Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Nuôi Cá Trắm Ở Thái Nguyên
Thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp người dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Định Hoá (Thái Nguyên) đã xây dựng thành công mô hình nuôi cá trắm cỏ bán thâm canh, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.
Ông Đàm Tiến Niên, Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện cho biết: Từng Định Hóa được đánh giá là địa phương phát triển mạnh ngành chăn nuôi thuỷ sản trong tỉnh với diện tích nuôi thả cá hàng năm khoảng 720 ha (không tính diện tích các hồ chứa). Tuy nhiên trong những năm qua, do hình thức thả cá của người dân chủ yếu là quảng canh nên năng suất và chất lượng cá thấp.
Trước thực trạng đó, Phòng đã xây dựng phương án “Hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi cá trắm cỏ bán thâm canh”, Phòng phối hợp với UBND các xã tiến hành khảo sát 16 hộ có điều kiện thuận lợi về diện tích ao nuôi; khả năng đối ứng vốn thực hiện phương án; điều tiết nguồn nước ao nuôi; nguyện vọng; khả năng tiếp nhận và áp dụng khoa học kỹ thuật… Từ đó, chúng tôi đã lựa chọn được 2 hộ tại xã Bảo Cường và xã Phúc Chu có đủ điều kiện thực hiện mô hình với diện tích ao nuôi thử nghiệm là 5.400 m2; tổng kinh phí thực hiện mô hình là trên 200 triệu đồng (trong đó nhà nước hỗ trợ trên 77 triệu đồng, còn lại là tiền đối ứng của các hộ tham gia).
Tham gia mô hình, các hộ dân được Nhà nước hỗ trợ 90% kinh phí mua cá giống, 25% kinh phí mua thức ăn tinh hỗ hợp, 50% kinh phí mua thuốc phòng bệnh, trị bệnh cho cá. Cá trắm có khả năng thích ứng cao, dễ nuôi, cá lớn nhanh, sức sinh sản lớn, thịt ngon; thức ăn nuôi cá đơn giản, dễ kiếm, vì vậy ngoài thức ăn tinh, các hộ chăn thả cá có thể chăn thêm thức ăn xanh là các loại rau, cỏ cho cá. Bên cạnh đó, trong suốt quá trình thực hiện mô hình, các hộ tham gia được cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp các hộ chăn nuôi nắm được quy trình, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ các loại bệnh cho cá…
Nuôi cá theo hướng bán thâm canh tỷ lệ giống sống đạt trên 90%. Qua từng giai đoạn sinh trưởng của cá, hai hộ tham gia nuôi cá trắm cỏ thí điểm đều thực hiện việc cân đếm trọng lượng cá để đánh giá quá trình phát triển. So sánh với phương pháp nuôi thủ công cũ theo quảng canh thì nuôi cá trắm cỏ bán thâm canh đem lại sản lượng lớn hơn gấp 2 lần. Là một trong hai hộ thực hiện thí điểm mô hình với 3.600 m2 ( khoảng 10 sào) diện tích mặt ao nuôi, anh Ma Văn Chiến, xóm Bãi Lềnh, xã Bảo Cường nhận nuôi 1.800 con cá trắm cỏ giống về nuôi kết hợp với các giống cá khác như cá trôi, cá mè, rô phi, cá chép; mật độ thả cá là 1 con/m2 để khai thác cá gối vụ.
Anh Chiến chia sẻ: Trước đây, trong diện tích ao của gia đình, chúng tôi chỉ nuôi khoảng 200 - 300 con cá trắm cỏ, cho cá ăn chủ yếu thức ăn xanh là rau, cỏ và chăm sóc bằng phương thức truyền thống, không hề áp dụng biện pháp kỹ thuật nào nên năng suất và chất lượng thấp, kinh phí bỏ ra khoảng 20 triệu thì chỉ thu khoảng 50 triệu đồng/năm. Nay nuôi cá trắm cỏ theo phương thức bán thâm canh, mật độ cá trong ao lớn hơn trước, công chăm sóc vẫn vậy nhưng thu nhập tăng gấp đôi. Hiện tại, sau 10 tháng nuôi, gia đình anh Chiến đang khai thác cá để bán thương phẩm, sản lượng ước đạt trên 3 tấn cá/năm (tính tổng tất cả các loại cá trong ao), với giá bán từ 55 - 70 nghìn đồng/kg (tùy từng loại cá), gia đình anh ước thu nhập khoảng trên 220 triệu đồng/năm, lãi khoảng 90 triệu đồng/năm.
Với kinh phí thực hiện mô hình trên 120 triệu (trong đó nhà nước hỗ trợ trên 30 triệu đồng, còn lại là gia đình đối ứng), so với cách nuôi truyền thống, thu nhập của gia đình anh Chiến tăng từ 3 - 4 triệu đồng/sào. Về đầu ra cho sản phẩm, anh Chiến cho biết: Hiện tại, thị trường thủy sản tại địa phương rất khan hiếm, cá có khi phải nhập từ thành phố Thái Nguyên hay một số địa phương lân cận về bán, vì vậy, chúng tôi không lo về đầu ra của cá thương phẩm. Vì vậy, nếu sau này không được hỗ trợ thì gia đình tôi vẫn sẽ thực hiện nuôi cá theo hình thức bán thâm canh này.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình, ông Đàm Tiến Niên cho biết: mô hình bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần đa dạng hoá các hình thức nuôi cá trên địa bàn. So với cách nuôi truyền thống, bà con hoàn toàn có thể làm giàu từ việc nuôi cá trắm cỏ bán thâm canh. Chúng tôi đã có kế hoạch nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện.
Có thể bạn quan tâm
Tháng 6-2011, Tổ sản xuất chôm chôm ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách (Bến Tre) được công nhận đạt bộ tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP), với diện tích hơn 22ha, có 36 hộ tham gia. Đây là tổ sản xuất chôm chôm theo tiêu chuẩn GlobalGAP đầu tiên của huyện được công nhận. Thế nhưng mô hình rất khó nhân rộng, bởi chi phí quá cao và còn nhiều chuyện phải bàn.
Theo quyết định được Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố vào cuối tuần trước, vải và nhãn tươi của Việt Nam sẽ được phép xuất khẩu vào Mỹ nếu đáp ứng được 1 số tiêu chuẩn về vệ sinh-an toàn thực phẩm.
Bệnh chổi rồng - hay còn gọi là chùn đọt, đầu lân - gây hại chủ yếu trên cây nhãn, bắt đầu xuất hiện ở Sóc Trăng từ năm 2007, nhưng đến năm 2011 bùng phát thành dịch gây thiệt hại nghiêm trọng đến năng suất, nhiều nhất ở các huyện Kế Sách, Long Phú…
Kể từ khi bệnh vàng lá gân xanh xuất hiện đến nay, những vườn cam sành bạt ngàn nằm ven các con lộ nông thôn chạy qua địa bàn các xã, thị trấn của huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy ngày nào đã nhanh chóng thay màu lá mới, khi màu xanh tươi tốt dần biến mất và để lại một màu vàng nhạt nhẽo ngoài mong đợi.
Từ sáng sớm tới chiều muộn, chợ Hà Vỹ không lúc nào ngớt người ra vào. Người mua kẻ bán mặc cả, gia cầm kêu inh ỏi. Vợ anh Thường, chủ ki ốt B3 cho biết, đều như vắt chanh, ngày hai lượt chiếc loa truyền thanh chợ Hà Vỹ oang oang bản tin cảnh báo dịch cúm H5N6.