Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Gian Nan Phát Triển Cá Bống Bớp Nghĩa Hưng (Nam Định)

Gian Nan Phát Triển Cá Bống Bớp Nghĩa Hưng (Nam Định)
Ngày đăng: 03/09/2014

Theo ông Trần Đức Vượng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) - cá bống bớp đã được huyện xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của nghề nuôi thủy sản tại địa phương. UBND huyện đã hỗ trợ bà con mở rộng diện tích nuôi, thâm canh, đồng thời chỉ đạo xúc tiến xây dựng thương hiệu Cá bống bớp Nghĩa Hưng.

12 giờ trưa, anh Nguyễn Văn Bang vẫn “đầu đội trời, chân… lội bùn”, dầm nước dưới ao nuôi cá bống bớp. Nhà cửa vườn tược bề thế ở xóm Chùa (xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định), nhưng phần lớn thời gian anh Bang và vợ là chị Lê Thị Huyền “định cư” trong trại cá ở phía Tây xã Nam Điền cùng huyện.

Theo lời chỉ dẫn qua điện thoại, tôi dễ dàng tìm được trại cá “BÀNG” (theo cách anh dí dỏm ghép tên Bang + Huyền = Bàng), nhưng phải chờ khá lâu mới được gặp ông chủ. Là bởi các ao nuôi cá đang bị nhiễm đỉa nặng, nên anh Bang và hơn chục nhân công bì bũm bắt đỉa từ sáng đến trưa mà không xuể.

Lội lên bờ, trút túi đỉa xuống hố vôi, anh Bang than: “Năm nay đỉa từ sông, từ kênh tràn vào nhiều quá, cắn cá trong ao rạc người, lắm con nổi cả bụng vì bị đỉa hút hết máu. Xử lý cái lũ sống dai này đến mệt, không dám dùng hóa chất vì sợ ảnh hưởng đến cá nuôi, phải trần lưng bắt từng con cho tắm vôi”… Chị Lê Thị Huyền nói thêm: “Nhiều đỉa lắm anh ạ, mỗi ao bắt vài trăm con rồi mà vẫn thấy đỉa bám cá”.

Lo lắng khiến ông chủ trại cá trông như già hơn tôi cả chục tuổi, dù anh sinh năm 1974, cùng tuổi tôi. Anh Bang cho biết, đây là lần thứ hai các ao nuôi cá ở vùng Tây Nam Điền này bị đỉa tấn công, kể từ khi gia đình anh bắt đầu nuôi cá từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước.

Vùng này hiện có khoảng 1.400 ha ao đầm, chủ yếu nuôi cá bống bớp và cá mú, trong đó hơn 800 ha “chuyên canh” cá bống bớp.

Nếu không bị dịch đỉa, mỗi năm 1 ha cá bống bớp ít nhất cũng phải thu được 5 – 6 tấn cá thương phẩm, thường là trên 7 tấn. Bống bớp hiện có giá khá cao, khoảng 300.000 đ/kg cho cá hạng trung cỡ 100 gram/con, nếu mua tại ao. Anh Bang thường bán được cá bống bớp to hơn, khoảng 170 – 180 gram/con, với giá đắt hơn nhiều.

Bên cạnh đó, trại của anh chị còn chuyên cung cấp cá giống các kích cỡ, mà như anh cho biết, hiện người nuôi thường chọn mua giống cỡ lớn (60 - 80 con/kg) để chỉ cần nuôi 3 - 4 tháng là có thể thu hoạch được, hạn chế dịch bệnh và hao hụt.

Cá bống bớp vốn chỉ được đánh bắt ngoài biển, tại các bãi bùn và cát thuộc vùng triều. Thấy con cá khỏe, một số người dân xóm Chùa, xã Nghĩa Thắng mang thả thử vào ao nước lợ. Không ngờ bống bớp thích nghi rất nhanh với môi trường sống mới. Điều đặc biệt là tỉnh Nam Định có 3 vùng nuôi thủy sản mặn lợ, nhưng duy nhất huyện Nghĩa Hưng nuôi thành công cá bống bớp tại vùng bãi triều rộng khu vực cửa sông Ninh Cơ và sông Đáy.

