Hiệu quả kinh tế từ cây màu
Từ làm lúa, anh Nguyễn Văn To ở ấp Bình Đông 2 đã chuyển đổi sang trồng dưa leo. Sau 2 vụ thu hoạch thấy vẫn chưa đủ sức hấp dẫn, nghe nhiều người khuyên nên chuyển sang cây trồng ít phổ biến trong vùng để bán được giá cao, anh dò hỏi và quyết định trồng khổ qua. Ngay từ đợt hái trái đầu tiên, đám khổ qua của anh đã được nhiều người chấm “trúng là cái chắc”. Trên 3.000m2, vườn khổ qua cho thu hoạch tháng đầu tiên mỗi ngày 500 - 600kg, giá bán 6.000 đồng/kg. Anh To cho biết, với giá bán nói trên, trừ chi phí còn lời 15 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, giá khổ qua xuống thấp khoảng 3.000 đồng/kg nhưng được lợi là đợt thu hoạch “ăn” dài hơn dưa leo 1 tháng nữa, đồng thời mọi khâu chăm sóc, hái trái đều tận dụng hết lao động trong gia đình nên đồng lời cũng nhiều hơn. Đánh giá vụ đầu có lý, anh To khẳng định vụ tới sẽ tiếp tục trồng giống màu này.
Cũng bằng trái khổ qua, sau thời gian chuyển đổi qua nhiều loại rau màu như hẹ, cải, hành… ông Châu Hùng Dũng, ngụ ấp Bình Quới 1 nhận thấy hiệu quả kinh tế khá hơn hẳn. Theo ông Dũng, thời gian trồng cây khổ qua ngắn, cho năng suất và giá cả ổn định, đang vào mùa mưa, tiết trời càng mát thì dây khổ qua càng ra trái nhiều. Cải tạo 2.000m2 đất trồng khổ qua, sau 34 ngày ông Dũng bắt đầu thu hoạch. Trên 1.000m2 khổ qua đạt năng suất 3,5 tấn, cho lợi nhuận 26 triệu đồng.
Gia đình ông Lư Văn Thiện, ngụ ấp Bình Đông 1 thì chọn cách phát triển kinh tế từ cây ổi. Nhận thấy mô hình trồng ổi nhiều nơi cho thu nhập cao, ông đã bỏ công tìm tòi, học hỏi nhiều nông dân thành công và cải tạo 3 công đất trồng ổi Đài Loan ruột trắng.
Ông Thiện cho biết, trồng ổi thời gian thu hoạch dài hơn lúa, nếp nhưng được cái giá bán cao nên hiệu quả hơn gấp 3 - 4 lần trồng lúa. Tuy nhiên, việc làm vườn đòi hỏi sự cần mẫn, tốn nhiều công sức, muốn ổi đạt chất lượng cao, cho quả to cần phải chăm bón từ lúc mới ra hoa, thường xuyên vun gốc và xới đất để rễ cây ổi phát triển, khi hoa bắt đầu kết nụ, phải dùng bao ny-lon để bọc từng trái một, nhằm tránh bị bướm đẻ trứng… Sau 8 tháng, vườn ổi của ông Thiện bắt đầu cho thu hoạch. Với giá bán bình quân 10.000 nghìn đồng/kg, mỗi ngày gia đình ông thu nhập đều đặn 100.000 – 150.000 đồng. Phấn khởi với hướng đi mới, ông Thiện đang tiếp tục cải tạo 2 công đất tiếp theo để mở rộng vườn ổi.
Nhờ nhạy bén với thị trường, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều nông dân ở xã Bình Thạnh Đông đã cải thiện được kinh tế, điều kiện sống từ cây màu ở địa phương. Chủ tịch Hội Nông dân xã Mai Duy Linh cho biết, toàn xã có 110 héc-ta trồng màu, trong đó bắp, ớt, dưa leo là những loại cây chủ lực. Thời gian gần đây, nhiều nông dân còn tự tìm hiểu, nghiên cứu để canh tác các loại cây trồng thay đổi luân phiên nhằm tránh hàng hóa bị “dội chợ”, sự linh hoạt này đã giúp đầu ra các mặt hàng nông sản có giá bán cao hơn.
Những năm qua, Hội Nông dân xã đã triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân vay vốn, vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những cây, con giống có năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Đồng thời, hội còn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn và chuyển giao khoa học- kỹ thuật cho nông dân về kỹ thuật chăn nuôi bò, trồng gừng, trồng rau an toàn… Nhờ vậy, nhiều hộ đã biết ứng dụng khoa học- kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp và đạt hiệu quả cao, giúp đời sống của các hội viên nông dân được cải thiện đáng kể.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường RAT trong nước hiện gần như không kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng. Hàng loạt vụ lừa đảo rau không rõ nguồn gốc dán nhãn RAT khiến cho thị trường rau sạch mới được gây dựng đã bị làm loạn.
Những ngày qua, giá cá tra ở Đồng Tháp nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng mạnh. Song, thay vì phấn khởi, vui mừng, nông dân lại thấy lo bởi nhiều khả năng đây chỉ là cơn “sốt giá ảo”.
Những năm gần đây, phong trào nuôi cá nước ngọt nhằm tăng thu nhập đã được nông dân Bến Tre ứng dụng rộng rãi. Tùy theo điều kiện đất đai, môi trường nước và nguồn vốn, nông dân đã chọn nuôi những đối tượng khác nhau, trong đó, con cá sặc rằn được nuôi phổ biến ở vùng Lạc địa, thuộc xã Phú Lễ, huyện Ba Tri.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tây Ninh cho biết, đã xác định được nguyên nhân làm hàng ngàn con cá nuôi bè bị các vết lở loét.
Ông Nguyễn Văn Hơn cư ngụ ở ấp Đồng Lớn 2, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu thực hiện mô hình trồng bông súng kết hợp nuôi cá trên diện tích 14 công tầm cấy (1,82 ha) đã 3 năm nay, cho hiệu quả rất cao.