Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Nuôi Cá Bống Bớp Thương Phẩm Trong Ao Cát

Hiệu Quả Nuôi Cá Bống Bớp Thương Phẩm Trong Ao Cát
Ngày đăng: 19/12/2013

Nhằm đa dạng hoá hình thức, đối tượng nuôi thuỷ sản mặn lợ an toàn dịch bệnh và tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, năm 2013, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (KNKN) Quảng Bình tiếp tục triển khai thực hiện mô hình nuôi cá bống bớp thương phẩm trong ao cát với quy mô 1.100m2 tại hộ anh Hồ Long ở vùng nuôi tôm xã Đại Trạch (Bố Trạch).

Trước đó, năm 2011, 2012, Trung tâm KNKN cũng đã thực hiện thành công mô hình nuôi cá bống bớp thương phẩm trong ao đất tại phường Đức Ninh Đông (Đồng Hới) và xã Hạ Trạch (Bố Trạch) mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.

Anh Hồ Long, hộ thực hiện mô hình cho biết: Diện tích ao hồ này trước đây gia đình nuôi tôm thẻ chân trắng, nhưng mấy năm trở lại đây, do tình hình dịch bệnh, môi trường nuôi ô nhiễm... hiệu quả nuôi tôm không như mong muốn nên chuyển sang nuôi một số đối tượng mới như cá chẽm, cá dìa...

Năm 2013, được Trung tâm KNKN khuyến khích nuôi thử nghiệm đối tượng mới là cá bống bớp, gia đình cũng mạnh dạn nuôi thử để từ đó tìm ra hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản trên vùng cát này. Sau khi tham gia tập huấn quy trình kỹ thuật nuôi cá bống bớp, anh đã tiến hành cải tạo ao từ ao nuôi tôm trên cát và thả giống từ ngày 24/5/2013, số lượng thả 24.000 con (mật độ 22 con/m2), trọng lượng thả ban đầu 900 con/kg.

Quá trình nuôi cho thấy, cá bống bớp thích nghi nhanh với môi trường nên sinh trưởng và phát triển tốt. Sau tháng nuôi thứ nhất đạt trọng lượng 740 con/kg, tháng thứ 3 đạt 500 con/kg, tháng thứ 4 đạt 250 con/kg. Sau 7 tháng nuôi (từ tháng 6-12) đạt trọng lượng trung bình 40-50 gam/con (tương đương 25 con/kg), tỷ lệ sống ước đạt trên 70%.

Về hiệu quả kinh tế, dự ước sản lượng thu hoạch 800-900kg, với giá thị trường 250.000 đồng/kg, trừ chi phí còn thu lãi trên 70 triệu đồng. Thực tế sản xuất cho thấy mặc dù hiệu quả kinh tế không vượt trội so với nuôi tôm, nhưng nuôi cá bống bớp bền vững hơn, thị trường cũng ổn định do đây là loại đặc sản được người tiêu dùng ưa chuộng.

Theo chị Hồ Thị Thủy, cán bộ chỉ đạo mô hình, Trung tâm KNKN Quảng Bình đã thực hiện mô hình nuôi cá bống bớp thương phẩm trong ao đất ở phường Đức Ninh Đông (Đồng Hới) năm 2011, ở xã Hạ Trạch (Bố Trạch) năm 2012, bước đầu khẳng định được hiệu quả kinh tế với thu nhập trên 30 triệu đồng/mô hình.

Năm 2013, Trung tâm tiếp tục thực hiện mô hình nuôi cá bống bớp trong ao cát nhằm đa dạng hóa hình thức nuôi đối tượng thủy đặc sản mặn lợ này. Hiệu quả bước đầu của mô hình cho thấy, mặc dù là đối tượng nuôi mới nhưng cá bống bớp thích nghi nhanh với điều kiện tự nhiên của tỉnh, có thể nuôi trên ao đất và ao cát có lót bạt, trong đó nuôi trong ao cát có lót bạt cho hiệu quả cao hơn so với ao đất.

