Hiệu Quả Trồng Xen Canh Rau Màu Trên Đất Trồng Dâu
Những năm qua, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) Vũ Hồng, xã Hồng Phong (Vũ Thư - Thái Bình) không chỉ duy trì, phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm mà còn trồng xen canh cây màu trên đất trồng dâu mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân nơi đây vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Gia đình ông Phạm Văn Chính, thôn Tương Đông do điều kiện ít lao động nên chỉ trồng được hơn 2 sào dâu. Tuy nhiên, nếu việc nuôi trồng thuận lợi, tằm không bị bệnh thì bình quân mỗi năm gia đình ông cũng thu được 20 - 30 triệu đồng.
Theo ông, trồng dâu nuôi tằm là công việc khá nhẹ nhàng, ai cũng có thể tham gia, từ việc hái dâu đến cho tằm ăn. Hơn nữa, kỹ thuật nuôi tằm cũng không quá phức tạp, chỉ cần người nuôi chăm chỉ và chú ý chăm sóc.
Việc nuôi tằm đáng lo nhất là khi tằm bị bệnh sẽ cho năng suất không cao, hoặc tằm không cho kén khiến người nuôi vừa mất công vừa thu nhập thấp. Để tăng hiệu quả từ việc trồng dâu nuôi tằm, gia đình ông còn trồng xen cây rau vụ đông trên đất trồng dâu góp phần tăng thu nhập. Cũng như gia đình ông Chính, gia đình ông Phạm Văn Thu, thôn Tương Đông hàng năm trồng hơn 1 mẫu dâu.
Ông Thu cho hay: Trồng dâu nuôi tằm không phải đầu tư nhiều, chỉ mất nhiều công hái lá dâu cho tằm ăn. Người ta thường bảo “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, nhờ “Ăn cơm đứng” lâu nay mà gia đình ông có thêm nguồn thu nhập cao và khá ổn định, góp phần phát triển kinh tế gia đình.
Theo tính toán của ông Thu, mỗi năm có thể nuôi được 12 - 15 lứa tằm. Trung bình 1 hộp trứng 200.000 đồng/lứa, thời gian nuôi từ lúc tằm trứng đến khi tằm cho kén khoảng 30 ngày/lứa, riêng mùa nắng nóng chỉ 20 ngày/lứa; mỗi lứa thu được khoảng 1 tạ kén.
Với giá bán khoảng 8 - 8,5 triệu đồng/tạ kén, mỗi năm gia đình ông nuôi tằm từ tháng 3 đến tháng 12 cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, ở vụ xuân hè và vụ đông, gia đình ông còn trồng xen các loại cây rau su hào, bắp cải, đậu, đỗ... trên đất trồng dâu, mang lại bình quân từ 40 - 60 triệu đồng/năm.
Không chỉ ở thôn Tương Đông mà các thôn khác như thôn Thái Phú Đoài, Thái Phú Thọ... nhiều nông dân cũng phát triển kinh tế theo mô hình trồng xen canh rau màu trên đất trồng dâu mang lại hiệu quả cao. Điển hình như gia đình ông Vũ Văn Chiến (thôn Thái Phú Đoài), ông Trần Văn Hiệp (thôn Thái Phú Thọ) mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng từ trồng dâu nuôi tằm và trồng xen rau màu trên đất trồng dâu.
Theo ông Hoàng Văn Cải, Chủ nhiệm HTX DVNN Vũ Hồng, trồng dâu nuôi tằm là nghề truyền thống của địa phương được đưa vào đại trà từ những năm 1960, cho thu nhập cao hơn so với trồng các loại cây nông nghiệp khác như ngô, lúa, trong khi đó chi phí cho sản xuất lại không nhiều. Hơn nữa, tằm là loại dễ nuôi, rủi ro từ nuôi tằm rất thấp, tạo ra nguồn thu thường xuyên cho nông dân trong năm.
So với nhiều địa phương khác, chất đất ở đây rất phù hợp với cây dâu, vì vậy hiện nay các gia đình xã viên của HTX đều trồng dâu nuôi tằm và trồng xen canh rau màu trên đất trồng dâu để tăng thu nhập. Diện tích rau màu được nông dân trồng chủ yếu rau ngắn ngày nên có thể quay 2 - 3 vòng/vụ. Tại thời điểm này, bà con nông dân đã trồng rau màu được trên 116/126ha đất nông nghiệp của HTX.
Để thuận lợi trong trồng trọt, toàn bộ diện tích trồng dâu, rau màu đều được nông dân làm bằng máy ở khâu làm đất. Đáng nói là đất dù được làm bằng máy nhưng nông dân vẫn tiết kiệm được chi phí do chỉ cần làm đất một lần nhưng có thể trồng 2 - 3 lứa rau màu.
Ngoài ra, để hỗ trợ nông dân sản xuất, HTX tổ chức đào mương máng đến sát chân ruộng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tưới, tiêu. Hiện nay, HTX có 3 trạm bơm và 2 máy bơm lưu động. Trước mỗi vụ sản xuất, HTX đều tổ chức nạo vét, vệ sinh mương máng để phục vụ sản xuất tốt nhất. Ngoài ra, hàng năm HTX tổ chức từ 9 - 19 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi trồng cho người nông dân giúp họ nắm vững và áp dụng những kiến thức mới vào nuôi trồng để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Có thể nói, việc trồng xen canh rau màu trên đất trồng dâu và sự quan tâm tạo điều kiện trong sản xuất của HTX DVNN Vũ Hồng, không chỉ góp phần tăng thu nhập cho người nông dân mà còn gìn giữ và phát triển làng nghề theo hướng bền vững.
Nguồn bài viết: http://baothaibinh.com.vn/4/33183/Hieu_qua_trong_xen_canh_rau_mau_tren_dat_trong_dau_.htm
Related news
TP Hồ Chí Minh hiện có tổng đàn bò sữa lớn nhất nước với khoảng 100.000 con, trong đó, huyện Củ Chi chiếm khoảng 70%, sản lượng sữa đạt khoảng 500 tấn/ngày.
Thời gian qua, cùng với việc giá tiêu hạt trên thị trường liên tục đứng ở mức cao, diện tích hồ tiêu ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) không ngừng được mở rộng nhờ các chính sách khuyến khích phục hồi và trồng mới loại cây này.
Cây tỏi sẻ du nhập vào vùng đất Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) được hơn 5 năm và nhanh chóng khẳng định hiệu quả của nó. Thế nhưng gần đây, cây tỏi đang phát triển rất “nóng”, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết...
Hiện nay, phần lớn cà phê tại Gia Lai đều bán xô với giá không cao. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là phương thức sản xuất cà phê của nông dân chủ yếu ở các hộ riêng rẽ, chưa quản lý được chất lượng dẫn đến khó tiếp cận thị trường có yêu cầu cao về chất lượng.
Dịp này, tại các xã: Hồng Kỳ, Đồng Kỳ, Đồng Tâm, Tam Tiến, An Thượng, huyện Yên Thế (Bắc Giang), hầu như nhà nào cũng có giàn gấc sai trĩu quả. Đi đến đâu chúng tôi cũng nghe thấy bà con nói về vụ gấc năm nay.