Khả quan chất lượng giống thủy sản
Giống là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến sản lượng và chất lượng của các vụ nuôi. Hiện nay, việc kiểm soát nguồn giống đã được tiến hành đồng bộ và mang lại những tín hiệu khả quan.
Ương cá tra giống ở An Giang Ảnh: Duy Khương
Giám sát chặt chẽ
Xác định con giống là đầu vào quan trọng, quyết định đến thắng lợi của vụ nuôi, nên ngay từ đầu năm 2017, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản và các cơ quan quản lý địa phương đã quan tâm chỉ đạo sát sao; nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo công tác quản lý chất lượng giống thủy sản đã được ban hành. Bộ cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra để hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý của địa phương cũng như cơ sở sản xuất giống thủy trong việc chấp hành các quy định liên quan đến quản lý nguồn giống. Trong quá trình thanh, kiểm tra, đã phát hiện và xử phạt nghiêm đối với một số cơ sở vi phạm điều kiện sản xuất, kinh doanh; đồng thời công khai rộng rãi thông tin các cơ sở vi phạm trên website của Tổng cục Thủy sản và các cơ quan thông tấn báo chí.
Ngoài ra, Tổng cục Thủy sản cũng triển khai 2 đoàn công tác kiểm tra, truy xuất nguồn gốc tôm bố mẹ nhập khẩu tại Singapore, Mỹ và cho đăng tải rộng rãi kết quả kiểm tra này. Như vậy có thể thấy rằng, việc kiểm tra, kiểm soát con giống đang ngày càng được quản lý tốt hơn và tạo dựng cơ sở để phát triển ngành thủy sản Việt Nam.
Nỗ lực đáp ứng nhu cầu
Những năm gần đây, sản xuất giống thủy sản của Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người nuôi, nhất là với sản xuất giống một số đối tượng nuôi chủ lực như tôm, cá tra, cá rô phi...
Năm 2017, cả nước có hơn 2.422 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ (1.861 cơ sở sản xuất giống tôm sú và khoảng 561 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng). Sản lượng giống tôm nước lợ ước 125 tỷ con (tôm sú khoảng 35 tỷ và tôm thẻ chân trắng là 90 tỷ), tăng 10,8% so năm 2016.
Về cá tra, nhu cầu giống năm 2017 dao động khoảng 1,9 - 2,2 tỷ con. Đến nay cả nước có 230 cơ sở sản xuất cá tra giống, hơn 4.000 hộ ương dưỡng cá giống với diện tích hơn 2.250 ha, sản xuất khoảng 25 - 28 tỷ con cá bột (hơn 2,2 tỷ cá tra giống), tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang và cung cấp đủ cho nhu cầu thả nuôi của người dân. Hơn nữa, trong năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cho vùng ĐBSCL tại An Giang”. Đây sẽ là bước tiến quan trọng trong việc cung cấp con giống cá tra chất lượng cao cho vùng ĐBSCL, góp phần tái tạo ngành hàng cá tra theo hướng bền vững và hiệu quả.
Đối với sản xuất giống cá rô phi, cả nước hiện có 236 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, trong đó có 44 cơ sở có nuôi giữ đàn cá rô phi bố mẹ với khoảng 900.000 cá bố mẹ, sản xuất được 450 triệu con giống, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu.
Trách nhiệm không của riêng ai
Trong nuôi trồng thủy sản, con giống bảo đảm chất lượng sẽ giúp vật nuôi thích nghi tốt với môi trường sống, mau lớn, có sức đề kháng tốt với dịch bệnh, từ đó giúp người nuôi có hiệu quả, gia tăng lợi nhuận kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay việc bảo đảm nguồn con giống thủy sản chất lượng trên thị trường vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập. Biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng sâu rộng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất thủy sản nói chung, trong đó có sản xuất giống. Một số đối tượng chủ lực xuất khẩu như tôm sú và tôm thẻ chân trắng còn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên nên khó quản lý về chất lượng. Đi cùng đó là vấn nạn nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản không đảm bảo điều kiện, trốn kiểm dịch… Đây vẫn sẽ là những thách thức lớn cho ngành trong năm 2018.
Tuy công tác quản lý ngày càng được siết chặt hơn, nhưng theo các ngành chức năng, giải quyết bài toán về chất lượng con giống không phải là chuyện “một sớm một chiều”, mà cần phải có sự phối hợp, chung tay của cả toàn ngành. Thời gian tới, Tổng cục Thủy sản sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo quản lý chất lượng giống thủy sản, trong đó chú trọng các đối tượng giống chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, cá rô phi và các đối tượng có giá trị kinh tế. Nỗ lực chủ động các công nghệ sản xuất giống, tránh tình trạng phụ thuộc vào nhập khẩu và khó kiểm soát chất lượng giống. Tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng giống, đặc biệt tăng cường các đoàn thanh tra đột xuất, ngăn chặn các cơ sở sử dụng tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc, tôm đầm cho sinh sản cung cấp tôm giống ra thị trường gây thiệt hại cho người nuôi… Song bên cạnh sự vào cuộc của các ngành chức năng, bản thân doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh tôm giống cần phải giữ vững đạo đức và thương hiệu trong kinh doanh; Không ngừng nâng cao năng lực và trình độ công nghệ. Quan trọng hơn, người nuôi phải đặt tầm quan trọng của con giống lên vị trí “số 1”, không “tham” giống giá rẻ trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường, ưu tiên lựa chọn giống ở các cơ sở sản xuất uy tín.
>> Tính đến hết năm 2017, Tổng cục Thủy sản đã công nhận 12 giống thủy sản mới, gồm: Tôm sú dòng Moana; Tôm thẻ chân trắng thế hệ G1; Cá rô phi dòng chọn giống G5; Cá trắng; Cá nheo Mỹ; 4 loài cá tầm; Cá mú Úc; Cá tra dòng chọn giống và tôm thẻ chân trắng G3 Việt - Úc.
Có thể bạn quan tâm
Rét đậm, rét hại dài ngày làm cho nhiều loại thủy sản nuôi bị chết, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng.
Đây là một mô hình liên kết làm ăn kinh tế hiệu quả, ngoài thiên thời, địa lợi thì HTX Suối Giàu có sự tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật của kỹ sư Phan Văn Hùng
Cá chép giòn có thể là đối tượng nuôi có tiềm năng rất lớn cho nông dân nuôi cá lồng bè cả về hiệu quả kinh tế lẫn đầu ra cho sản phẩm.