Hậu Giang rộn ràng thị trường trái cây chính vụ

Qua ghi nhận tại các chợ, một lượng lớn trái cây đang ồ ạt đổ về từ khắp các nẻo đường, nhiều nhất là chôm chôm, măng cụt và vải. Ngay từ sáng sớm đã có hàng chục xe máy, xe ba gác thậm chí xe tải vận chuyển trái cây từ các nơi về chợ. Không khó bắt gặp hình ảnh xe máy chở các loại nông sản từ Quốc lộ Nam Sông Hậu về tiêu thụ tại các chợ ở thị xã Ngã Bảy và huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang). Đoạn đường từ thị xã Ngã Bảy về xã Đại Thành, Tân Thành có trên 20 sạp trái cây ven đường. Cũng dọc theo các tuyến đường, người dân tranh thủ bày bán các loại trái cây như chôm chôm, bòn bon, măng cụt, mãng cầu.
Một số loại như chôm chôm, sầu riêng hiện chỉ còn khoảng nửa giá so với đầu vụ. Nhiều mặt hàng giá có dấu hiệu chững lại từ nhiều tuần nay như măng cụt, chôm chôm. Hai mặt hàng vải và chôm chôm đang chiếm ưu thế trên thị trường. Chị Nguyễn Thị Kiều, tiểu thương chợ Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, cho biết: “Trung bình sạp nhập hàng từ 200 - 300 kg/ngày, lượng trái cây được bán ra mỗi ngày tăng gấp đôi so với năm ngoái. Giá bán các loại trái cây cũng giảm từ 20% so với tháng trước”.
Hiện tại, chôm chôm Thái được bán dao động ở mức 15.000 - 20.000 đồng/kg, chôm chôm thường giá 13.000 - 14.000 đồng/kg, măng cụt 30.000 - 32.000 đồng/kg, sầu riêng giá từ 20.000 - 35.000 đồng/kg (tùy loại), dưa hấu 6.000 - 7.000 đồng/kg. Tại các siêu thị, giá trái vải cũng giảm nhanh, từ 50.000 đồng/kg cách đây hơn một tháng giờ chỉ còn 26.000 đồng/kg. Nhưng nếu so với mọi năm vẫn còn cao hơn khoảng 30%. “Ngay thời điểm mùng 5/5 âm lịch năm trước, ngoài chợ treo nhan nhản các bảng như chôm chôm 10.000 đồng/3kg hay măng cụt 20.000 đồng/kg thì đến bây giờ vẫn chưa thấy xuống giá như vậy!”, chị Mai Thị Chân, một người dân chia sẻ.
Sản lượng trái cây năm nay giảm và thu hoạch trễ hơn do nắng nóng bất thường so cùng thời điểm các năm trước. Nhiều thương lái cho biết, không riêng gì mặt hàng trái cây tại địa phương giảm giá mà một số trái cây ở tỉnh ngoài chuyển đến cũng hạ nhiệt dần khi vào cao điểm chính vụ. Nguồn cung phong phú nên giá trái cây nội địa khá “chiều lòng” người mua. Trên các quầy, sạp bình dân, trái cây trong nước đang lấn át trái cây ngoại về lượng hàng và lượng khách mua.
Các chủ vựa trái cây thông tin, giá cả nông sản như hiện nay vẫn còn là tín hiệu vui đối với các nhà vườn vì mặt bằng giá chung của một số loại khá cao so với cùng kỳ những năm trước. Còn các tiểu thương nhận định trái cây có giảm giá nhưng số lượng hàng bán ra mỗi ngày khá lớn. Người dân có ý thức lựa chọn trái cây trong nước như một thái độ ưu tiên cho hàng Việt.
Riêng các mặt hàng chủ lực của tỉnh như cam sành vẫn giữ giá ổn định ở mức 20.000 - 30.000 đồng/kg (tùy loại). Nhiều vựa đang đẩy mạnh thu mua cam với số lượng lớn và tranh thủ thu gom cam chuyển về các chợ đầu mối phía Bắc nhằm tránh tình trạng dội chợ khi thời điểm cam chính vụ càng gần kề. “Mỗi ngày, vựa có thể thu mua từ 300 - 500kg cam, hơn một tháng nữa, vụ cam chính mới bắt đầu nên bây giờ cam đang có giá”, anh Tô Thanh Phong, vựa cam Chín Khoa, xã Đại Thành, cho biết.
Điều nhà vườn trăn trở nhất hiện nay là diện tích vườn cây ăn trái ngày một tăng, giống cây ăn trái chất lượng tốt, sản lượng không ngừng tăng lên nhưng đầu ra xuất khẩu của trái cây Việt chưa được cải thiện. Trong khi đó, cao điểm thu hoạch rộ còn kéo dài từ nay đến khoảng cuối tháng 8, theo ngành chức năng sản lượng trái cây trong dân còn rất lớn. Việc dội chợ có xảy ra hay không vẫn chưa thể nào xác định được. Cùng với đó là việc áp dụng hình thức sản xuất rải vụ chưa được phổ biến thì tình trạng rớt giá nhiều khả năng còn tiếp diễn. Người nông dân mòn mỏi trông chờ những động thái tích cực của ngành chức năng có biện pháp đồng bộ từ quy hoạch, canh tác đến chế biến sau thu hoạch và tìm đầu ra cho trái cây hội nhập với thế giới.
Có thể bạn quan tâm

Chúng tôi trở lại cơ sở đóng tàu Lộc Minh tại phường Hưng Long (Phan Thiết) vào những ngày đầu tháng 9/2014 tìm hiểu việc vay vốn đóng tàu của ngư dân theo Nghị định 67/2014 có gì trở ngại? Tiếng đục, đẽo lách cách, tiếng cưa máy xè xè đều đặn, tiếng cười nói râm ran…, khiến cho cơ sở đóng tàu Lộc Minh trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết.

Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có công văn số 2417/TCTS-NTTS về việc cảnh báo cơ sở nuôi tôm khi xuất bán tôm thương phẩm.

Vinafood 1 và Vinafood 2 chiếm hơn 50% thị phần xuất khẩu gạo, khó tránh được tình trạng độc quyền xuất khẩu, ảnh hưởng tới quyền lợi các doanh nghiệp cùng ngành và người trồng lúa.

“Nga là thị trường đầy tiềm năng trong việc xuất khẩu nông, thủy sản, Cần Thơ lại mạnh về lĩnh vực này. Chính vì thế, tỉnh sẽ đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Nga, nhằm mở rộng đầu ra cho hàng nông, thủy sản, cũng là giải pháp nâng cao đời sống cho bà con nông dân” - ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ nhấn mạnh tại cuộc họp đánh giá tình hình xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn thành phố với các sở ngành Cần Thơ ngày 18/9.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu (XK) cá tra sang Thái Lan trong 7 tháng đầu năm 2014 đạt giá trị 27,98 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là nước nhập khẩu nhiều nhất cá tra trong khối ASEAN.