Hàu Nuôi Sông Hướng Đi Mới Ở Quảng Yên (Quảng Ninh)
Với hơn 30km bờ biển, trên 12.000ha diện tích đất bãi bồi cửa sông, ven biển, TX Quảng Yên (Quảng Ninh) có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế thuỷ sản. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Công ty CP Thuỷ sản Tân An đã mạnh dạn ứng dụng mô hình nuôi hàu cửa sông, mở ra một hướng đi mới.
Đồng chí Đỗ Hồng Hưng, Phó trưởng Phòng Kinh tế TX Quảng Yên cho biết: Hàu cửa sông là loại nhuyễn thể sinh sống khá phổ biến ở nhiều cửa sông trên địa bàn, nhất là cửa Sông Chanh. Tuy nhiên, một thời gian dài, do công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản của địa phương còn hạn chế dẫn đến việc khai thác hàu cửa sông tự nhiên một cách ồ ạt làm cho loài này bị cạn kiệt.
Những tưởng, hàu cửa sông đã đi vào dĩ vãng trong số những hải sản vốn sinh trưởng đa dạng ở địa bàn thì rất may, cách đây chừng hơn 1 năm, lãnh đạo Công ty CP Thuỷ sản Tân An trong một vài lần đi nghiên cứu ở một số địa phương trong nước và một số nước lân cận có điều kiện tự nhiên tương tự đã mạnh dạn về địa phương khôi phục lại nghề nuôi hàu cửa sông.
Qua thời gian nuôi thử nghiệm, đến nay, loài này đã chứng minh được sự sinh trưởng tốt ở môi trường cửa sông, ven biển của Quảng Yên. Cái lợi của nuôi hàu cửa sông mang lại cả về kinh tế và môi trường.
Bởi nuôi hàu cửa sông không tốn kém như nuôi cá lồng bè. Nuôi cá lồng bè cần rất nhiều lượng cá tạp, vừa tốn chi phí, vừa ảnh hưởng đến môi trường nước và cũng là nguyên nhân làm cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản. Trong khi đó, hàu cửa sông lại là loài góp phần cải tạo môi trường.
Từ những ưu điểm đó, UBND thị xã đang chỉ đạo chuẩn bị tổ chức đánh giá một cách khoa học mô hình này để nhân rộng trên địa bàn... Đồng chí Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã cho biết: Lãnh đạo thị xã đã chỉ đạo đưa hàu nuôi sông vào chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” của địa phương để đăng ký với tỉnh...
Anh Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty CP Thuỷ sản Tân An cho biết: Sinh ra và lớn lên từ vùng cửa sông Chanh, nên ngay từ hồi nhỏ anh đã được theo bố mẹ ra khu vực này đánh bắt hải sản, trong đó có hàu cửa sông. Dần dà, do ý thức bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản của một số người hạn chế, dẫn đến loài này cạn kiệt.
Cách đây vài năm, đến thăm một cơ sở nuôi hàu cửa sông ở Đài Loan, anh Dũng thấy điều kiện môi trường ở đây cũng tương tự với quê nhà và ký ức về một thời đi bắt hàu thủa ấu thơ vẫn còn, thế là ý tưởng về khôi phục lại loài hàu cửa sông cứ thôi thúc anh.
Đầu năm 2013, anh Dũng vận động vợ và em trai xin 72ha mặt nước để đầu tư thử nghiệm mô hình này. Chỉ sau một thời gian ngắn thử nghiệm, đến tháng 5 vừa qua, mô hình do vợ và em trai anh Dũng triển khai đã cho khai thác thử nghiệm mẻ đầu tiên được 100 tấn, thu về 1,6 tỷ đồng.
Với giá đầu tư 15.000 đồng một giá thẻ gồm từ 25-30 con giống, đến khi thu hoạch thì khoảng 12 đến 14 con/kg, giá bán ra thị trường là 16.000 đồng/kg thì mô hình của vợ và em anh Dũng đã cho thu lãi 800 triệu đồng trong mẻ thu hoạch đầu tiên. Trong khi đó, hiện nay, lượng hàu thương phẩm trong mô hình vẫn còn tới hàng trăm tấn nữa.
Chị Vũ Thị Dung, vợ anh Dũng cho biết: “Thú thực, khi nghe chồng bàn về mô hình hàu nuôi sông, mình cũng e dè lắm. Bởi từ trước đến nay, chẳng nghe ai nói gì về việc nuôi hàu nước lợ cả mà chỉ nghe người ta nói đến nuôi hàu Thái Bình Dương. Thế nhưng khi thấy anh ấy quả quyết, mình cũng đành liều làm theo. Và đến khi thu hoạch thử nghiệm, thấy hàu thương phẩm sinh trưởng ổn định, mình phấn khởi lắm”.
Khi thấy mô hình thành công, anh Ngô Hùng Dũng bắt đầu xây dựng ý tưởng làm giàu từ lĩnh vực này như chuẩn bị làm báo cáo xây dựng thương hiệu “Hàu nuôi sông Quảng Yên”, đồng thời chủ động phối hợp với một số doanh nghiệp để chế biến sản phẩm hàu bán ra thị trường khi được nuôi đại trà trên địa bàn.
Trước khi chia tay chúng tôi, đồng chí Đỗ Hồng Hưng, Phó trưởng Phòng Kinh tế TX Quảng Yên khẳng định: Hàu nuôi sông thành công là một hướng làm giầu cho nhân dân trên địa bàn. Bởi thực tế hiện nay, theo đánh giá sơ bộ thì vùng mặt nước có thể nuôi được hàu cửa sông của Quảng Yên có thể lên tới 500ha.
Điểm nổi bật của nuôi hàu sông là đầu tư rất ít. Chỉ với 20 triệu đồng cũng có thể tổ chức nuôi được. Không những thế, mô hình này có thể nhân rộng ra các địa phương khác có cửa sông, ven biển trên địa bàn tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thương hiệu cho gạo xuất khẩu đang là câu chuyện nóng. Trong bối cảnh đó, sản xuất theo cánh đồng lớn được xem là “điểm tựa” quan trọng để triển khai hai vấn đề trên. Gần 5 năm nhìn lại, mô hình này không thiếu điểm sáng nhưng cũng đã phơi bày nhiều trở ngại thách thức. Cần một sự phối hợp nhịp nhàng để mô hình tiếp tục nâng cao lợi nhuận ổn định cho nông dân trồng lúa ĐBSCL.
Xã Xuân Hòa (Xuân Trường) có sông Sò chảy qua, đây là một nhánh sông nhỏ của sông Hồng chịu ảnh hưởng của thủy triều và nước mặn từ biển nên có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở cả nước mặn, nước lợ và nước ngọt.
Phát triển nông nghiệp cận đô thị là 1 trong 4 chương trình sản xuất nông nghiệp khuyến khích theo nội dung Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 28/4/2011 của Tỉnh ủy. Đến nay, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng chương trình sản xuất nông nghiệp khuyến khích này còn rất nhiều khó khăn phải khắc phục.
Hơn một tháng nay, tại nhiều vùng quê bãi ngang ven biển, ngư dân làm các nghề giã cào, lưới, đặt rập… khai thác được ghẹ và các loại giáp với số lượng đột biến.
Những ngày qua, trời tiếp tục nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, bà con nông dân huyện Núi Thành vào vụ sản xuất lúa hè thu với nhiều khó khăn...