Hiệu quả nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi
Sáng 23/12/2017, tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT Kiên Giang tổ chức Hội thảo sơ kết Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi” năm 2017 trên địa bàn các tỉnh, thành ở ĐBSCL.
Nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi
Ông Nguyễn Quang Hạnh, Chủ nhiệm Dự án cho biết, mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai thực hiện tại 7 tỉnh, thành tại ĐBSCL, gồm: Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, thời gian 2016 - 2018. Với 114 hộ nông dân tham gia, tổng diện tích 140 ha, thực hiện 2 mô hình sản xuất là: nuôi xen canh hoặc nuôi luân canh tôm càng xanh toàn đực - lúa trên vùng đất chuyển đổi. Tổng kinh phí dự án thực hiện năm 2017 là 5,1 tỷ đồng, số tôm giống cung cấp cho nông dân là 5,3 triệu con, trong đó Nhà nước hỗ trợ 3,9 triệu con, còn lại do chủ mô hình đối ứng. Mô hình xen canh mật độ thả nuôi 2,5 con/m2 và luân canh 7 con/m2, sản lượng thu hoạch tôm tương ứng khoảng 500 kg đến 1 tấn/ha và lúa là 3 tấn/ha. Dự kiến, các mô hình cho sản lượng 58 tấn tôm càng xanh và 260 tấn lúa. Hiệu quả kinh tế trung bình 160 triệu đồng/ha, trừ chi phí còn 72,5 triệu đồng/ha.
Tại Sóc Trăng, tôm càng xanh được nuôi xen canh trên ruộng lúa lấp vụ sau khi đã thu hoạch xong vụ nuôi tôm sú. Do là đối tượng có thời gian nuôi dài (trên 6 tháng) nên nông dân được hướng dẫn nuôi vèo tôm giống trong ao trước khoảng 3 tháng, sau khi xử lý mặt ruộng, cấy lúa ổn định sẽ bung ra nuôi trên diện rộng. Còn tại Kiên Giang, Cà Mau mô hình phát triển mạnh theo hình thức luân canh tôm cành xanh - lúa ở vùng nước lợ ven biển. Chỉ tính riêng tại huyện Thới Bình (Cà Mau), diện tích nuôi đã đạt hơn 12.000 ha. Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, diện tích nuôi tôm càng xanh của tỉnh năm 2017 đạt trên 11.500 ha, tập trung ở các huyện vùng U Minh Thượng, sản lượng thu hoạch ước 8.400 tấn.
Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ, nuôi xen canh hoặc nuôi luân canh tôm càng xanh toàn đực - lúa trên vùng đất chuyển đổi cho hiệu quả kinh tế rất cao, trung bình đạt 70 - 80 triệu/ha, có nhiều hộ đạt trên 100 triệu đồng/ha. Trong khi nếu chuyên canh lúa thì hiệu quả rất thấp, chỉ 10 - 15 triệu đồng/ha. Đặc biệt, mô hình này thích ứng tốt với điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn vào nội đồng gia tăng, khiến vùng nước lợ ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là nguồn cung cấp giống tôm càng xanh toàn đực hạn chế, trong khi diện tích thả nuôi gia tăng mạnh. Hơn nữa, thiết kế ao nuôi của một số nông dân chưa đạt yêu cầu kỹ thuật nên tỷ lệ nuôi hao hụt khá cao.
Có thể bạn quan tâm
Giống là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến sản lượng và chất lượng của các vụ nuôi. Hiện nay, việc kiểm soát nguồn giống đã được tiến hành
Từ 7,2 tỷ người, tới năm 2050, dân số toàn cầu sẽ tăng lên 9,6 tỷ người; đồng nghĩa nhu cầu lương thực tăng lên 30%. Nuôi trồng thủy sản (NTTS) sẽ đem lại nguồn
Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh đã xây dựng mô hình nuôi vịt đẻ trứng kết hợp nuôi cá theo hướng an toàn sinh học.