Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiện Tượng Chặt Cao Su Cần Thông Tin Rõ Để Nông Dân Bình Tĩnh

Hiện Tượng Chặt Cao Su Cần Thông Tin Rõ Để Nông Dân Bình Tĩnh
Ngày đăng: 15/07/2014

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định: Trong tổng số gần 1 triệu ha cao su, diện tích bị chặt rất nhỏ (khoảng 3.856 ha) và chủ yếu rơi vào vườn cây già cỗi, kém hiệu quả.

Bộ trưởng cho rằng, cần thông tin cho người dân hiểu rõ bản chất vấn đề để giữ bình tĩnh, không chặt cao su quá mức.

KHÔNG QUÁ NGUY

Ông Phạm Đồng Quảng - Phụ trách Cục Trồng trọt cho biết, trong 6 tháng đầu năm, diện tích cao su chặt thanh lý và chuyển đổi trên cả nước là 3.856 ha, trong đó có 3.123 cao su già cỗi hoặc bị bão không phục hồi được phải chặt để tái canh.

Cụ thể, có 1.793 ha cao su già đã đến giai đoạn thanh lý, tranh thủ giá cao su xuống thấp, nông dân tiến hành chặt sớm để giải phóng đất, tái canh cao su bằng giống mới năng suất cao nhằm đón đầu khi giá lên. Ngoài ra, có khoảng 733 ha mới trồng hoặc bắt đầu kinh doanh chuyển đổi tự phát sang cây trồng khác.

Cụ thể, 388 ha giai đoạn kiến thiết cơ bản (3 - 4 năm tuổi), trước đây khi giá lên cao, người dân trồng trên chân đất thấp, trũng không phù hợp, chăm bón kém, hoặc trồng trên đất dốc, xấu, vườn cây sinh trưởng kém, không đồng đều, nông dân tiến hành phá bỏ trồng cây khác như trồng sắn ở Tây Ninh, chanh dây ở Đắk Nông…

Những số liệu nêu trên đã cho thấy, thực tế diện tích cao su chặt bỏ chuyển đổi sang cây trồng khác không quá “nguy” như thông tin nêu thời gian qua. Kể cả một số diện tích bị chuyển đổi hầu hết cũng nằm trên diện đất xấu, năng suất thấp, giống không đạt nên hiệu quả không cao khi thị trường biến động.

Ông Trần Ngọc Thuận - Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN (VRG) cũng khẳng định, mỗi năm VRG tiến hành chặt 10.000 - 12.000 ha vườn già cỗi để thanh lý trồng mới, nếu cứ nhìn hình ảnh này rồi nói chặt phá cao su thì không đúng. Riêng một số diện tích do nông dân chặt bỏ để tái canh hoặc chuyển đổi cây trồng chủ yếu rơi vào vườn cây cho hiệu quả kinh tế không cao, do cạo quá sức, đất không phù hợp hay giống kém chất lượng.

“Việc chuyển đổi như thế là rất bình thường. Mọi người cần bình tĩnh và có cái nhìn khách quan hơn về việc này”, ông Thuận nói. Tổng Giám đốc VRG cũng khẳng định: “Năm 2014, dù khó khăn nhưng VRG phấn đấu mỗi tấn cao su sẽ lãi từ 3 đến 5 triệu đồng”.

TẠM DỪNG KHÔNG TRỒNG MỚI

Theo số liệu của Cục Trồng trọt, trong 10 năm qua, diện tích cao su nước ta tăng gần gấp 2 lần (từ 454.100 ha năm 2004, tăng lên 955.600 ha năm 2013). So với định hướng quy hoạch cả nước được Thủ tướng phê duyệt (tại Quyết định 750/QĐ-TTg ngày 3/6/2009), diện tích đã vượt khoảng 115.600 ha.

Nguyên nhân khiến diện tích tăng nhanh là do từ năm 2009 - 2013 giá XK cao su của VN liên tục tăng cao, kích thích mọi thành phần tham gia trồng cao su.

Hiện cả nước có 29 tỉnh, thành phố trồng cao su, trong đó có 11 tỉnh có diện tích cao su vượt so với định hướng quy hoạch khoảng 162.400 ha (Bình Phước vượt 82.000 ha, Tây Ninh vượt 33.200 ha, Bình Thuận vượt 10.800 ha, Bình Dương vượt 7.300 ha, Bà Rịa - Vũng Tàu vượt 6.900 ha, Đồng Nai vượt 6.500 ha, Quảng Nam vượt 6.100 ha, Kon Tum vượt 2.900 ha, Hà Tĩnh vượt 2.800 ha, Thanh Hóa vượt 2.700 ha, TP. HCM vượt 1.200 ha).

