Hiệu Quả Mô Hình Tổ Hợp Tác Nuôi Cá Lóc
Tận dụng được lợi thế cạnh tranh, nhiều năm qua, bà con nông dân ấp Mái Dầm, xã Phú Thành (Trà Ôn, Vĩnh Long) đã phát triển nghề nuôi cá lóc khá nhanh. Hiện nay, bà con còn tiến xa hơn là thành lập tổ hợp tác (THT) cùng nuôi cá theo tiêu chuẩn GAP, cung ứng cho Siêu thị Metro Cần Thơ. Ðây là một hoạt động sản xuất đúng hướng, mang tính bền vững.
13 hộ trong THT nuôi cá lóc ở ấp Mái Dầm, xã Phú Thành, huyện Trà Ôn hết sức phấn khởi vì sản phẩm của họ đã được bao tiêu thu mua ổn định. Trung bình mỗi ngày, THT giao cho siêu thị Metro tại TP Cần Thơ khoảng 200 kg, tuy không nhiều so với sản lượng cả tổ đã nuôi được, nhưng nhờ giá cả ổn định ở mức khá, và có hợp đồng lâu dài nên bà con yên tâm sản xuất.
Bà con bây giờ nhận thức, nuôi được cá sạch thì mới có đầu ra ổn định. Ðể có được kết quả trên, bà con mất công nhiều tháng liền để nuôi cá theo đúng quy trình mà đơn vị bao tiêu đưa ra, được trao chứng nhận đạt chuẩn Metro GAP, và nhận được hợp đồng giao hàng lâu dài cho đơn vị này.
Nhiều bà con khẳng định, nuôi cá cho Metro theo quy cách đàng hoàng, không lạm dụng thuốc kháng sinh trong phòng và điều trị bệnh cho cá, không sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi,... nên tỷ lệ hao hụt rất thấp, năng suất và lợi nhuận đều tăng từ 10 đến 20% so với khi bán cho thương lái bên ngoài.
Phú Thành là một trong hai xã thuộc xứ cù lao mây của huyện Trà Ôn, xa xôi, cách trở. Như nhiều vùng cù lao khác, những năm qua, địa phương này cũng được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo để phát triển kinh tế vườn và hoa màu như: chôm chôm, nhãn, bưởi, cam sành, sầu riêng, củ sắn,... đã tạo được hiệu quả nhất định cho bà con.
Ngoài ra, ở những nơi nằm cặp các tuyến sông lớn địa phương cũng khuyến khích phát triển thêm nghề nuôi thủy sản nhằm tạo điều kiện nâng cao thu nhập.
Vì vậy, cùng với kinh tế vườn, bà con nông dân ở đây còn tích cực tìm hiểu và ứng dụng nhiều mô hình nuôi cá khác như cá tra, cá trê, cá rô, cá lóc... Nhất là khoảng 10 năm trở lại đây, mô hình nuôi cá lóc trong ao, hồ phát triển khá mạnh.
Cá lóc là loài ăn tạp, nên mồi của chúng cũng khá dễ tìm. Tại đây, bà con thường tận dụng mua thêm các nguồn cá mồi rẻ tiền để giảm chi phí, do đó giá cả khi chào bán ra thị trường cũng mang tính cạnh tranh hơn so với nhiều nơi.
Tuy nhiên, những năm qua, bà con ở đây vẫn còn gặp không ít khó khăn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm. Khi giá cao thì mua bán dễ dàng, giá có biến động một chút thì lập tức người nuôi sẽ bị ép giá một cách không thương tiếc.
Thấy nghề nuôi cá lóc đang trong giai đoạn phát triển, và tay nghề nuôi cá của người dân ở đây cũng khá hoàn thiện, nên một nhóm những anh em cùng xóm trong đó gồm ông Trương Hoài Danh, anh Trần Thanh Hải, anh Hồ Thanh Dũng,... hợp tác lại cùng tìm hiểu thị trường lập THT nuôi cá lóc tại ấp Mái Dầm, trước mắt cung cấp cho siêu thị Metro Cần Thơ, và sau đó sẽ tìm thêm các địa chỉ tiêu thụ khác.
Xác định chất lượng là yếu tố sống còn, nên mọi thành viên THT đều được hướng dẫn và bắt buộc làm theo quy trình sản xuất cá sạch, an toàn, để được trao chứng nhận Metro GAP. Và tất nhiên là được ưu tiên bán sản phẩm cho siêu thị. Như hộ của anh Trần Thanh Hào, vụ cá vừa qua, anh thả nuôi 10 nghìn con, với diện tích khoảng 100 m2, sau bốn tháng, anh thu được 3,8 tấn cá thương phẩm, lợi nhuận đạt hơn 70 triệu đồng.