Ngoài ra, cá bống bớp còn là đối tượng thủy đặc sản dễ nuôi, ít dịch bệnh, lại có phổ thức ăn tương đối rộng, chủ yếu ăn các loại cá tạp nên có thể tận dụng nguồn cá tạp giá rẻ tại địa phương để tăng hiệu quả kinh tế.

Qua kết quả đã đạt được, có thể khẳng định đây là mô hình có hiệu quả, góp phần đa dạng hoá đối tượng nuôi và hạn chế được dịch bệnh do nuôi chuyên canh tôm thẻ. Tuy nhiên, do là đối tượng nuôi mới, giá thành cá giống cao, lại không có nguồn giống cung cấp tại chỗ nên phải mua tận các tỉnh phía Bắc, quá trình vận chuyển dễ khiến cá giống mất sức, ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá.

Do đó, để có điều kiện nhân rộng mô hình, ngoài việc tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật nuôi cá bống bớp cho các hộ dân, rất cần sự đầu tư của Nhà nước trong việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất giống cá bống bớp tại chỗ để thuận lợi cho việc nhân rộng mô hình tại địa phương.


Có thể bạn quan tâm

Gần 9 Ha Diện Tích Nuôi Tôm Bị Bệnh Đốm Trắng Gần 9 Ha Diện Tích Nuôi Tôm Bị Bệnh Đốm Trắng

Nguyên nhân bước đầu được xác định do nguồn giống tôm thả nuôi của các hộ không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Mặt khác, nước cấp vào ao nuôi được lấy trực tiếp từ sông vào không qua xử lý; trong ao nuôi tôm còn có một số loài giáp xác tự nhiên như tôm rảo, cua, còng..

31/05/2011
Thử Nghiệm Thành Công Nuôi Cá Nước Ngọt Trong Mương Dứa Thử Nghiệm Thành Công Nuôi Cá Nước Ngọt Trong Mương Dứa

Mô hình này nuôi cá bằng thức ăn viên công nghiệp. Cụ thể, tháng thứ nhất, sử dụng thức ăn 40% độ đạm; tháng thứ 2-3, sử dụng thức ăn 30% độ đạm và 3 tháng còn lại sử dụng thức ăn 27% độ đạm. Mỗi ngày, người nuôi cho cá ăn vào sáng và chiều, theo định kỳ 10 ngày bón phân chuồng cho mương cá/lần.

16/07/2012
Nhân Rộng Mô Hình Trồng Tiêu Trên Cây Trụ Sống Ở Ia Hrú (Gia Lai) Nhân Rộng Mô Hình Trồng Tiêu Trên Cây Trụ Sống Ở Ia Hrú (Gia Lai)

Trồng tiêu trên cây trụ sống là một mô hình kinh tế mới được nông dân huyện Chư Pưh (Gia Lai) áp dụng trong 5 năm trở lại đây. Với những hiệu quả thiết thực mà cách làm này mang lại, nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã và đang tích cực phát triển, từng bước nhân rộng mô hình. Ia Hrú được xem là một xã điển hình như thế.

03/10/2012
Các Biện Pháp Hữu Hiệu Phòng Ngừa Bệnh Ở Cá Biển Nuôi Lồng Các Biện Pháp Hữu Hiệu Phòng Ngừa Bệnh Ở Cá Biển Nuôi Lồng

Trong môi trường tự nhiên, ít khi xảy ra hiện tượng cá bị bệnh chết với một số lượng lớn, nếu các điều kiện môi trường không trở nên xấu đi. Trong môi trường tự nhiên, cá có một cuộc sống bình an, tự do di chuyển và ít khi bị chết

02/06/2011
Nghề Nuôi Vịt Chạy Đồng Ở Huyện Cai Lậy (Tiền Giang) Nghề Nuôi Vịt Chạy Đồng Ở Huyện Cai Lậy (Tiền Giang)

Khi vụ lúa hè thu chính vụ ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) thu hoạch rộ cũng bắt đầu "mùa" của nghề nuôi vịt chạy đồng. Những năm qua, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người nuôi vịt chạy đồng bao phen "chìm nổi" với nghề.

05/10/2012