Đặc biệt, có 9 tỉnh chưa nằm trong quy hoạch (theo Quyết định 750/QĐ-TTg) gồm Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Long An nhưng vẫn có 13.550 ha cao su (riêng Lâm Đồng là 8.200 ha).

Điều đáng nói, theo ông Trần Ngọc Thuận, diện tích vượt quy hoạch này chủ yếu do bà con nông dân tự chuyển đổi sang trồng cao su khi mấy năm qua thấy có lợi ích và hiệu quả cao. “Vượt ở đây là vượt tự phát diện tích tiểu điền, còn quy hoạch của VRG đến nay vẫn đảm bảo chưa vượt”, ông Thuận nói.

Trước tình hình này, Cục Trồng trọt đề nghị cần điều chỉnh quy mô SX bằng cách: Tạm dừng không trồng mới cao su, tập trung tái canh vườn cây hết tuổi khai thác và thâm canh các vườn cây hiện có để nâng cao năng suất, chất lượng.

Đối với vùng Duyên hải Trung Bộ, Bắc Trung Bộ những diện tích trồng ngoài quy hoạch có nguy cơ cao do gió bão dứt khoát không trồng tiếp cao su, sau khi đã hết chu kỳ kinh doanh; diện tích bị ảnh hưởng nặng do bão số 10, 11 cần thanh lý trồng lại hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác.

Đối với vùng miền núi phía Bắc tạm dừng không tiếp tục mở rộng diện tích ở vùng đã quy hoạch (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu); không chủ trương trồng tiếp cao su ở các tỉnh vùng Đông Bắc.

NHU CẦU CAO SU THẾ GIỚI THẾ NÀO?

Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, cao su là một ngành quan trọng, với diện tích gần 1 triệu ha, trong đó khoảng một nửa là tiểu điền nên sự phát triển của ngành ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, thu nhập của rất nhiều bà con nông dân.

Trong thời gian qua, ngành cao su phát triển mạnh mẽ, nhưng những tháng gần đây thị trường có những diễn biến mới, phức tạp và có những tác động ảnh hưởng đến nông dân. Điều này đặt ra những yêu cầu cấp thiết phải đánh giá lại diễn biến thị trường, nhìn nhận lại quá trình phát triển để có định hướng rõ hơn phù hợp với tình hình mới.

“Chúng ta XK cả triệu tấn cao su thô, trong khi phải nhập sản phẩm cao su chế biến là chưa hợp lý. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cần có gói chính sách mạnh mẽ hơn cho chế biến sâu và giao cho Bộ NN-PTNT bàn với các địa phương, DN về vấn đề này. Tôi cho rằng ngành cao su có khó khăn, nhưng không phải quá khó không thể vượt qua”, Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Theo Bộ trưởng, khó khăn về thị trường có 2 nguyên nhân: Thứ nhất là do quan hệ cung cầu trên thế giới. Cụ thể, năm 2013 - 2014 (và có thể năm 2015 và 2016) dự báo cung sẽ tăng nhanh hơn cầu nên gây sức ép giảm giá trên thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, bức tranh này không quá ảm đạm bởi chênh lệch cung - cầu không quá cao, lượng cung chỉ cao hơn cầu khoảng 300.000 - 500.000 tấn (sản lượng toàn cầu trên 12,1 triệu tấn). Các tổ chức dự báo quốc tế cũng nhận định giữa cung và cầu cao su sẽ có xu hướng giảm đi từ nay đến năm 2016.

Ngoài ra, mấy tháng nay do tác động của Elnino (khô hạn đột biến ở Châu Á, nhất là các nước có diện tích cao su lớn như Thái Lan, Inđônêxia, Ấn Độ) khiến sản lượng giảm. Việc giá cao su xuống thấp cũng khiến sản lượng cao su trên toàn cầu giảm theo (đặc biệt tại Thái Lan), trong khi đó nền kinh tế thế giới đang phục hồi chắc chắn nhu cầu sử dụng cao su sẽ tăng nhanh hơn trong thời gian tới.

Bộ trưởng cũng cho rằng, những khó khăn của cao su VN còn liên quan đến tình hình biển Đông (Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan vào vùng biển của VN). Điều này ảnh hưởng đến buôn bán cao su qua biên giới, có tác động về mặt tâm lý giữa cả 2 phía mua và bán, từ đó tác động vào thị trường trong nước.

Bộ trưởng khẳng định, quan hệ với Trung Quốc, quan điểm của ta là kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, nhưng vẫn cố gắng duy trì quan hệ kinh tế, buôn bán bình thường với họ, trong đó có cao su. “Sự cố vừa qua cho thấy, nếu cao su phụ thuộc quá lớn vào một thị trường thì sẽ không ổn, vì thế cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng thị trường trong thời gian tới”, Bộ trưởng nói.

