Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thiếu Nguyên Liệu Giữa Vùng... Nguyên Liệu

Thiếu Nguyên Liệu Giữa Vùng... Nguyên Liệu
Ngày đăng: 20/05/2014

Đại Từ được coi là “vựa chè” của tỉnh Thái Nguyên với tổng diện tích chè cho thu hoạch hơn 6.000 ha, chiếm 1/3 diện tích của tỉnh Thái Nguyên, và là huyện có diện tích chè đứng thứ hai so với cả nước, chỉ sau huyện Bảo Lộc của tỉnh Lâm Đồng.

Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay, hầu hết các nhà máy chế biến chè trên địa bàn huyện đang phải hoạt động cầm chừng, thậm chí một số cơ sở đã phải đóng cửa do thiếu nguyên liệu…

Còn nhớ, cách đây khoảng chục năm, ngành sản xuất, chế biến chè trên địa bàn huyện Đại Từ hoạt động khá rầm rộ, sôi nổi với những cái tên quen thuộc, nổi tiếng một thời như Nhà máy Chè Quân Chu, Nhà máy Chè Đại Từ, Công ty Chè Hà Thái, Công ty Chè Tín Đạt…

Hình ảnh những dòng người xếp hàng chờ cân chè búp tươi bán cho các nhà máy đã trở nên quá vãng. Trong tổng số 8 đơn vị chuyên chế biến chè xuất khẩu đứng chân trên địa bàn huyện Đại Từ, đến nay chỉ còn duy nhất Công ty cổ phần Chè Quân Chu đang phải hoạt động cầm chừng để tồn tại, còn lại các nhà máy khác hầu hết đã đóng cửa để chuyển hướng sang loại hình kinh doanh khác.

Có mặt tại Công ty cổ phần Chè Quân Chu, ông Lê Trần Thanh, Giám đốc Công ty chia sẻ: Mặc dù nằm giữa vùng chè đặc sản của huyện nhưng những năm gần đây, Công ty gặp nhiều khó khăn trong vấn đề thu mua nguyên liệu để sản xuất 2 dòng sản phẩm chính là chè xanh và chè đen.

Đầu vào thì giá cao, trong khi sản phẩm bán ra lại không được nâng giá nên vào thời điểm này chúng tôi chỉ sản xuất cầm chừng để giữ mối làm ăn và giữ chân công nhân lành nghề.

Được biết, vùng nguyên liệu của Công ty cổ phần Chè Quân Chu (tiền thân là Nông trường chè Quân Chu) có diện tích khoảng 150ha đã được hợp đồng giao khoán trực tiếp cho công nhân của đơn vị với thời hạn 50 năm.

Sau khi giao khoán, hàng năm, Công ty có trách nhiệm thu mua sản phẩm chè búp tươi cho công nhân theo giá thỏa thuận. Những năm đầu, việc này được thực hiện khá tốt, cả Công ty và công nhân đều có lợi.

Nhưng sau này, bà con đã chuyển đổi, cải tạo những đồi chè trung du sang trồng bằng những giống chè cành mới cho năng suất, chất lượng cao như Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, Hoa Nhật Kim... và bán với giá quá cao thì Công ty không đủ khả năng thu mua được nữa.

Ông Thanh cho biết thêm: Để làm chè đen, chúng tôi chỉ có thể thu mua nguyên liệu từ 3.500 - 4.000 đồng/kg chè búp tươi nhưng hiện nay bà con giao bán chè trung du từ 10.000 – 15.000 đồng/kg, chè cành là trên 30.000 đồng/kg.

Với mức giá như thế này thì người sản xuất và chế biến không có lãi, trong khi giá chè xanh thì bấp bênh, giá chè đen xuất khẩu sang các nước như Nga, Đài Loan... thì rẻ. Sống giữa vùng nguyên liệu mà không có nguyên liệu sản xuất là nghịch lý khiến người làm chè chúng tôi lao đao, khốn khó.

