Hậu Giang Chủ Động Phòng, Chống Sâu Bệnh Trên Mía
Thời tiết nắng, mưa xen kẽ như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh phát triển trên cây mía. Hiện toàn tỉnh Hậu Giang đã ghi nhận hơn 180ha mía bị nhiễm sâu bệnh, do đó để hạn chế diện tích lây lan và đảm bảo vụ mía đạt thắng lợi thì công tác phòng, chống sâu bệnh đang là vấn đề cần quan tâm hiện nay.
Một trong những bệnh đang phát triển mạnh trên cây mía lúc này là bệnh thối đỏ. Theo cán bộ khuyến nông các địa phương có diện tích trồng mía, thối đỏ là bệnh nguy hiểm cho cây mía, vì bệnh làm ảnh hưởng đáng kể đến năng suất và chữ lượng đường. Tác nhân gây hại là nấm Colletotrichum falcatum.
Bệnh gây hại trên thân cây mía, lá và bẹ lá. Triệu chứng nhận biết là nấm bệnh tạo thành những đốm nhỏ màu hồng, sau đó phát triển rộng ra và lên sống lá tạo thành những vệt dài hình bầu dục, màu đỏ bầm, trên bề mặt vết bệnh có những chấm nhỏ màu đen là những ổ bào tử, bệnh nặng cây có thể chết.
Đang lo lắng cho 2ha mía của gia đình đang bị nhiễm bệnh thối đỏ, ông Mai Văn Kiệt, ở ấp Thạnh Hòa 1, xã Tân Tiến, TP.Vị Thanh cho biết: “Do trời mưa trong nhiều ngày qua làm cho ẩm độ tăng nên bắt đầu xuất hiện nhiều loại sâu bệnh trên cây mía như: sâu đục thân, rệp sáp, rầy đầu vàng, nhất là bệnh thối đỏ.
Hiện mía của tôi và nhiều bà con khác ở khu vực này đều bị nhiễm bệnh thối đỏ khá nhiều, chính vì vậy, tôi đang lo lắng không biết phải điều trị như thế nào cho hết, sợ càng để lâu sẽ làm giảm năng suất và chất lượng mía sau này”.
Vụ mía năm nay, gia đình ông Kiệt canh tác 2 giống mía là K84-92 và ROC 16, theo quan sát của ông thì bệnh thối đỏ chủ yếu gây hại trên giống K84-92, còn giống ROC 16 tuy có nhiễm nhưng với tỷ lệ ít, còn hộ nào trồng giống Suphan Buri 7 thì lại càng ít hơn.
Với hơn 10 năm kinh nghiệm trồng mía, ông Kiệt cho rằng, để trồng mía đạt hiệu quả thì cần có biện pháp phòng trừ sâu bệnh ngay từ đầu, đặc biệt là lúc mía khoảng 6-7 tháng tuổi như hiện nay thì cần quan tâm đến sâu đục thân và rầy đầu vàng có thể gây hại mạnh.
Tuy nhiên, năm nay do thời tiết thất thường nên bệnh thối đỏ đang là dịch bệnh nguy hiểm cần được phòng trị trong lúc này.
Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 180ha mía bị nhiễm sâu bệnh, trong đó tập trung nhiều tại vùng mía nguyên liệu TP.Vị Thanh.
Nguyên nhân là do bà con nơi đây có tập quán trồng mía chỉ đánh lá 2 lần/vụ (thông thường 4-5 lần/vụ), từ việc vệ sinh cho cây mía chưa được quan tâm nhiều nên tình hình sâu bệnh tại vùng mía này luôn nhiều hơn các vùng mía khác như Phụng Hiệp, TX.Ngã Bảy…
Chị Thái Thị Kiều, ở ấp Thạnh Quới 1, xã Tân Tiến, TP.Vị Thanh chia sẻ: “Do khó kiếm nhân công nên gia đình tôi thường đánh lá mía 2 lần/vụ. Từ khi xuống giống đến giờ đã đánh lá được một lần, tính ít bữa nữa sẽ đánh lần 2 rồi để đến thu hoạch luôn”.