Cá bống bớp (Bostrychus sinensis) - còn hay được gọi ngắn gọn là cá bớp hay cá bống bốn mắt - là một loài cánước lợ thuộc họ Cá bống đen(Eleotridae).Loài cá này tương đối dễ nuôi, được thị trường xem là đặc sản do thịt ngọt, dai và thơm, giá trị dinh dưỡng cao, nên nhanh chóng được nuôi nhiều ở Nghĩa Thắng và một số xã khác trong huyện như Nghĩa Lợi, Nghĩa Hải. Những năm đầu, các hộ nuôi chủ yếu theo cách tự đánh bắt cá giống tự nhiên và thu mua thêm ở các xã ven biển về nuôi. Sau đó, cá bống bớp đã được cho sinh sản thành công tại nhiều trung tâm, trại giống trong nước, giúp phong trào nuôi loài cá đặc sản này liên tục phát triển.

Từ năm 2010, cá bống bớp được nuôi đại trà ở Nghĩa Hưng, khi các cơ sở trong tỉnh sản xuất nhân tạo thành công giống cá bống bớp với số lượng lớn, chủ động nguồn giống và tạo tiền đề cho việc nuôi theo phương pháp thâm canh.

Tổng sản lượng cá bống bớp năm 2013 của Nghĩa Hưng ước đạt trên 1.000 tấn. Riêng ở xóm Chùa, nơi “khởi phát” nghề, ngoài hộ anh Bang – chị Huyền, nhiều gia đình khác cũng có nguồn thu lớn từ cá bống bớp như hộ ông Trần Văn Lộc, ông Nguyễn Văn Ba…

Những người nuôi bống bớp lâu năm nhận định, ao lớn nhỏ đều nuôi được, chỉ cần độ cao của đáy ao ở trên mực nước trung bình và là ao đất thịt để tảo dễ mọc ở đáy làm thức ăn cho cá, cũng như giúp cá dễ đào hang.

Người ta thường làm đăng chắn bờ ao và tạo rãnh ở giữa ao rộng khoảng 2m, sâu 15 cm hướng về phía cửa cống, tiện việc tháo cạn nước và làm nơi trú ẩn cho cá vào những ngày nắng to. Sau khi phơi đáy ao, người nuôi sẽ bón phân và rắc cám gạo để tảo phát triển tốt trước khi thả cá.

Bống bớp khá phàm ăn, ngoài tảo ra chúng còn ăn được động vật phù du, giun, giáp xác, ấu trùng, các loại tôm cua nhỏ,… và hoàn toàn có thể nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Mỗi hộ đều tự mày mò nghiên cứu cách “pha chế” thức ăn thích hợp, riêng anh Bang thường mua cá tạp về xay lẫn với tấm cám làm thức ăn tổng hợp, mỗi ngày cho cá ăn 1 lần vào lúc 15h chiều.

Một số hộ còn nuôi cá bống bớp thả xen tôm sú, bước đầu cho hiệu quả cao, bởi tôm tận dụng thức ăn thừa của cá bống bớp, làm ao sạch hơn. Tuy nhiên hình thức nuôi này cũng đối mặt với nguy cơ dịch bệnh cao hơn, vì tôm “yếu” hơn bống bớp.

Cá bống bớp ít bệnh, khả năng thích nghi cao hơn nhiều loài cá khác. Ở Nghĩa Hưng, mỗi ngày hàng tấn cá thương phẩm được vận chuyển đi tiêu thụ ở nhiều nơi trong tỉnh và về Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa…, đến nơi cá vẫn sống khỏe, tỷ lệ hao hụt không đáng kể. Duy có điều giống cá này kém chịu lạnh, cứ trời rét là lớn rất chậm, thậm chí chết hàng loạt; chúng chỉ sinh trưởng tốt nhất ở nhiệt độ trên 28oC.

Mùa đông, người nuôi cá bống bớp phải dùng phên nứa che đắp bờ, lấy ống nước cắt ngắn thả xuống đáy làm nơi trú ẩn cho cá, nhưng cũng ít tác dụng. Do vậy, người ta phải tính toán thời điểm thả nuôi thích hợp để thu hoạch trước khi trời rét đậm.

Nhằm giúp các hộ nuôi bống bớp khắc phục nhược điểm này, các kỹ sư Sở NN&PTNT Nam Định đã có sáng kiến thả rong biển xuống ao nuôi, làm chỗ trú rét cho cá. Việc thả rong chỉ tiến hành trong mùa lạnh, nên không ảnh hưởng tới không gian sống và sự phát triển của cá, nguồn rong sẵn có tại địa phương nên chi phí thấp.

Cụ thể, dùng cọc tre và lưới làm khung dàn trồng rong, mỗi dàn khoảng 2m2, các dàn đặt cách nhau khoảng 30 – 40 cm và cách bờ 3 – 4m. Phương pháp này đã được áp dụng vào thực tế tại các ao nuôi cá bống bớp trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng và đã khẳng định hiệu quả, có thể áp dụng với nhiều loài cá nuôi khác...

Đến nay, toàn huyện Nghĩa Hưng có khoảng 230 ha ao nuôi bống bớp, và diện tích này không ngừng được mở rộng. Tuy nhiên, vấn đề tối quan trọng là đầu ra vẫn khiến nhiều người nuôi giống cá đặc sản này băn khoăn. 70% cá bống bớp của huyện được tiêu thụ tại Trung Quốc và Đài Loan theo đường tiểu ngạch, thông qua 5 đại lý thu gom và một số đại lý trung chuyển.

Mặc dù sản lượng tiêu thụ bình quân 4-6 tấn/ngày, mặt hàng giá trị cao và chủ động các điều kiện sản xuất, nhưng bị thương lái ép giá vẫn là chuyện phổ biến. Con cá bống bớp Nghĩa Hưng vẫn chưa được tham gia vào chuỗi tiêu thụ hiện đại và xuất khẩu chính ngạch.

Được biết, huyện Nghĩa Hưng đã chủ động quy hoạch vùng nuôi, thành lập Hiệp hội Nuôi cá Bống bớp và phối hợp xây dựng nhãn hiệu tập thể “Cá bống bớp Nghĩa Hưng”, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi bền vững, góp phần nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh cho loại cá đặc sản này.

Nhưng những nỗ lực đó xem ra vẫn chưa đủ, nhất là trong bối cảnh hầu như chưa người nuôi nào tiếp cận được với các nguồn vốn vay ưu đãi, trong khi đầu tư ao nuôi, con giống cho mỗi ha nuôi cá bống bớp tối thiểu cũng phải tốn vài trăm triệu đồng.

Đó là chưa kể các nguy cơ khác như… đỉa. Chị Lê Thị Huyền đùa mà không giấu được nét lo lắng trong nụ cười: “Em đang bảo anh Bang nhà em, có khi phải mua con trâu lùa xuống ao cho đỉa bám, rồi bắt đỉa xuất sang Trung Quốc, có khi còn lãi hơn nuôi cá”.


Có thể bạn quan tâm

Qua Dịch Heo Tai Xanh, Vẫn Còn Nỗi Lo Qua Dịch Heo Tai Xanh, Vẫn Còn Nỗi Lo

Đồng Nai là một trong số ít tỉnh dập được dịch heo tai xanh trong thời gian ngắn. Dịch qua, người nuôi heo thở phào nhẹ nhõm. Nhưng theo ngành thú y, nguy cơ tái dịch vẫn còn cao.

10/09/2012
Đẩy Mạnh Kinh Tế Hợp Tác Xã Đẩy Mạnh Kinh Tế Hợp Tác Xã

Phú Ninh đang chú trọng xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác xã (HTX), giúp nông dân sản xuất theo hướng hàng hóa, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn...

26/08/2013
Chanh Không Hạt Tăng Giá Ở Hậu Giang Chanh Không Hạt Tăng Giá Ở Hậu Giang

Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thạnh Phước, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành (Hậu Giang) cho biết, hiện tại chanh không hạt có giá 25.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng so với tháng trước đó. Với mức giá này, người trồng chanh có lợi nhuận gần 600 triệu đồng/ha.

19/04/2013
Giải Pháp Nào Cho Cam - Bưởi Hậu Giang? Giải Pháp Nào Cho Cam - Bưởi Hậu Giang?

Giá cả hấp dẫn, thị trường tiêu thụ ổn định nên cả cam sành lẫn bưởi Năm Roi đang khẳng định hiệu quả kinh tế vượt trội so với một số cây ăn trái khác. Tuy nhiên, để 2 loại trái cây có múi này trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới là vấn đề cần phải bàn.

01/06/2013
Tiếp Tục Kiểm Soát Chặt Các Đàn Vịt Chạy Đồng Ở Bà Rịa - Vũng Tàu Tiếp Tục Kiểm Soát Chặt Các Đàn Vịt Chạy Đồng Ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Ngay từ cuối vụ Đông Xuân, khi các cánh đồng lúa tại 2 huyện Long Điền, Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu) gặt xong đã xuất hiện nhiều đàn vịt chạy đồng, trong đó có nhiều đàn vịt từ các địa phương khác đến. Việc di chuyển của những đàn vịt chạy đồng nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn đến nguy cơ lan truyền dịch cúm gia cầm.

20/04/2013