Người trồng mì đang cõng nhiều nỗi lo
Trong khi nông dân lại không nắm được thông tin về giá, thị trường đầu ra của sản phẩm. Vì thế không tránh khỏi tình trạng bị tư thương ép giá hoặc thao túng thị phần. Cây sắn (mì) là một ví dụ điển hình.
Trồng nhưng không đầu tư chăm sóc nên chất lượng tinh bột mì trong tỉnh có độ thấp hơn mì của Campuchia (ảnh: Nông dân xã Nha Bích, huyện Chơn Thành thu hoạch mì)
Khó khăn chất chồng
6 tháng đầu năm, diện tích gieo trồng cây có củ hằng năm trên địa bàn tỉnh là 1.538 ha, trong đó 1.343 ha mì, tăng 81 ha so với cùng kỳ năm trước.
Ông Phạm Viết Đương ở thôn 12, xã Long Hà (Phú Riềng) cho biết: Tôi có 1 ha mì trồng xen trong vườn cao su.
Hiện cây mì bị bệnh, lá vàng từ gốc lên đến hai phần cây.
Tôi đã phun thuốc trừ bệnh nhưng chưa hoàn toàn hồi phục.
Vụ mì 2014, giá 1.250 đồng/kg mì tươi, tôi bán được 12,5 triệu đồng.
Cây mì dễ trồng nhưng đầu ra hạn chế.
Hiện đầu mối chính là Nhà máy chế biến tinh bột mì Vedan ở xã Bù Nho (Phú Riềng).
Tuy nhiên, nông dân chỉ bán được mì qua trung gian là các điểm thu mua nhỏ lẻ trên địa bàn hoặc thương lái từ xa đến nên chịu nhiều thiệt thòi.
Anh Nguyễn Ngọc Long ở xã Long Hà chia sẻ: Nông dân thường không biết thông tin về giá, thị trường nên việc đầu tư vào loại cây trồng này được hay không rất khó biết.
Hiện mì chưa vào chính vụ nhưng thương lái đưa ra giá đầu mùa từ 1.000 - 1.300 đồng/kg.
Gia đình có 2,5 ha mì vừa bị bệnh nấm vàng lá, đã phun thuốc và có dấu hiệu hết bệnh nhưng chắc sẽ ảnh hưởng đến sản lượng.
Là chủ thu mua nông sản, lại có diện tích mì lớn nhưng ông Tạ Văn Định ở đội 7, xã Long Hà cũng khá lo lắng về thị trường mì năm nay.
Ông Định cho biết: Với 16 ha mì sau khi trừ chi phí, năm 2014 tôi thu khoảng 500 triệu đồng.
Năm nay, giá đầu mùa nhà máy đưa ra cho thương lái là 2.000 đồng/kg mì tươi với chất lượng đảm bảo độ tinh bột 300, còn từ 27-280 thì giá khoảng 1.600 - 1.700 đồng/kg.
Trong khi giá đầu mùa năm 2014 là 2.200 đồng/kg và năm 2013 là 2.500 đồng/kg.
Năm nay, giá đầu mùa từ 1.600 - 2.000 đồng/kg mì tươi, vào chính vụ sẽ thấp hơn vì mưa nhiều, chất lượng khoai mì giảm.
Người dân bán qua tay thương lái giá sẽ chênh lệch hơn nữa.
Hiện đa số mì ở Bình Phước trồng xen trong các vườn cây lâu năm chưa khép tán như cao su, điều...
và người trồng mì trong tỉnh chưa đầu tư chăm sóc cây mì đúng nghĩa như bón phân, cày xới đất tơi xốp, phòng trừ nấm bệnh mà thường phó mặc cho tự nhiên.
Ở Tây Ninh, người trồng mì làm rất bài bản và khoa học, họ cày xới đất nhiều lần, bón phân, đầu tư chăm sóc nên độ của mì cao và năng suất đạt khoảng 80 tấn/ha.
Còn ở trong tỉnh, cao nhất chỉ từ 40 - 45 tấn/ha, trung bình 25 - 30 tấn/ha.
Sau khi trừ chi phí, người trồng mì chỉ “lấy công làm lãi”.
Bất cập trong thu mua
Ông Định kể: Hiện thị trường thu mua mì gần như rơi vào thế độc quyền nên người trồng mì và nhiều điểm thu mua khác rất thiệt thòi.
Từ khi Nhà máy Vedan ký hợp đồng với một số đơn vị thua mua thì phần lớn nông dân và những điểm thu mua khác không thể trực tiếp bán mì cho nhà máy.
Muốn bán cho nhà máy phải đợi 1 - 2 ngày, lúc đó mì bị thâm chỉ, giảm độ.
Khi bán được thì giá thấp hơn nên có chuyến đưa mì lên nhà máy, tôi lỗ khoảng 10 triệu đồng.
Hiện mì chưa vào vụ chính nên mỗi ngày mua khoảng 2 - 3 xe, mỗi xe khoảng 30 tấn.
Vào vụ chính, mỗi ngày khoảng 5 xe.
Không ký được hợp đồng với nhà máy, muốn bán nhanh phải “bán tài” (ghi xe mì của mình thành tên của đơn vị đã ký hợp đồng - PV) sẽ được cho xe vào nhanh nhưng phải chi 400 - 500 ngàn đồng “phí” cho đơn vị đưa mì vào.
Nếu không làm như vậy thì phải nằm đợi nhiều ngày.