Với việc người dân chưa quan tâm nhiều đến lợi ích từ việc đánh lá mía nên hậu quả là phát sinh nhiều sâu bệnh, năng suất đạt thấp, chữ đường giảm do lẫn nhiều tạp chất,… Hiện mía của chị Kiều đã hơn 7 tháng tuổi và đang bị nhiều sâu bệnh tấn công như: thối đỏ, sâu đục thân và nhiều nhất là rầy đầu vàng.
Theo nhận định của bà con trồng mía, do xuống giống sớm hơn khoảng nửa tháng so với cùng kỳ và thời tiết tương đối thuận lợi cho cây mía phát triển nên hầu hết các diện tích mía đều tốt và có khả năng năng suất năm nay sẽ cao.
Tuy nhiên, với tình hình sâu bệnh đang có xu hướng tăng mạnh do bắt đầu vào mùa mưa như hiện nay, để đảm bảo vụ mía đạt thắng lợi, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo bà con cần có biện pháp chủ động phòng ngừa, tăng cường thời gian thăm ruộng mía, trong đó chú ý đến đối tượng sâu đục thân để kịp thời phát hiện và phòng trừ nhằm hạn chế sự lây lan.
Bên cạnh sử dụng thuốc hóa học thì biện pháp hữu hiệu nhất là bà con nên bóc lá mía thường xuyên để tạo ruộng mía thông thoáng và tiêu hủy các lá bị bệnh, từ đó sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
Còn về lâu về dài, để quản lý tốt bệnh thối đỏ cũng như các loại dịch hại khác cần chú ý biện pháp phòng ngừa ngay từ đầu vụ, trong đó quan tâm đến việc trồng những giống mía kháng bệnh, không lấy hom ở những ruộng đã bị bệnh để làm giống cho vụ sau…
Có thể bạn quan tâm
Sáng ngày 4/2/2015, Trạm khuyến nông huyện Châu Phú tổ chức hội thảo mô hình trồng bắp thu trái non kết hợp nuôi bò tại hộ anh Nguyễn Hoàng Mỹ, ấp Bình Hưng 2 xã Bình Mỹ (Châu Phú - An Giang). Buổi hội thảo có đại diện công ty cổ phần rau quả thực phẩm An Giang, các ngành chuyên môn của huyện và hơn 40 bà con nông dân trong huyện đến dự.
Đã hơn 10 năm nay, tại khu vườn của anh Phạm Văn Hà (40 tuổi) ở thôn Trà Kiệu Tây, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, hàng trăm con gà rừng màu lông rực rỡ chạy loanh quanh dưới tán rừng trồng kiếm ăn, tối đến lại vào chuồng. Nghề nuôi gà rừng được anh Hà bắt đầu từ 7 quả trứng nhặt trong rừng đem về gây giống.
Nếu như thời điểm tháng 8/2014, nhiều tàu cá trên địa bàn thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng cao, trong khi giá các mặt hàng khai thác lại xuống thấp, thì vào thời điểm này ngư dân rất phấn khởi bởi sản lượng khai thác tăng và giá xăng dầu giảm sâu.
Ngày 5/2, tại Đồng Tháp, Hiệp hội cá tra Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội thảo “Tái cấu trúc ngành cá tra gắn với tái cơ cấu nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”. Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đến từ các cơ quan trung ương và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Những ngày này, bà con các hộ làm mắm truyền thống ở Nam Ô, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đang tất bật hoàn tất những công đoạn cuối cùng như chắt lọc, đóng chai, dán nhãn... để kịp đưa sản phẩm ra thị trường phục vụ Tết. Không khí rộn ràng tràn ngập khắp làng nghề nước mắm đã nức tiếng từ thuở nào.