Hành trình xây dựng xã nông thôn mới
Xã khó đã thay đổi
Ai về xã Phương Phú thời điểm này sẽ thấy có nhiều thay đổi. Tuyến Tỉnh lộ 928B dẫn về trung tâm xã Phương Phú sau nhiều năm được nhiều người đặt tên là “con đường đau khổ” giờ đã được tráng nhựa. Trang trí thêm cho tuyến tỉnh lộ chạy qua địa bàn xã là những ngôi nhà khang trang, những cổng rào được xây dựng đồng bộ và những cụm hoa được trồng ven đường, tất cả đã tạo nên diện mạo mới, sinh khí mới cho xã này. Ông Nguyễn Văn Múc, ở ấp Phương Bình, nhớ lại: “Lúc trước, nói đến Phương Phú, ai cũng ngán chuyện đi lại, lộ làng quá khó khăn, mưa thì “ổ trâu”, “ổ gà” san sát, nước ngập thành vũng, còn nắng cũng đi không nổi vì đá lớn gập ghềnh. Mấy mươi năm khó khăn, giờ đây có lộ mới để đi, ai cũng mừng như mở cờ trong bụng”.
Nhiều lão nông ở đây kể lại, tuyến tỉnh lộ này khi xưa cũng rất nổi tiếng, khoảng năm 1983-1984 từng là tuyến lộ tiêu biểu của tỉnh Cần Thơ vì được làm rộng ngang đến 6, 7m bằng… lộ đất, người dân đắp đất rồi lấy cái lu lớn dùng chứa nước thay cho xe lu lăn cho bằng phẳng. Sau đó, có đá cấp phối đổ, dân cũng mừng vì đi mưa sạch sẽ. Ấy là lúc xe cộ còn ít, khi nhà nhà có xe máy, đá cấp phối ít nhiều cản trở lưu thông. Giờ đây, khi con đường được đầu tư xây dựng, cũng là lúc dân góp sức làm con đường đẹp thêm.
Chủ tịch UBND xã Phương Phú Nguyễn Thanh Hùng cho biết: “Giao thông nông thôn chính là những điểm nhấn đẹp trong quá trình phát triển và xây dựng NTM ở xã Phương Phú. Đây là kết quả của sự quyết liệt vận động của Đảng ủy, UBND xã, sự chung tay của các mạnh thường quân xa gần và nhân dân toàn xã”.
Với sự nỗ lực đáng được ghi nhận, xã Phương Phú đã được tỉnh đồng ý bổ sung vào 11 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh vào đầu năm 2015. Năm 2012, khi phong trào xây dựng xã NTM đã bắt đầu nhộn nhịp khắp các địa phương trong tỉnh thì xã Phương Phú vẫn chưa được chọn làm điểm của tỉnh hay huyện Phụng Hiệp, nhưng sau 2 năm xây dựng NTM, bằng sự phát huy nội lực hiện có, xã Phương Phú đã đạt đến 12 tiêu chí NTM dù không có nguồn vốn đầu tư từ trên. Đến thời điểm này, 17 tiêu chí đã đạt, 2 tiêu chí về giáo dục (trường học đạt chuẩn quốc gia) và cơ sở vật chất văn hóa đang gấp rút thực hiện. Từ đầu năm đến nay, hơn 40 tỉ đồng của tỉnh đã được “rót” về xã Phương Phú.
Dân tin tưởng và kỳ vọng
Bên cạnh nhà văn hóa ấp khang trang, ngôi nhà tình thương đồng đội nhỏ đã cũ của bà Ngô Thị Nhân, ở ấp Bình Hòa, nằm kế bên. Hàng ngày, bà Nhân kiếm sống bằng nghề bán xôi, bán bánh. Đầu năm nay, khi nghe chính quyền địa phương bàn chuyện cần đất xây dựng nhà văn hóa ấp, bà Nhân là người đầu tiên ký tên giao đất. Bà Nhân chia sẻ: “Gia đình có truyền thống cách mạng, tôi với chồng tôi hồi xưa đều tham gia kháng chiến, tôi là tù đày chính trị, còn ổng cũng là thương binh nên dù đất mặt tiền giao hết cho chính quyền để xây dựng nhà văn hóa ấp, tôi cũng vui lòng, không có kỳ kèo chuyện giá cả gì hết”.
Bà Nhân là một trong 8 hộ gia đình đã giao đất để xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, trường học ở xã. Người dân hết lòng với phong trào chung tay xây dựng NTM cũng vì hai chữ niềm tin. Phó Chủ tịch Thường trực UBND xã Phương Phú Lê Văn Huấn cho biết: “Đảng ủy, UBND xã luôn đề cao tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch tất cả những khoản phí, chi phí, các khoản đóng góp, vận động, cho nên dân tin tưởng, công việc trôi chảy”.
Những ngày này, người dân ở các ấp của xã Phương Phú đang khẩn trương bình xét hộ nghèo của năm 2015. Tuy tổ chức sớm hơn thường lệ để phục vụ cho việc công nhận xã NTM, nhưng với những người dân ở đây thì sớm hay muộn không phải là vấn đề đáng bận tâm.
Bà Nguyễn Thị Lành, người dân ở ấp Phương Bình, bộc bạch: “Bây giờ dân chủ và minh bạch lắm, ai chí thú làm ăn thì cả xóm đều biết, ai có công ăn việc làm ổn định, có thu nhập tương đối, mọi người cũng rành, sớm cũng thoát nghèo mà muộn cũng thoát nghèo, nếu thoát nghèo sớm thì tốt cho xã mình. Từng trường hợp hộ nghèo đều được đưa ra bình xét rất khách quan, có nhiều ý kiến đánh giá, xem xét. Bởi vậy, bầu chọn sớm hơn một vài tháng cũng không sao!”…
Có thể bạn quan tâm
Càng về những tháng cuối năm, các loại trái cây, rau xanh và nhiều loại nông sản thực phẩm từ Trung Quốc, Thái Lan lại càng dội vào thị trường nội địa…
Nông dân Việt Nam đang phải đối mặt với muôn vàn rủi ro. Nào an ninh nông thôn, nào phí chồng phí, nào nạn “cường hào mới”... Ngoài điệp khúc “được mùa, mất giá” cứ lặp đi lặp lại trêu ngươi; còn có thêm “trường ca” bi ai là “chặt - trồng, trồng - chặt” ám ảnh.
Trải qua hai thập kỷ phát triển, tính đến năm 2014, cây trồng chuyển gen đã chiếm 12,9% diện tích đất trồng trọt trên thế giới, theo ISAAA (Dịch vụ quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp).
Tạo ra giống chữa bệnh giá cao, sản xuất nguyên liệu dược phẩm từ cám... đang là những giải pháp mới giúp gia tăng giá trị hạt gạo ngoài chuỗi sản xuất khép kín thông thường.
Giảm 105 USD mỗi tấn so với cùng kỳ năm ngoái khiến gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam rẻ hơn Thái Lan 20 USD, Campuchia 80 USD và Brazil tới 160 USD.