Nông Dân Nhiều Địa Phương Lại Chặt Bỏ Cây Cao Su Tiểu Điền
Thời gian gần đây do giá cao su trên thị trường giảm thấp, cùng với một số nguyên nhân khác khiến nông dân nhiều địa phương trong tỉnh đã chặt bỏ cây cao su, chủ yếu là cao su tiểu điền chuyển sang trồng các loại cây khác.
Theo thống kê mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có tổng số 32.000 ha cao su, trong đó có 5.970 ha cao su quốc doanh, 3.990 ha cao su do các doanh nghiệp tư nhân trồng và 22.300 ha cao su tiểu điền; tổng diện tích đang khai thác toàn tỉnh là 12.766 ha, với năng suất bình quân đạt 1.627 kg/ha.
Qua kiểm tra, rà soát của Sở NN&PTNT, tính đến ngày 10/7, nông dân trên địa bàn tỉnh đã chặt bỏ 359,39 ha cao su để chuyển sang trồng tiêu, cà phê, chanh dây... tập trung nhiều nhất là tại các huyện Đắk R'lấp 212 ha, Đắk Song 83 ha, Tuy Đức 32 ha, Krông Nô 23,5 ha, Chư Jút 8,9 ha và rải rác các địa phương khác như huyện Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa.
Mặc dù để trồng 1 ha cao su, người nông dân phải đầu tư nguồn vốn không hề nhỏ gồm tiền mua cây giống, phân bón, thuê nhân công lao động... và phải mất sáu, bảy năm vườn cao su mới cho khai thác, nhưng đến nay nhiều nông dân vẫn chấp nhận chặt bỏ vườn cao su do hiệu quả kinh tế thấp.
Theo Sở NN&PTNT, nguyên nhân người dân chặt bỏ vườn cao su là do giá mủ cao su thời gian gần đây xuống thấp, hiệu quả kinh tế không bằng một số cây trồng khác, nhất là cây tiêu giá đang ở mức cao ngất ngưỡng từ 180.000-200.000 đồng/kg.
Một số vườn cao su lâu năm do trồng giống thực sinh không đảm bảo, lượng mủ thấp và một số diện tích gần nguồn nước tưới nên nông dân đã chặt bỏ để trồng các loại cây hoa màu khác. Thêm vào đó, tình hình sâu, bệnh hại cây cao su như bệnh phấn trắng, héo đen đầu lá, đốm vàng lá do nấm corynespora... trong thời gian gần đây diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng của cây cao su.
Trình độ canh tác của người nông dân chưa cao, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số dẫn đến việc thâm canh cây cao su còn nhiều hạn chế, các biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc chưa được quan tâm đúng mức làm giảm chất lượng vườn cây.
Đặc biệt, những năm trước đây khi giá mủ cao su ở mức cao, nhiều nông dân trong tỉnh đã tự phát mở rộng diện tích cây cao su trên những diện tích đất không đủ điều kiện như đất có độ dốc trên 30 độ, đất có độ cao trên 700 m so với mặt nước biển, đất nghèo chất dinh dưỡng, tầng canh tác mỏng... làm cho hiệu quả đầu tư sản xuất cao su mang lại không cao...
Trước thực trạng nông dân trong tỉnh chặt bỏ vườn cao su có chiều hướng gia tăng, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo nông dân không chạy theo thị trường, yên tâm chăm sóc cây cao su, ổn định diện tích đang có.
Đối với một số vườn cao su kinh doanh đã hết chu kỳ khai thác, năng suất mủ thấp và một số diện tích trồng bằng cây giống thực sinh, giống cũ, trên những địa điểm có điều kiện không phù hợp với cây cao su thì có thể chặt bỏ trồng lại cây khác.
Tuy nhiên, tuyệt đối không chặt cây cao su tại những vườn đã trồng bằng giống mới sinh trưởng phát triển tốt, những vườn cao su đang cho thu mủ tốt; có chế tài xử phạt đối với trường hợp vi phạm chặt bỏ vườn cao su trong vùng quy hoạch, dự án...
Sở NN&PTNT cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh có chính sách hỗ trợ vốn, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất cao su.
Bên cạnh đó, để phát triển bền vững cây cao su, các ngành chức năng cần có giải pháp hỗ trợ thiết thực như, hàng năm tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc, thu hoạch cây cao su đến từng xã, huyện để nâng cao trình độ canh tác cho nông dân.
Áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, xây dựng quy trình chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho cây cao su nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư cho người nông dân. Đầu tư xây dựng các nhà máy từ sơ chế đến chế biến tinh tại từng vùng, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây cao su...
Có thể bạn quan tâm
Sáng ngày 25/7, tại Hậu Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2012 – 2013.
Hiện nay, các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long đang xúc tiến xây dựng các cánh đồng mẫu lớn nhằm hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Hàng triệu hộ chăn nuôi trong cả nước đang đối mặt với muôn vàn khó khăn khi heo, gà, vịt, cá tra… rớt giá thê thảm, cộng với dịch bệnh hoành hành trên diện rộng khiến người nuôi thua lỗ. Giá gà công nghiệp trong tháng 5-2013, rớt xuống mức thấp kỷ lục 13.000 - 15.000 đồng/kg, chưa bằng 50% chi phí giá thành sản xuất; gà tam hoàng từ 38.000 đồng/kg vào tháng trước, nay giảm còn 30.000 đồng/kg; trong khi giá heo cũng giảm còn 3,5 - 3,6 triệu đồng/tạ, thấp hơn giá thành nuôi là 4 - 4,1 triệu đồng/tạ… Giá rẻ đã đành, song người chăn nuôi muốn bán sản phẩm dù chấp nhận lỗ cũng rất khó.
Từ sau cơn biến động rớt giá trong những năm 2005, 2006 làm các trang trại và người chăn nuôi lao đao, thì hiện nay dê, cừu đã dần lấy lại vị thế với tổng đàn ngày càng tăng.
Vừa qua, tại thôn Tầm Ngân 2, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn - Ninh Thuận) có khoảng 3 sào mít, trong đó có 15% cây mít đang mùa thu hoạch bị sâu đục trái gây hư hại.