Hiệu Quả Chuyển Đổi Cơ Cấu Cây Trồng Ở Phong Châu
Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho nông dân là nhiệm vụ quan trọng, mấy năm gần đây, Đảng ủy, chính quyền xã Phong Châu (Trùng Khánh) đã khuyến khích, vận động nhân dân đưa các loại cây ngắn ngày giá trị kinh tế vào trồng như: ngô, thuốc lá, mía, các loại rau xanh..., tạo điều kiện cho nhân dân vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Gia đình ông Hoàng Văn Hương, xóm Nà Mằn trước đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp theo vụ mùa, trồng ngô vụ đông xuân và cấy lúa vụ hè thu, thu nhập rất bấp bênh, kinh tế gia đình không ổn định.
Do đặc điểm của đất và tập quán canh tác truyền thống của gia đình, sản lượng thu hoạch từ cây ngô, lúa không được là bao, thậm chí nhiều vụ bị mất trắng. Năm 2013, được sự khuyến khích của chính quyền địa phương, gia đình ông Hương mạnh dạn chuyển đổi hơn 2.000 m2 đất ruộng trồng ngô sang trồng cây thuốc lá.
Gia đình ông trồng và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật như: trồng đúng thời vụ, làm đất, chọn giống, gieo trồng, bón phân, chăm sóc, thu hoạch, do vậy, cây thuốc lá sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao. Khi thu hoạch, số thuốc lá lá sấy khô được Công ty TNHH Duy Tiến Cao Bằng thu mua ngay tại nhà.
Ông Hương tâm sự: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng lúa, ngô chỉ đủ ăn, không có tích lũy, năm 2013, được xã tuyên truyền, vận động chuyển sang trồng thuốc lá, gia đình tôi trồng thử nghiệm, năng suất đạt 17,2 tạ/ha.
Sau khi thu hoạch, trừ hết chi phí, gia đình tôi thu nhập trên 20 triệu đồng. Đến vụ đông xuân năm 2014, gia đình tôi tiếp tục mở rộng thêm 700 m2 diện tích trồng thuốc lá, nâng tổng diện tích trồng thuốc lá của gia đình lên gần 3.000 m2, năng suất đạt 16,5 tạ/ha.
Tổng số diện tích đất nông nghiệp của xã Phong Châu là 360,52 ha, trong đó, diện tích đất trồng lúa 226 ha, diện tích trồng thuốc lá 4,3 ha, diện tích đất trồng mía 3 ha... Xã có 12 xóm hành chính, bà con chủ yếu sản xuất nông nghiệp với phương thức canh tác truyền thống.
Để nâng cao hiệu suất sử dụng đất, cấp ủy Đảng, chính quyền xã đã vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi diện tích đất trồng các loại cây hoa màu năng suất thấp sang thâm canh cây thuốc lá năng suất, giá trị kinh tế cao.
Đồng thời, ký hợp đồng với Công ty TNHH Duy Tiến Cao Bằng bao tiêu toàn bộ sản phẩm, hỗ trợ giống, vay phân bón trả chậm, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, cách xây dựng lò sấy, bảo quản sản phẩm cho nông dân và trình diễn mô hình cây thuốc lá cho năng suất cao, chất lượng tốt.
Đồng chí Nông Thế Thuần, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Châu cho biết: Sau khi có thông báo cũng như quyết định giao chỉ tiêu trồng thuốc lá về cho xã, Đảng ủy đã thành lập Ban chỉ đạo, vận động nhân dân chuyển đổi trồng cây ngô, rau màu năng suất thấp sang trồng thuốc lá năng suất cao hơn.
Phân công các đồng chí trong Ban chỉ đạo trực tiếp xuống các xóm để tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ lợi ích, hiệu quả kinh tế từ trồng cây thuốc lá với các loại cây nông nghiệp khác đã và đang trồng trên địa bàn.
Kết quả, diện tích trồng thuốc lá vụ đông xuân 2013 - 2014 tăng 2,3 ha so với vụ đông xuân năm 2012 - 2013, nâng tổng diện tích trồng thuốc lá trong toàn xã lên 4,3 ha; từ 3 xóm trồng nay tăng lên 5 xóm trồng thuốc lá; số lò sấy tăng từ 3 lên 15 lò sấy.
Bên cạnh các xóm: Nà Mằn, Cô Bây, Bó Thua Ma, Bản Piên..., trồng thuốc lá, xóm Pác Coóng trồng tỏi, xóm Bản Viết trồng rau xanh, xóm Phia Bó trồng mía vàng, mía nguyên liệu..., đem lại thu nhập cao cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương ngày càng phát triển.
Qua 2 năm thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cuộc sống của nhân dân có bước chuyển biến rõ rệt, hộ nghèo hằng năm giảm từ 3 - 5%.
Trong những năm tiếp theo, xã tiếp tục có những biện pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư, mở rộng diện tích trồng thuốc lá, đồng thời có những chính sách khuyến khích nông dân nhân rộng mô hình cây thuốc lá cao sản tại các xóm, đảm bảo theo đúng chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, việc xây dựng nông thôn mới ở xã Phong Châu còn nhiều khó khăn, kinh tế xã phát triển chậm, thu nhập người dân không ổn định, dễ tái nghèo.
Chính vì vậy, xã xác định phải nâng cao thu nhập cho người dân bằng việc tiếp tục chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở vùng đất kém hiệu quả, lựa chọn giống cây trồng có giá trị kinh tế, năng suất cao phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của địa phương, là tiền đề cho xã tiếp tục thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm
Từ trước Tết Nguyên đán đến nay giá ớt tăng mạnh, bán tại vườn gần 30.000 đ/kg, anh thu nhập trên 550 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi 375 triệu. Hiện vườn ớt vẫn đang ra quả và tiếp tục cho thu hoạch đến hết tháng 3/2014.
Nhìn rẫy màu tốn bao công sức chăm sóc mà anh Liêu Quang ở ấp Sô La 1, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) thấy xót ruột, vì 1 kg bắp cải de chỉ bán được 1.000 đồng, tính ra mỗi ký lỗ gần 2.000 đồng.
Do sản lượng tăng mạnh, đầu ra không ổn định nên dịp này người trồng rau ở Bắc Giang lỗ nặng. Một số hộ đã phá bỏ hoặc tận dụng rau làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Sau tết, nông dân trồng điều ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đang khẩn trương ra đồng dọn vườn, cào và đốt lá, chuẩn bị một mùa thu hoạch khá nhờ thời tiết thuận lợi với cây điều.
Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Long Mỹ (Hậu Giang) phối hợp với Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam vừa tổ chức giới thiệu giống bắp mới MX10 super cho trên 50 nông dân trên địa bàn huyện.