Hiệu Quả Mô Hình 2 Lúa + 1 Bắp
Đến xã Đức Phú (Tánh Linh - Bình Thuận) thời điểm này, nhìn ra cánh đồng lúa vừa thu hoạch, dưới những gốc rạ lởm chởm còn sót lại, nông dân đang tất bật xuống giống vụ bắp (ngô) lai đông xuân, người thì thọc lỗ, người thì bỏ hạt. Vài năm gần đây, nhờ luân canh 2 vụ lúa + 1 vụ bắp nên đời sống của bà con được cải thiện đáng kể.
Ông Hồ Thanh Tuyển , Chủ tịch UBND xã Đức Phú, cho biết: “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, bố trí mùa vụ hợp lý là vấn đề quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương, đồng thời giúp người dân tránh được rủi ro trong sản xuất, đem lại thu nhập cao, phát triển kinh tế bền vững. Xác định được điều đó, UBND xã Đức Phú đã tổ chức họp dân xin ý kiến về việc đưa mô hình 2 lúa + 1 bắp vào triển khai thực hiện và được bà con đồng tình hưởng ứng.
Tổng diện tích lúa toàn xã khoảng 350ha, do nguồn nước không đủ để phục vụ sản xuất nên lúa chỉ trồng được ở 2 vụ hè thu sớm và vụ mùa. Sau khi thu hoạch vụ mùa xong, đa số diện tích lúa được chuyển sang sản xuất cây bắp lai vụ đông xuân.
Hàng năm, Hội Nông dân xã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa, bắp lai cho bà con. Nhờ nắm bắt kỹ thuật, mô hình chuyển đổi 2 lúa, 1 bắp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Hiện, năng suất lúa bình quân đạt 6 tạ/sào, bắp lai 1 tấn/sào (bắp lấy hạt). Đặc biệt, những năm gần đây, việc trồng bắp lai đã mang lại thu nhập cao nên nông dân trong vùng rất mặn mà với cây trồng này.
Bắp lai không chỉ sản xuất lấy hạt mà còn được thương lái mua cả cây về làm thức ăn cho bò sữa. Theo tính toán của bà con, nếu 1ha lúa cho lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng thì 1ha bắp lãi khoảng 20 - 25 triệu đồng. Nếu bán bắp cây thì bà con còn thu lãi khá và đỡ tốn công hơn trồng bắp lấy hạt, vì bắp nguyên cây chỉ trồng khoảng 70 - 75 ngày, còn bắp lấy hạt mất 100 - 105 ngày, nên khi bán bắp cây xong có thể trồng thêm vụ bắp khác.
Việc luân canh 2 vụ lúa, 1 vụ bắp không chỉ giúp cải tạo đất, lúa ít sâu bệnh, đạt năng suất cao mà trồng bắp trên đất lúa không tốn công làm đất. Ông Nguyễn Văn Hà ở thôn 4 cho biết: “Trồng bắp lai khá đơn giản, sau khi gặt lúa vụ mùa xong, cắt gốc rạ, sau đó gom lại đốt thành tro. Không cần cày đất mà để vậy thọc lỗ, bỏ hạt bắp xuống và lấy ít đất cát pha lấp lại, sau ít ngày bắp nảy mầm. Khi bắp khoảng 10 ngày tuổi thì tưới nước, bón phân, xịt thuốc theo hướng dẫn”.
Để mô hình phát triển bền vững, thời gian tới, xã Đức Phú sẽ phối hợp với các doanh nghiệp tìm đầu mối thu mua bắp lai giúp nông dân yên tâm sản xuất. Mặt khác, Hội Nông dân xã dự kiến đề nghị thành lập Tổ hợp tác nông dân nuôi bò sữa, nhằm tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương để phát triển nghề chăn nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Ông Ngô Văn Sơn, nông dân xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu - Đồng Nai), cho biết tại các lễ hội “Trái cây Nam bộ năm 2013” đang diễn ra ở Suối Tiên (TP. Hồ Chí Minh) và “Lái Thiêu mùa trái chín” khai mạc sáng 8-6, ông đều mang đến giới thiệu trái bưởi hồ lô. Đây là nhà vườn đầu tiên ở Vĩnh Cửu tạo được trái bưởi hồ lô bán trên thị trường.
Thông qua mô hình SX thử nghiệm ở các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Thường Xuân, Thiệu Hóa... (Thanh Hóa), những tưởng giống ngô nếp lai tím Fancy 111, Fancy 212 do Cty Advanta phân phối sẽ phát triển rầm rộ, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Nhưng sau một thời gian, giống ngô này gần như “chết yểu”.
Khóm Cầu Đúc là một trong những đặc sản của tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, thu nhập của người trồng khóm chưa được đảm bảo, do giá cả bấp bênh. Vì vậy, cần có giải pháp để nâng cao giá trị cho loại nông sản này, góp phần cải thiện điều kiện kinh tế cho người trồng khóm.
Tháng 9/2012, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Điện Biên Đông triển khai trên địa bàn xã Keo Lôm, Dự án Hỗ trợ mô hình trồng lạc giống mới TB 25. Đây là một trong những hợp phần của Chương trình 135/CP giai đoạn II nhằm hỗ trợ nhân dân các dân tộc vùng cao trên địa bàn huyện phát triển trồng trọt. Dự án mở ra hướng mới cho việc phát triển cơ cấu cây trồng, tận dụng và cải tạo đất nông nghiệp trên địa bàn.
Thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi có thế mạnh về sản xuất lúa, chăn nuôi và nuôi một số loài thủy sản có giá trị kinh tế. Những năm qua được sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhiều nông dân đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó kinh tế địa phương ngày càng phát triển hơn. Điển hình trong số những nông dân làm kinh tế giỏi của thị trấn Châu Hưng là ông Giang Đông Nuol ngụ tại ấp Nhà Thờ với mô hình nuôi cá bống tượng theo hình thức dây chuyền khép kín.