừa mất công vừa thu nhập thấp. Để tăng hiệu quả từ việc trồng dâu nuôi tằm, gia đình ông còn trồng xen cây rau vụ đông trên đất trồng dâu góp phần tăng thu nhập. Cũng như gia đình ông Chính, gia đình ông Phạm Văn Thu, thôn Tương Đông hàng năm trồng hơn 1 mẫu dâu.
Ông Thu cho hay: Trồng dâu nuôi tằm không phải đầu tư nhiều, chỉ mất nhiều công hái lá dâu cho tằm ăn. Người ta thường bảo “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, nhờ “Ăn cơm đứng” lâu nay mà gia đình ông có thêm nguồn thu nhập cao và khá ổn định, góp phần phát triển kinh tế gia đình.
Theo tính toán của ông Thu, mỗi năm có thể nuôi được 12 - 15 lứa tằm. Trung bình 1 hộp trứng 200.000 đồng/lứa, thời gian nuôi từ lúc tằm trứng đến khi tằm cho kén khoảng 30 ngày/lứa, riêng mùa nắng nóng chỉ 20 ngày/lứa; mỗi lứa thu được khoảng 1 tạ kén.
Với giá bán khoảng 8 - 8,5 triệu đồng/tạ kén, mỗi năm gia đình ông nuôi tằm từ tháng 3 đến tháng 12 cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, ở vụ xuân hè và vụ đông, gia đình ông còn trồng xen các loại cây rau su hào, bắp cải, đậu, đỗ... trên đất trồng dâu, mang lại bình quân từ 40 - 60 triệu đồng/năm.
Không chỉ ở thôn Tương Đông mà các thôn khác như thôn Thái Phú Đoài, Thái Phú Thọ... nhiều nông dân cũng phát triển kinh tế theo mô hình trồng xen canh rau màu trên đất trồng dâu mang lại hiệu quả cao. Điển hình như gia đình ông Vũ Văn Chiến (thôn Thái Phú Đoài), ông Trần Văn Hiệp (thôn Thái Phú Thọ) mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng từ trồng dâu nuôi tằm và trồng xen rau màu trên đất trồng dâu.
Theo ông Hoàng Văn Cải, Chủ nhiệm HTX DVNN Vũ Hồng, trồng dâu nuôi tằm là nghề truyền thống của địa phương được đưa vào đại trà từ những năm 1960, cho thu nhập cao hơn so với trồng các loại cây nông nghiệp khác như ngô, lúa, trong khi đó chi phí cho sản xuất lại không nhiều. Hơn nữa, tằm là loại dễ nuôi, rủi ro từ nuôi tằm rất thấp, tạo ra nguồn thu thường xuyên cho nông dân trong năm.
So với nhiều địa phương khác, chất đất ở đây rất phù hợp với cây dâu, vì vậy hiện nay các gia đình xã viên của HTX đều trồng dâu nuôi tằm và trồng xen canh rau màu trên đất trồng dâu để tăng thu nhập. Diện tích rau màu được nông dân trồng chủ yếu rau ngắn ngày nên có thể quay 2 - 3 vòng/vụ. Tại thời điểm này, bà con nông dân đã trồng rau màu được trên 116/126ha đất nông nghiệp của HTX.
Để thuận lợi trong trồng trọt, toàn bộ diện tích trồng dâu, rau màu đều được nông dân làm bằng máy ở khâu làm đất. Đáng nói là đất dù được làm bằng máy nhưng nông dân vẫn tiết kiệm được chi phí do chỉ cần làm đất một lần nhưng có thể trồng 2 - 3 lứa rau màu.
Ngoài ra, để hỗ trợ nông dân sản xuất, HTX tổ chức đào mương máng đến sát chân ruộng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tưới, tiêu. Hiện nay, HTX có 3 trạm bơm và 2 máy bơm lưu động. Trước mỗi vụ sản xuất, HTX đều tổ chức nạo vét, vệ sinh mương máng để phục vụ sản xuất tốt nhất. Ngoài ra, hàng năm HTX tổ chức từ 9 - 19 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi trồng cho người nông dân giúp họ nắm vững và áp dụng những kiến thức mới vào nuôi trồng để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Có thể nói, việc trồng xen canh rau màu trên đất trồng dâu và sự quan tâm tạo điều kiện trong sản xuất của HTX DVNN Vũ Hồng, không chỉ góp phần tăng thu nhập cho người nông dân mà còn gìn giữ và phát triển làng nghề theo hướng bền vững.
Nguồn bài viết: http://baothaibinh.com.vn/4/33183/Hieu_qua_trong_xen_canh_rau_mau_tren_dat_trong_dau_.htm
Có thể bạn quan tâm
Mới đây, Hội Nông dân huyện Vũng Liêm được UBND tỉnh Vĩnh Long chấp thuận việc sử dụng độc quyền địa danh “Vũng Liêm” để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Bưởi da xanh Vũng Liêm”.
Thời điểm này, 60ha diện tích đất trồng nhãn tại vùng chuyên canh xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) đang bước vào vụ thu hoạch, sản lượng đạt hơn 750 tấn. Theo một số hộ dân ở đây cho biết, năng suất giống nhãn xuồng cơm vàng đạt từ 8 - 9 tấn/ha giảm 1 tấn/ha so với cùng kỳ.
Trong những năm gần đây diện tích ngô vụ đông trên địa bàn huyện Hạ Hòa giảm dần. Nguyên nhân do yêu cầu khắt khe về thời vụ, ngô phải gieo trước ngày 30-9, trong khi đó lao động đi làm ăn xa, hoặc chọn công việc khác thu nhập cao hơn dẫn đến thiếu lao động khi vào mùa vụ. Hơn nữa, thời điểm thu hoạch lúa mùa, gieo trồng ngô đông thường mưa nhiều nên cũng làm chậm tiến độ sản xuất.
Tham gia đoàn giám sát chúng tôi thấy rất thấm thía về thực trạng hoạt động của các nông, lâm trường. Sau khi rà soát đánh giá thấy tình trạng thất thoát quỹ đất và tài sản của Nhà nước khá nghiêm trọng, kể cả với cơ quan chuyển đổi
Ngày 27.8, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra xử lý hành vi gian lận thương mại biến khoai tây Trung Quốc thành khoai Đà Lạt.