Một mức lợi nhuận khá cao. Vậy là vụ này, anh tiếp tục đầu tư hai ao nữa, thả nuôi 28 nghìn con giống, với hy vọng giá trị lợi nhuận cũng sẽ tăng theo. Ngoài ra, tham gia THT còn giúp cho bà con giải quyết được khó khăn kỹ thuật, nguồn thức ăn.
Ðiều đáng nói là, mặc dù siêu thị nhận hàng giá cao hơn bên ngoài, sản lượng cũng ổn định, nhưng kèm theo đó là những ràng buộc khác chẳng hạn: quy định về quy cách sản phẩm, bắt buộc cá đạt trọng lượng từ 700g đến dưới 1,5 kg thì mới thu mua, và mỗi ngày thu mua chỉ vài trăm kg, nên cũng gây không ít khó khăn cho bà con.
Vì vậy, con số 13 hộ tham gia chưa đến một phần ba số lượng hộ nuôi trong toàn xã, cũng một phần vì lý do này. Tuy nhiên, Tổ trưởng Trương Hoài Danh cũng như nhiều anh em khác đã tính được bài toán vẹn cả đôi đường.
Một mặt ký kết với Metro để bảo đảm lượng hàng hằng tháng từ ba đến năm tấn cá. Mặt khác tìm thêm những đầu mối khác ở các tỉnh bạn, các cơ sở sản xuất khô, mắm, chợ đầu mối, các nhà hàng ở khắp các chợ từ xã đến tỉnh để lúc nào cũng có đầu ra ổn định đồng thời cũng không quá kén chọn kích cỡ.
Ngoài ra, những người điều hành phải là người có nhiều vốn, có uy tín mới có thể vựa cá lại nhiều tháng liền, để cung cấp hàng cho siêu thị.
Nhờ vậy, những hộ nuôi cá lóc bên ngoài dần dần cũng đã bán cho THT, việc bán buôn qua thương lái ngoài địa phương cũng được hạn chế dần, từ đó lợi nhuận của bà con cũng nhiều lên, do đã giảm được một số tầng nấc trung gian.
Từ mô hình THT nuôi cá lóc theo tiêu chuẩn GAP cho Metro, đã tạo cho bà con nhà vườn ở ấp Mái Dầm nói riêng và toàn xã Phú Thành nói chung có điều kiện tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập.
Tính đến nay, toàn xã đã có 43 hộ nuôi, với diện tích gần 8.000 m2 mặt nước, sản lượng cung ứng hơn 90 tấn/năm, lợi nhuận chung cho bà con, đạt hơn hai tỷ đồng.
Rõ ràng là những con số có ý nghĩa, cần được các cấp chính quyền và ngành chức năng tỉnh quan tâm, đầu tư phát triển mạnh hơn nữa.
Có thể bạn quan tâm
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình sản xuất cá tra đang có dấu hiệu khả quan, người nuôi đã có lãi. Giá cá tra nguyên liệu trong tháng 11 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long từ 23.500 - 24.000 đồng/kg, ổn định so với tháng trước, trong khi giá thành sản xuất từ 22.000 - 23.000 đồng/kg.
Xác định vai trò chủ thể của nông dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), Hội Nông dân huyện Cai Lậy đã tích cực vận động hội viên thi đua lao động sản xuất, đóng góp kinh phí, ngày công lao động, hiến đất... để địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM theo tiến độ.
Giá lúa tại ĐBSCL đã tăng trở lại bình quân từ 100-200 đồng/kg so với cách nay 1 tuần. Hiện lúa IR50404 tươi có giá 4.500 - 4.700 đồng/kg, lúa khô từ 5.500-5.600 đồng/kg; lúa tươi hạt dài thường đang ở mức từ 4.750 - 5.000 đồng/kg và lúa khô từ 5.700-5.900 đồng/kg. Lúa thơm khô từ 6.000 - 6.200 đồng/kg.
Ông Yukio Kikuchi, giám đốc dự án tại Việt Nam của Công ty Yanmar (Nhật Bản) cho biết, doanh nghiệp đang đầu tư thí điểm khoảng 180 tàu composite giúp ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định đánh bắt cá ngừ đại dương xuất khẩu.
Tại buổi giao thương giữa các DN bông vải sợi Việt Nam và các nhà phân phối bông sợi châu Phi vừa qua, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông vải sợi Việt Nam cho biết, lượng bông nhập khẩu từ các nước của Việt Nam như sau: 40% từ Hoa Kỳ, 20% Ấn Độ, 20% từ thị trường Tây và Trung Phi, còn lại là ở các thị trường nhỏ khác.