Nuôi Tôm Bằng Vi Sinh Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao
Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến - kết hợp ít thay nước và sử dụng vi sinh trong suốt quá trình nuôi được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Đông Hải thực hiện thí điểm tại xã Định Thành. Sau 3 năm thực hiện đã thật sự đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi tôm.
Việc sử dụng các chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản hiện nay đã không còn xa lạ với người dân. Các chế phẩm sinh học được người nuôi tôm sử dụng cải tạo ao đầm trước mỗi vụ nuôi, trộn trực tiếp vô thức ăn giúp con tôm tăng sức đề kháng, tạo màu nước cũng như bổ sung các loại vi sinh vật có lợi trước khi thả giống… Việc sử dụng vi sinh trong suốt quá trình nuôi còn giúp người dân giảm chi phí đầu tư.
Thế nhưng hiện nay, việc sử dụng các loại chế phẩm vi sinh người dân vẫn còn chưa nắm rõ, trong khi đó trên thị trường tràn lan các loại vi sinh không rõ nguồn gốc, rất khó phân biệt. Nếu mua nhầm sản phẩm dỏm, người nuôi tôm không thể tránh khỏi tình cảnh “tiền mất tật mang”.
Từ thực trạng trên, năm 2012 Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Đông Hải triển khai mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến - kết hợp ít thay nước tại xã Định Thành. Tham gia mô hình, người dân được các các bộ kỹ thuật của Trung tâm và Phòng NN&PTNN hướng dẫn cách xử lý ao nuôi trước mỗi vụ bằng các loại chế phẩm vi sinh do Trung tâm cung cấp mà người dân không phải tốn chi phí.
Đồng thời, dự án còn phân công cán bộ thường xuyên xuống cơ sở trực tiếp hướng dẫn và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc của bà con gặp phải trong quá trình nuôi.
Ban đầu dự án được triển khai với 38 tổ viên, diện tích 77,2ha. Sau một năm thực hiện, tới vụ thu hoạch năng suất đạt 414kg/ha (cua, tôm), nông dân trong vùng dự án thu lợi gần 35 triệu đồng/ha/năm. Cá biệt, có hộ thu lợi nhuận trên 60 triệu đồng/ha/năm. So với những hộ nuôi ngoài vùng dự án liền kề thì những hộ trong vùng dự án có lợi nhuận cao hơn gần 30 triệu đồng/ha/năm.
Ông Lý Văn Xứng (người nuôi tôm trong vùng dự án) cho biết: “Khi tham gia dự án, tôi thấy chi phí trong quá trình nuôi giảm đi rất nhiều. Chúng tôi không còn lạm dụng các loại hóa chất quá nhiều như trước nữa. Hiệu quả tăng trên 50% so với cách nuôi của gia đình tôi trước đây”.
Nhận thấy hiệu quả của mô hình, đến vụ nuôi 2013 - 2014, nhiều hộ dân xin được tham gia vào dự án. Đến nay, dự án đã thành lập được 5 tổ hợp tác với 137 tổ viên. Tổng diện tích tham gia dự án là 337,2ha. Năng suất bình quân sau thu hoạch đạt 275kg/ha/6 tháng, tăng 30 - 50kg so với vụ nuôi năm đầu thực hiện dự án (2012 - 2013), lợi nhuận gần 40 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, người dân trong vùng dự án còn được hướng dẫn kỹ thuật nuôi ghép sò huyết trong ao nuôi tôm và trồng thanh long trên bờ bao, nhằm tăng thu nhập trên cùng một diện tích canh tác.
Về vấn đề trên, ông Lê Phước Thiện, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh cho biết: “Sử dụng các loại chế phẩm sinh học trong nuôi tôm không chỉ giúp người dân giảm nhẹ chi phí mà còn tạo ra nguồn tôm sạch. Đây là một hướng đi bền vững cho người nuôi tôm. Sắp tới, Trung tâm sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ở hai xã An Trạch (huyện Đông Hải) và Tân Phong (huyện Giá Rai)”.
Có thể bạn quan tâm
Trong những năm gần đây, nhờ tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang đã có những bước tiến đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội, nhiều nông dân đã chú trọng đa dạng hoá các loài vật nuôi để từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình.
Các ngân hàng cam kết xử lý, trả lời trong 4 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ. UBND tỉnh cũng đã công bố phân bổ cho 92/150 dự án đăng ký cùng với cam kết hỗ trợ lãi suất… Nhưng chưa có dự án nào được phê duyệt gửi đến ngân hàng nên không thể nào giải ngân được.
Năm 2012, các thôn Tân Bình 1, Tân Bình 2, Thanh Xuân 1 và Thanh Xuân 2 (xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) được chọn làm vùng quy hoạch để triển khai Dự án sản xuất chè VietGAP của tỉnh. Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, đến nay, những khó khăn của dự án đã bắt đầu nảy sinh.
Theo kế hoạch, lịch gieo sạ lúa đại trà vụ đông xuân 2014 – 2015 bắt đầu từ ngày 25.12.2014 đến ngày 10.1.2015. Đối với chân ruộng trũng, chưa rút nước kịp thời thì gieo mạ để cấy và phải chấm dứt gieo cấy trước ngày 15.1.2015. Cơ cấu giống lúa tập trung ở các loại trung, ngắn ngày.
Ngày nay, xu hướng sản xuất theo hướng an toàn đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong vấn đề an toàn thực phẩm. Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) là những nguyên tắc được thiết lập nhằm bảo đảm một môi trường sản xuất an toàn, sạch sẽ, không để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và các khả năng nhiễm bẩn thực phẩm, an toàn cho người tiêu thụ.