TRIỂN KHAI NHIỀU CHÍNH SÁCH

Về hiện tượng một số nông dân chặt cao su, Bộ trưởng cho rằng, với diện tích gần 1 triệu ha thì 6 tháng đầu năm nay có 3.856 ha bị thanh lý thì không quá lớn và cũng là diễn biến bình thường (cây già cỗi hoặc sinh trưởng yếu do cạo quá mức, đất xấu, giống kém…). Vì thế, cần phải thông tin rõ nguyên nhân để người dân hiểu rõ bản chất vấn đề, không nên chặt cao su quá mức, phải bình tĩnh để có phản ứng đúng trong tình hình hiện nay.

Sau hội nghị, Bộ trưởng yêu cầu tất cả các đơn vị liên quan kiên trì thực hiện mục tiêu phát triển cao su bền vững, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng. Không chạy theo diện tích, dồn lực nâng cao hiệu quả với phương châm năng suất cao hơn, chi phí thấp hơn. Tập trung theo dõi sát sao diễn biến thị trường, cập nhật liên tục để thông báo cho nhân dân biết.

Bộ trưởng khẳng định hình thành gấp 2 chương trình: Khuyến nông cho cao su tiểu điền và tăng cường quản lý giống. Các Sở NN-PTNT địa phương cũng phải ưu tiên đào tạo nông dân trồng cao su và kỹ thuật cạo mủ trong thời gian tới. Cục Trồng trọt được yêu cầu sớm có văn bản hướng dẫn cho nông dân cách chăm sóc và cạo mủ cao su sao cho hiệu quả nhất trong tình hình hiện nay.

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng sẽ kiến nghị lên Chính phủ các vấn đề về thuế VAT, thuế thu nhập DN, gói tín dụng cho ngành cao su (đặc biệt là tiểu điền), chính sách cho thuê đất, bảo hiểm, tạm trữ, áp dụng cơ chế dịch vụ môi trường ngành cao su trong thời gian tới.


Có thể bạn quan tâm

Vươn lên từ nuôi tằm trứng Vươn lên từ nuôi tằm trứng

Hiện nay, người nông dân không chỉ nuôi tằm bán kén, mà còn nuôi tằm trứng cung cấp giống. Bà Đỗ Thị Hoa, thôn Đức Thành, xã Hoài Đức, Lâm Hà (Lâm Đồng) là người có uy tín, chuyên nuôi tằm trứng cung cấp tằm con cho hàng trăm nông hộ trong vùng dâu Hoài Đức.

10/09/2015
Mô hình chăn nuôi bò Hoàng Anh Gia Lai phấn khởi bước vào giai đoạn II Mô hình chăn nuôi bò Hoàng Anh Gia Lai phấn khởi bước vào giai đoạn II

Ông Nguyễn Ngọc Mai-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi Hoàng Anh Gia Lai (thuộc Tập đoàn HAGL) đưa chúng tôi đến thăm trại chăn nuôi bò Đak Yă vào một ngày khá mát trời. Ngoài những cánh đồng cỏ xanh mướt, với quy mô hàng chục ngàn con, trại bò thịt và trại bò sữa được chăn nuôi ở 2 khu riêng biệt, có chế độ chăm sóc khác nhau.

10/09/2015
Phát triển mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học Phát triển mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học

Xuất phát từ hiệu quả kinh tế, đặc biệt trong vấn đề giảm thiểu tác hại đến môi trường, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư phối hợp với HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp thị trấn Phú Hòa (Phú yên) đã triển khai mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học. Từ thành công của mô hình này, hiện nay nhiều hộ nuôi heo ở các địa phương đã nhân rộng hình thức nuôi heo bằng đệm lót sinh học.

10/09/2015
Cải tạo đàn dê, hộ nuôi tin tưởng Cải tạo đàn dê, hộ nuôi tin tưởng

Đây là mô hình do anh Võ Nhật Nam, sinh năm 1986, ấp Hòa Phú xã Định Thành (Thoại Sơn - An Giang) đang thực hiện. Với chuyên môn Trung cấp chăn nuôi thú y, nhận thấy dê là loài động vật dễ nuôi, khả năng kháng bệnh tốt, được nhiều hộ dân đầu tư để cải thiện kinh tế gia đình… anh Nam quyết định chọn và lai tạo giống dê hiện có của mình để đáp ứng nhu cầu của các hộ dân có ý tưởng đầu tư chăn nuôi. Mô hình đã đem lại tín hiệu khả quan cho cả anh lẫn hộ nuôi trong và ngoài địa phương.

10/09/2015
Nuôi vịt trời cho thu nhập cao Nuôi vịt trời cho thu nhập cao

Mô hình chăn nuôi vịt trời của gia đình anh Hồ Xuân Lý ở xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã đem lại hiệu quả kinh tế cao và còn tạo việc làm cho nhiều hộ dân trong vùng

10/09/2015