Heo Hơi Tăng Giá, Người Nuôi Heo Vẫn Lo

Hơn nửa tháng nay, người chăn nuôi heo ở các địa phương trong tỉnh Đồng Tháp phấn khởi vì giá heo hơi đã tăng thêm 100 - 200 ngàn đồng/tạ so với trước.
Cụ thể, heo hơi loại tốt được thương lái thu mua với giá 39,5 - 40 ngàn đồng/kg (tương đương 3,95 - 4 triệu đồng/tạ), heo hơi chất lượng kém cũng được mua với giá 37.000 - 38.000 ngàn đồng/kg. Giá bán này đã gần kề với giá thành sản phẩm (giá thành hiện đang ở mức gần 4 triệu đồng/tạ). Tuy nhiên, nhiều hộ chăn nuôi cho biết, nếu bà con nuôi khéo, hạn chế dịch bệnh, cho ăn hiệu quả... vẫn có thể thu lời, dù chưa nhiều.
Anh Nguyễn Minh Nhựt, hộ nuôi heo ở xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười cho biết, anh vừa bán xong bầy heo 20 con (ngày 16/8) với giá 3,9 triệu đồng/tạ, nếu so với nửa tháng trước thì giá heo đã tăng khoảng 200 ngàn đồng/tạ. Theo anh Nhựt: “Giá này tuy không cao bằng thời điểm đầu năm 2012, nhưng do đợt heo vừa bán được nuôi từ thời điểm heo giống có giá thấp chỉ 34.000 - 36.000 đồng/kg, nên sau 3 tháng nuôi giá thành sản xuất 1kg heo hơi đợt này khoảng 33.000 - 35.000 đồng/kg”. Với giá bán hiện tại, gia đình có thể lãi từ 5.000 - 7.000 đồng/kg heo hơi (khoảng 500 - 700 ngàn đồng/tạ).
Ông Lê Văn Mách - thương lái thu mua heo ở thị trấn Mỹ An (huyện Tháp Mười) cho biết, giá heo tăng trong hơn nửa tháng nay là do đàn heo trong dân giảm do thua lỗ trong mấy tháng trước, trong khi nhu cầu thị trường vẫn ổn định. Thêm vào đó, do nhu cầu thịt heo của Trung Quốc tăng nên nhiều thương lái từ các tỉnh phía Bắc vào tận miền Tây thu mua heo để bán qua Trung Quốc. “Có thể đây là thời điểm Trung Quốc chuẩn bị nguồn thịt heo để sản xuất bánh trung thu nên nhu cầu tăng cao” - ông Mách cho biết.
Với giá heo hiện nay, người chăn nuôi đã giảm bớt khó khăn và có thể thu lãi nếu chăn nuôi hiệu quả. Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề này, nhiều nông dân nuôi heo vẫn chưa an tâm để tái đàn trở lại. Anh Lê Tấn Hưởng, hộ chăn nuôi heo ở xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành cho biết, những năm trước, đàn heo của gia đình anh lúc nào cũng trên 100 con, nhưng hiện nay chỉ nuôi cầm chừng khoảng 40 - 60 con, không riêng anh mà gần như những hộ xung quanh cũng đã giảm số lượng đàn nuôi, thậm chí có hộ ngừng nuôi heo vì sợ sẽ tiếp tục chịu lỗ.
Theo anh Hưởng, hiện tại tuy giá heo có tăng lên được 100 - 200 ngàn đồng/tạ, người nuôi heo đã bớt khó khăn. Tuy nhiên, khi giá heo nhích lên thì các chi phí đầu vào khác như thức ăn, thuốc thú y cũng liên tục tăng, nên nếu tính chuyện nuôi heo để làm giàu như trước thì không “ăn”. Cũng theo anh Hưởng, giá heo lên xuống bấp bênh nên nông dân chúng tôi không thể nuôi theo cho kịp giá. Thêm vào đó, nghe nói đợt tăng giá heo lần này chủ yếu là do thương lái Trung Quốc bất ngờ thu mua nên giá mới có nhích lên chút ít, chẳng biết sau đợt này giá heo có còn ổn nữa không hay lại sụt giảm như những tháng trước đây nên tôi chưa mạnh dạn tái đàn...
Có thể bạn quan tâm

Có thâm niên nuôi thủy sản hơn 10 năm nay và tích lũy được nhiều kỹ thuật để tạo ra ếch giống và các loại cá giống, ông Võ Đình Chiến, ở xã Long Bình, huyện Long Mỹ nhiều năm liền được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, là một trong những mô hình nuôi thủy sản có quy mô và đạt hiệu quả cao ở Long Mỹ.

Thức ăn của cá lăng chấm là những loại cá tạp đánh bắt trên sông. Do đó, rất phù hợp với lối chăn nuôi ở các làng vạn chài dọc theo bờ sông Lô, sông Gâm và hộ nuôi cá lồng.

Cũng theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, tính đến tháng 8/2014 số lượng gia cầm giống được nhập vào Việt Nam là gần 1 triệu con, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 3,29 triệu USD. Giá nhập khẩu trung bình khoảng 3,93 USD/con, tăng 0,91 USD/con so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn nhập chủ yếu từ New Zealand và Mỹ.

Dẫn chúng tôi ra thăm mô hình ở tại đồi núi Mang He, xã Sơn Bua, ông Trần Quí - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây cho biết: Đến thời điểm này, con giống đã được thả gần 1 tháng. Tuy còn quá sớm và phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan khác để nói đến việc thành, bại, nhưng qua kết quả khảo sát, đánh giá sơ bộ ban đầu và thực tế nuôi, tôi tin rằng sẽ mô hình này sẽ thành công.

Cách đây hai năm, cũng như các khu vực nuôi tôm khác trong tỉnh, nghề nuôi tôm công nghiệp tại xã Hoà Thắng (tỉnh Bình Thuận) gặp rất nhiều khó khăn, nhiều chủ cở sở nuôi đã bỏ đìa không còn thiết tha với nghề, thế nhưng trong năm 2013 nuôi tôm công nghiệp có dấu hiệu phục hồi trở lại khi quy trình sản xuất cũ được thay đổi bằng quy trình nuôi mới an toàn, đạt chất lượng, hiệu quả cao.