Hành tây tăng giá mạnh

Đến Đà Lạt (Lâm Đồng) những ngày này, chúng tôi có thể nhận thấy không khí yên ắng và nỗi thất vọng hiện trên nét mặt lam lũ của những người nông dân tại các vùng chuyên canh hành tây ở khu vực phường 7 (nơi được xem là thủ phủ trồng hành tây ở TP Đà Lạt) mặc dù hiện giá hành tây tăng cao chóng mặt, 16.000 đồng/kg.
Nông dân Trần Thế Long (ngụ đường Thánh Mẫu, phường 7, TP Đà Lạt) cho biết, liên tục trong nhiều tháng liền giá hành tây rất bấp bênh, có lúc xuống chỉ còn vài trăm đồng/kg khiến người trồng hành điêu đứng. Tuy nhiên, chỉ một tuần trở lại đây, giá hành tây trên địa bàn Đà Lạt tăng giá liên tục.
Cụ thể: Hành tây loại 1 từ 3.000 đồng/kg tăng lên 15.000 – 16.000 đồng/kg, các loại hành loại 2 - 3 cũng tăng giá từ 2.000 đồng lên 8.000 – 12.000 đồng/kg, nhưng nông dân không còn nhiều hàng để bán.
Vụ hành vừa qua, gia đình anh Long có 3.000 m2 trồng hành tây với tổng chi phí đầu tư hơn 60 triệu đồng, sản lượng thu được khoảng 25 tấn. Do thời điểm thu hoạch rộ, lại gặp trời mưa nên gia đình anh chỉ bán xô cho thương lái tại vườn với giá 2.000 đồng/kg. Vụ hành này gia đình anh Long lỗ hơn chục triệu đồng.
Theo anh Long: “Sở dĩ giá hành tây mấy ngày qua tăng mạnh là do cách đây 2 tháng, nông dân Đà Lạt thu hoạch hành chính vụ gặp thời tiết xấu, gặp mưa nên số lượng hành trong quá trình trữ kho chờ tăng giá bị thối hoặc lên mầm. Do vậy, nhiều nông dân cũng như thương lái phải đổ bỏ hàng trăm tấn hoặc bán tháo với giá 500 đồng/kg. Vì vậy lượng hành tây còn lại rất ít”.
Ông Đinh Công Lý, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, nguyên nhân khiến hành tây tăng giá đột ngột là do trong thời gian dài vừa qua qua, giá hành tây thấp kỷ lục, khiến nhiều thương lái không mặn mà với việc đưa hành tây Trung Quốc vào Việt Nam. |
Chị Trần Đan Vy, chủ vựa nông sản Mai Vy, phường 7, TP Đà Lạt cho biết: Do thời điểm thu hoạch hành tây chính vụ trên địa bàn TP Đà Lạt đã đi qua cách đây 2 tháng nên lượng hành thu hoạch và tích trữ trong dân gần như được tiêu thụ hết. Hiện tại, chỉ một số hộ sản xuất hành với quy mô lớn, có đầu tư hệ thống kho bãi cất trữ từ cách đây vài tháng mới có nguồn hàng để bán, còn các hộ dân sản xuất nhỏ lẻ thì đã hết hàng từ lâu.
Thị trường tiêu thụ hành tây sau một thời gian ngưng trệ giờ trở nên thông thoáng hơn, việc xuất khẩu sang thị trường Singapore và Hàn Quốc được kết nối trở lại. Ngay cả thị trường TP.HCM và Campuchia cũng thông thoáng chừng khoảng nửa tháng nay.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch Hội Nông dân phường 7, TP Đà Lạt cho biết: Toàn phường 7 có 140 ha chuyên canh trồng hành tây, đây là cây trồng thế mạnh, truyền thống từ hàng chục năm nay của người nông dân, mang lại đời sống kinh tế khấm khá cho hàng ngàn hộ. Trước thực trạng cứ đến mùa thu hoạch hành tây là giá lại rớt thê thảm, UBND phường đã có kiến nghị lên các cấp thành phố tạo điều kiện cho nông dân xây dựng các nhà kho, bãi chứa trên cơ sở đất hợp pháp của mình để làm nơi bảo quản nông sản chờ giá lên.
Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, diện tích trồng hành tây ở Đà Lạt và các vùng phụ cận như Đơn Dương, Lạc Dương những năm gần đây đều tăng mạnh, với tổng diện tích lên đến hơn 1.000 ha. Trong đó, riêng huyện Đơn Dương chiếm khoảng 500 ha, sản lượng hơn 35.000 tấn một vụ. Để tránh tình trạng người nông dân sản xuất hành tây lâm vào cảnh được mùa mất giá, trong thời gian tới Sở NN-PTNT sẽ tiến hành rà soát lại diện tích sản xuất hành tây, khuyến cáo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích.
Có thể bạn quan tâm

Từ hơn 1 năm nay, ở xã Lộc Ninh (Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) xuất hiện một trang trại nuôi vịt trời với số lượng lớn. Trang trại này do ông Nguyễn Thanh Tuyến - 43 tuổi, ngụ ấp Lộc Tân làm chủ. Từ việc lên mạng tìm hiểu, học hỏi, ông Tuyến đã tìm ra một hướng đi mới là nuôi vịt trời, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm mới cho nông dân.

Tập trung chính ở các xã Đồng Tâm, An Bình, Thanh Nông, thị trấn Chi Nê. Điển hình nhất là hội gây nuôi động vật hoang dã xã Đồng Tâm duy trì hoạt động 23 hội viên với số động vật nuôi 500 con lợn rừng, 200 con nhím, 22 con hươu sao. Trong số động vật nuôi hoang dã, lợn rừng được người chăn nuôi tập trung mở rộng diện rộng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau hơn một năm nuôi thử nghiệm, những cá thể hươu trong mô hình “Chăn nuôi hươu lấy nhung và sinh sản” của Trạm Khuyến nông huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), cho thấy sự thích nghi với điều kiện khí hậu của địa phương, sinh trưởng và phát triển tốt. Mô hình mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho bà con nông dân.

Tuy nhiên thực tế cho thấy những mô hình này đang phát triển theo hướng tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chưa có định hướng lâu dài, dễ bị thị trường cùng hệ thống thương lái chi phối, hiệu quả kinh tế đem lại cũng vì thế mà bấp bênh. Chăn nuôi nhỏ lẻ khiến số hộ chăn nuôi; số lượng gia súc, gia cầm tăng lên ở mỗi địa phương nhưng nông hộ không có mức thu nhập tốt nhất, còn kéo theo ô nhiễm môi trường.

Nghề nuôi vịt chạy đồng từ lâu đã trở thành một tập quán sản xuất của người dân vùng ĐBSCL. Những chiếc ghe lớn, hai tầng, chở theo những bầy vịt chạy đồng trên sông nước sau mùa gặt là những hình ảnh thân quen. Trong buổi sáng bình minh, trên những cánh đồng, những người chăn vịt cần mẫn, lam lũ cùng với những đàn vịt cất tiếng gọi nhau gợi lên một khung cảnh thanh bình, yên ả ở vùng quê.