Hậu Giang Hướng Đi Mới Cho Người Nuôi Heo
Hạn chế được ô nhiễm môi trường, dễ áp dụng cho cả trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng hiệu quả kinh tế... đó là những hiệu quả tích cực mà người chăn nuôi heo trong tỉnh Hậu Giang nhận thấy được sau khi áp dụng mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học.
Anh Quách Nghiệp Nám, ở ấp 2, xã Vị Tân là một trong những hộ được hỗ trợ chăn nuôi heo theo cách làm mới từ dự án “Hỗ trợ đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2013”.
Anh có hơn 10 năm chăn nuôi heo thịt và heo sinh sản theo cách truyền thống. Dù đã xây dựng hệ thống hầm biogas để xử lý chất thải, nhưng vẫn không tránh được mùi hôi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. “Tốn gần 20 triệu đồng làm túi ủ, nhưng tôi thấy không tiện lợi như nuôi heo trên đệm lót.
Bởi, nuôi heo theo cách mới, tôi không phải mất hàng giờ để tắm heo, dọn phân, chất đệm lót cuối cùng còn giúp tôi bổ sung phân hữu cơ cho vườn cây ăn trái nhà mình hiệu quả”.
Ở huyện Long Mỹ có không ít hộ mạnh dạn làm theo mô hình mới, áp dụng được trong cả khu dân cư. Anh Nguyễn Văn Việt, ở ấp 8, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ đã tìm hiểu và chọn mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học từ cải tạo chuồng nuôi heo sẵn có tại một buổi hội thảo ở huyện Long Mỹ. Anh chia sẻ: “Coi vậy chứ ủ đệm lót dễ làm lắm. Nguyên liệu làm chất độn là trấu và mùn cưa sẵn có ở địa phương.
Chuồng heo của tôi có diện tích hơn 8m2 cần 30 bao trấu và 15 bao mùn cưa, khoảng 5kg cám và 1kg men sinh học (chế phẩm Balasa N01). Với lượng nguyên liệu này tạo ra được lớp đệm lót dày 60cm, số còn lại để phòng khi hao hụt… Tổng chi phí làm chuồng mới và đệm lót chỉ tốn 1,6 triệu đồng. Nếu phải xây chuồng như cách nuôi truyền thống phải lên đến vài triệu đồng, vì tráng nền xi măng.
Để bảo đảm phân được phân hủy tốt và kéo dài tuổi thọ của đệm lót, tôi thả heo đúng với mật độ khuyến cáo, trung bình 1 con/1,5m2, tạo cho heo thói quen thải phân, nước tiểu đều khắp ô chuồng, không để chuồng bị dột mưa hay nước từ vòi uống chảy xuống làm ướt đệm lót...”. Với cách làm này, gần tháng nay, việc chăn nuôi của anh vẫn được tiếp tục duy trì thuận lợi dù ở sát vách trường học.
Anh Việt nói: “Trước kia, cứ 4 hay 5 bữa là tôi cứ đi xã hầu đơn kiện của trường học và bà con hàng xóm, vì nuôi heo gây mùi hôi thối. Từ khi tôi thả heo theo mô hình nuôi đệm lót mới thì êm ru. Trái lại, bà con xung quanh còn khen, nuôi heo khéo quá, đến xem, xin tôi chỉ cho để họ học theo”.
Ngoài những lợi ích trên, mô hình mới còn tăng hiệu quả kinh tế thấy rõ cho người chăn nuôi. Với 9 con heo, mỗi lần vệ sinh chuồng, tắm heo, anh Nám phải mất gần 60 phút. Ước tính tiêu tốn gần 1 Kw/h điện chạy mô tưa, bật đèn chiếu sáng. Vì nuôi heo không tắm nên mỗi tháng, hộ anh Nám tiết kiệm được chừng 30 Kw/h điện. Nhẩm tính, sau 4 tháng nuôi, anh tiết kiệm được gần 200.000 đồng tiền điện.
Ngoài ra, anh còn giảm được khoảng 50% công sức nhân công dọn dẹp chuồng, chỉ việc đổ thức ăn vào máng là xong. Hơn nữa, nền lót giúp heo năng động chạy nhảy, thịt cũng săn chắc hơn, mau đạt được trọng lượng. Chỉ sau 4 tháng 10 ngày (nuôi theo cách truyền thống là 6 tháng), đàn heo của anh Nám đã vô trăm, lại không bị bệnh.
Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang là đơn vị nuôi heo trên đệm lót thử nghiệm đầu tiên của tỉnh. Ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Trung tâm chia sẻ kinh nghiệm qua 3 đợt nuôi heo là: So với mô hình nuôi lợn trên nền chuồng xi măng, có tắm dội hàng ngày thì nuôi lợn trên đệm lót sinh học giảm được hơn 13% chi phí (bao gồm các khoản tiết kiệm được như thức ăn 5%, nước 85%, nhân công 50%, điện 100%...).
Không chỉ vậy, đệm lót sinh học là nguồn phân hữu cơ rất có giá trị, hấp dẫn đối với các hộ làm vườn. Theo ông Huỳnh Văn Thép, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Lợi, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, thì nguồn đệm lót thải ra đã được Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã đã tìm được mối tiêu thụ.
Mỗi kg đệm lót bán được 2.000 đồng. Như vậy, với diện tích chừng 10m2 chuồng nuôi, ông Thép thu về khoảng 2,5 tấn nệm lót trộn phân heo đã được phân hủy thành phân hữu cơ (đã trừ hao hụt). Sau vài vụ nuôi heo, ngoài việc thu lời từ heo, ông lãi gần triệu đồng so với chi phí mua đệm lót ban đầu.
Với những ưu điểm vượt trội hơn so với cách nuôi truyền thống, hiện nay, mô hình đã được ngành nông nghiệp tỉnh nhân rộng tại 11 xã nông thôn mới và có nhiều bà con địa phương khác đến học hỏi, làm theo. Mô hình này sẽ giúp hộ chăn nuôi có thêm lựa chọn để phát triển đàn gia súc theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế trong thời gian dài.
Có thể bạn quan tâm
Mấy ngày qua, một số trang web đưa thông tin ở Tiền Giang rộ tin đồn ăn cá rô đầu vuông bị ung thư! Sau các tin đồn ăn sầu riêng, ăn bưởi, ăn cá kèo bị ung thư, đến lượt cá rô đầu vuông bị bôi xấu
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu mật ong sang thị trường Mỹ - nơi tiêu thụ tới 85% lượng mật ong của VN - gặp khó do bị kiểm soát rất gắt gao chất trừ nấm carbendazim.
Mùa này, cả ở miền Nam và miền Bắc đều có thể tiến hành nuôi lươn. Chúng ta không lạ gì con lươn. Tuy nhiên, có nhiều người hiểu không hết hoặc hiểu sai về nó
Hơn 3.000 ha cà phê ở tỉnh Sơn La đã bị nhiễm bệnh lạ: biểu hiện là cây bị chùn ngọn, ra ít hoa, đậu quả thấp, giảm năng suất. Bệnh được phát hiện cách đây 4 năm nhưng vẫn chưa biết nguyên nhân phát sinh, chưa có thuốc phòng trừ; nông dân loay hoay tìm cách cứu vườn cà phê nhưng vẫn chưa có kết quả..
Vào ngày 27 tháng 4 năm 2011, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Đồng Tháp đã tổ chức cho gần 50 nông dân các huyện, thị, thành phố và cán bộ kỹ thuật trong Tỉnh tham quan và học hỏi mô hình nuôi cá chình có hiệu quả của ông Nguyễn Ngọc Chính, khóm 8, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau