Hiệu Quả Của Mô Hình Nuôi Hà Treo Dây Ở Hoàng Tân
Trong thời gian qua, nuôi hà treo dây đã trở thành một trong những thế mạnh đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Hoàng Tân (TX Quảng Yên - Quảng Ninh).
Theo thống kê, năm 2013, sản lượng hà treo dây ở Hoàng Tân đạt gần 1.000 tấn. Dự kiến trong năm 2014, sản lượng gần 2.000 tấn. Mô hình này ngày càng được nhân rộng và từng bước xây dựng thành thương hiệu đặc trưng của xã Hoàng Tân.
Đồng chí Hoàng Xuân Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Tân cho biết: Trước đây, việc nuôi hà còn mang tính manh mún, chủ yếu là cách nuôi trên cành sú vẹt, cách nuôi này vừa không đem lại hiệu quả lại vừa ảnh hưởng tới môi trường sinh thái của vùng rừng ngập mặn. Năm 2012, một số hộ dân đã nuôi thử bằng cách treo dây, với hình thức đem cọc tre, bạch đàn có chiều cao khoảng 2,5m, cắm sâu xuống đất, sau đó dùng dây cước buộc nối các cọc với nhau và đem dây xiên hà vào và treo lên.
Mỗi xiên hà có khoảng 5-6 con, treo cách nhau khoảng 15cm, cách mặt đất 30cm. Khi thuỷ triều lên, hà sẽ ăn các chất phù du để sinh trưởng. Cách sáng tạo nuôi này đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, năm 2013 xã Hoàng Tân có 500 hộ dân tham gia nuôi trên diện tích 165ha, sản lượng đạt gần 1.000 tấn, đem lại thu nhập cho mỗi hộ hàng trăm triệu đồng.
Ông Hoàng Xuân Khắc ở thôn 1 cho biết: Năm vừa qua nhà tôi nuôi 3 vạn dây hà, cho sản lượng 3 tấn hà vỏ. Nuôi kiểu này đầu tư không nhiều, chủ yếu là tiền mua cọc, dây và mất công xâu hà. Nuôi hà rất đơn giản, vì hà không có con giống nên chỉ cần tận dụng vỏ hà đã khai thác rồi, đem phơi qua nắng, rồi đục một lỗ ở trên vỏ và đem xiên vào dây rồi đem đi thả. Khi nước thuỷ triều lên ngập các cọc treo, các ấu trùng của hà theo dòng thuỷ triều bám vào vỏ hà rồi tự sinh trưởng và phát triển.
Mùa nuôi bắt đầu vào tháng 3 (âm lịch), đến tháng 10 thì được thu hoạch. Cũng ở thôn 1, hộ gia đình chị Lê Thiết nuôi 2 vạn dây hà. Chị Thiết cho hay, cách nuôi này làm cho hà phát triển thuận lợi hơn, con hà mọng và chất lượng hơn. Vừa qua, nhà chị đã thu hoạch được khoảng trên 2 tấn hà cho thu nhập 150 triệu đồng.
Được biết, thôn 1 là trong những thôn có số lượng nuôi hà lớn nhất ở đây với 145 hộ nuôi, có sản lượng 400 tấn hà/năm. Theo đánh giá của thương lái, hà ở Hoàng Tân có chất lượng tốt hơn, vì hợp đất, nước và thổ nhưỡng lên con hà mọng nước, có độ đậm hơn so với hà nuôi ở các địa phương khác.
Ông Hoàng Xuân Cương cho biết thêm: Hiện nay Hoàng Tân đã đăng ký hà treo dây vào chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm. Dự kiến trong năm 2014 diện tích nuôi hà sẽ tăng lên, với sản lượng đạt xấp xỉ 2.000 tấn. Vì vậy, đầu ra cho sản phẩm vẫn là vấn đề khó khăn với địa phương. Vừa qua, xã cũng đã đề nghị với cấp trên và Ban Xây dựng Nông thôn mới tỉnh tìm nguồn tiêu thụ rộng lớn hơn cho người dân và đưa mô hình này trở thành mô hình tiêu biểu, có giá trị kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm
-Hơn 4 năm qua, đã có 1.929 hộ dân thoát nghèo, cải thiện kinh tế gia đình bền vững nhờ chương trình “Lục Lạc Vàng” trao tặng 3.129 con bò.
2015 vẫn là năm khó khăn đối với nghề nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng, mức thiệt hại luôn ở khoảng 25% – 28% theo từng thời điểm thả giống, nhưng mức độ thiệt hại cục bộ ở một số vùng nuôi vẫn trên 50% như thị xã Vĩnh Châu và huyện Mỹ Xuyên.
Nhằm giúp người dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, khai thác hiệu quả mặt nước vùng lòng hồ thủy điện, Trạm Khuyến nông huyện Than Uyên (Lai Châu) triển khai dự án nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Bản Chát.
Cuối tháng 10/2015, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Sở NN &PTNT thả cá bổ sung nguồn lợi thủy sản hồ Hòa Bình.
Sáng 12/11, Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Chi cục Nuôi trồng thủy sản tổ chức Hội nghị "Phổ biến kỹ thuật sản xuất giống tôm chân trắng an toàn” cho các thành viên Hội nghề cá và hộ sản xuất tôm giống trên địa bàn toàn tỉnh.