Vì thế, nông dân và thương lái không ký được hợp đồng thường ngại bán mì trực tiếp cho nhà máy.
Trao đổi qua điện thoại, trong vai thương lái mới vào nghề - tôi được nhân viên Nhà máy Vedan cho biết: Hiện công ty đang ký hợp đồng mua mì với 3 công ty.
Điều kiện để ký hợp đồng, các công ty phải đảm bảo nguồn hàng ổn định, ngược lại được trợ giá từ Nhà máy Vedan (hiện là 120 đồng/kg - mức trợ giá sẽ thay đổi theo thời điểm).
Các đơn vị và người dân không ký hợp đồng với công ty nhưng vẫn bán hàng trực tiếp với công ty bình thường như những năm trước.
Hiện mì chưa vào vụ chính nên việc chờ đợi xếp hàng vào nhà máy không xảy ra.
Tuy nhiên, đến vụ chính do nhiều công ty và thương lái đổ hàng về nhiều nên sẽ phải xếp hàng chờ đợi.
Thời gian chờ lâu làm cho mì thâm chỉ, giảm độ - là cơ hội để không ít kẻ lợi dụng ăn chặn tiền của dân.
Bởi lượng mì càng nhiều thì số tiền được hưởng trợ giá từ phía Nhà máy Vedan không hề nhỏ.
Do khó khăn ở khâu tiêu thụ nên nhiều trường hợp đã ngưng thu mua mì chuyển qua mua nông sản khác như điều, ca cao, tiêu.
Trong một buổi sáng, phóng viên đã vào 5 công ty, cơ sở thu mua nông sản dọc hai bên đường ĐT741 thuộc hai huyện Phú Riềng, Đồng Phú để hỏi nhưng đều nhận được câu trả lời không ký được hợp đồng tiêu thụ nên ngừng thu mua mì hoặc không có mì để mua do dân đã bán cho thương lái.
Người trồng mì có nên hy vọng?
Ngày 20-11-2007, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”.
Theo đề án, giai đoạn 2011 - 2015 sẽ “...Xây dựng và phát triển các cơ sở sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học trên phạm vi cả nước.
Đến năm 2015, sản lượng ethanol và dầu thực vật đạt 250 ngàn tấn (pha được 5 triệu tấn E5, B5), đáp ứng 1% nhu cầu xăng dầu của cả nước...”.
Nhà máy chế biến nhiên liệu sinh học Phương Đông được khởi công xây dựng tháng 3-2010 tại xã Minh Hưng (Bù Đăng).
Đây là trung tâm chế biến nhiên liệu sinh học ethanol duy nhất trong khu vực Đông Nam bộ với công suất thiết kế hơn 100 triệu lít cồn sinh học/năm, tiêu thụ khoảng 240 ngàn tấn củ mì khô/năm và người trồng mì trong tỉnh rất kỳ vọng vào dự án này.
Đến cuối năm 2014, cả nước có 7 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol nhưng có 4 nhà máy ngừng hoạt động, trong đó có nhà máy Phương Đông.
Chỉ một thời gian ngắn nữa là TP. Hồ Chính Minh sẽ triển khai bán xăng E5 thay xăng RON 92 trên toàn bộ cây xăng từ thời điểm 30-11-2015.
Trước đó, Chính phủ đã chỉ đạo thí điểm sử dụng xăng E5 đối với 7 tỉnh, thành: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi.
Khi đưa xăng E5 đồng loạt ra thị trường thì nguồn nhiên liệu sẽ thiếu nhưng không hiểu vì sao Nhà máy chế biến nhiên liệu sinh học Phương Đông vẫn đóng cửa?
Do vậy, nông dân trồng mì và thương lái trong tỉnh hầu như không có sự lựa chọn nào khác, ngoài Nhà máy Vedan.
Vì lẽ đó, mọi thiệt thòi người trồng mì đều phải gánh chịu.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian gần đây, mô hình trồng mận An Phước trong nhà lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nhà vườn Lai Vung (Đồng Tháp). Với mô hình sản xuất này, trung bình 1.000m2 mỗi năm nhà vườn có thể lãi từ 60 - 70 triệu đồng.
“Nôm na thì cứ gọi nhãn Miếu, vì cây nhãn nằm gần ngôi miếu cổ, hoặc nhãn điếc vì quả có hạt nó rất nhỏ, nhăn nheo hoặc không có hạt, nhưng hương vị của nó thì… miễn chê” - Ông Vương Đăng Chính người làng Tân Chính, xã Đại Hoá, huyện Tân Yên (Bắc Giang) cho biết như vậy.
Đó là ý kiến của đa số đại biểu tham dự hội thảo “Liên kết, hợp tác phát triển ngành dừa bền vững” do UBND tỉnh Bến Tre tổ chức sáng 8-4. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Lễ hội Dừa Bến Tre lần thứ IV năm 2015 (từ ngày 7 đến 13-4-2015).
Hiện các vựa thu mua xô cam sành với giá 27.000 - 28.000 đồng/kg, tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg so với tháng trước đó. Những trái cỡ lớn, chín vàng đẹp có mức giá 29.000 đồng/kg. Tại các chợ, giá cam sành bán lẻ từ 32.000 - 37.000 đồng/kg.
Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh tại hội nghị “Sơ kết tháng hành động phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long” vừa tổ chức cuối tuần qua tại TP Phan Thiết (Bình Thuận).