Để giữ chân hơn 50 lao động của Công ty vào thời điểm này, chúng tôi buộc phải tìm thị trường nguyên liệu tại một số tỉnh xa như Tuyên Quang... Chỉ tính riêng quý I năm nay, Công ty chưa xuất khẩu nổi 150 tấn, giảm 1 nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Chị Thái Thị Thanh, công nhân bậc 6 của Công ty cổ phần chè Quân Chu cho hay: Trước đây, lương của tôi có lúc lên tới hơn 5 triệu đồng/tháng, nay thì giảm xuống chỉ còn hơn 2 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, gia đình tôi sống khá chật vật, con cái lại đang tuổi ăn, tuổi lớn, chi phí thêm cho học hành.

20 năm gắn bó với Công ty, trải qua những thăng trầm, biến cố cùng Công ty, tôi chỉ mong Công ty sớm trải qua thời kỳ khó khăn, vực dậy lại sản xuất để những người công nhân gắn bó với nghề sản xuất, chế biến chè như chúng tôi có cuộc sống ổn định hơn.

Đang ở thời điểm chè chính vụ nhưng nhiều đơn vị chế biến chè tại huyện Đại Từ phải đóng cửa từ nhiều ngày nay vì không thu mua được nguyên liệu. Chị Nguyễn Như Thủy, chủ doanh nghiệp chè Tín Đạt tại xã Bình Thuận cho biết:

Do không mua được nguyên liệu, cuối năm 2013 vừa qua, tôi đã phải bán đi các trang thiết bị chế biến chè với giá 410 triệu đồng, tương đương với 10 cây vàng, trong khi dây chuyền chế biến đó, tôi đã từng phải bỏ ra 100 cây vàng để đầu tư. Nhìn cơ ngơi nhà xưởng rộng gần 11 nghìn m2 trống huếch trống hoác mà tôi đau đớn lòng. Doanh nghiệp thì gặp khó khăn, có khi phá sản bởi sức ép từ lãi vay ngân hàng, vốn lưu động…

Cùng cảnh với các doanh nghiệp này, Công ty Chè Gia Linh ở xã Bản Ngoại cũng đóng cửa, chủ doanh nghiệp đang cho thuê mặt bằng để làm may xuất khẩu; Xí nghiệp chè Thế hệ mới ở xã La Bằng thì chuyển hướng kinh doanh sang thu mua chè khô trong nhân dân rồi về lấy lại hương, đóng gói, xuất khẩu...

Nghịch lý giữa vùng nguyên liệu đang là bài toán đặt ra đối với các cấp, ngành, nhất là trong cơ cảnh khó khăn như thế này, làm thế nào để vực dậy các doanh nghiệp gắn bó với cây chè hàng chục năm nay?

Trong khi Chương trình xây dựng nông thôn mới đang diễn ra khắp nơi ở Đại Từ và huyện cũng đang ưu tiên thu hút các dự án đầu tư về khu vực nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết lao động và tăng thu nhập cho nông dân với các ngành nghề ưu tiên là sản xuất, chế biến chè.

Thiết nghĩ, để khắc phục tình trạng khan hiếm nguyên liệu chè như hiện nay, huyện cần rà soát, sắp xếp lại các cơ sở chế biến theo hướng gắn với vùng nguyên liệu; các công ty cũng cần đổi mới công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm và thực hiện liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà thì ngành sản xuất, chế biến chè mới phát triển bền vững...


Có thể bạn quan tâm

Hiệu quả vườn chuyên canh ở xã Long Khánh Hiệu quả vườn chuyên canh ở xã Long Khánh

Thực hiện chủ trương cải tạo vườn tạp, chuyển đất trồng lúa sang trồng cây có múi giá trị kinh tế cao như: Sầu riêng hạt lép giống Ri 6, Monthong, bưởi da xanh...Đến thời điểm này, xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã trồng được 1.323 ha vườn cây ăn trái

29/10/2015
Nâng cao chất lượng trái xoài xuất khẩu sang Nhật Nâng cao chất lượng trái xoài xuất khẩu sang Nhật

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cùng các sở, ngành liên quan và Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) vừa có buổi làm việc với UBND huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) về dự án xây dựng cánh đồng lớn sản xuất và xuất khẩu xoài sang thị trường Nhật Bản.

29/10/2015
Trao cơ hội thoát nghèo cho người dân Mường Lát Trao cơ hội thoát nghèo cho người dân Mường Lát

8 giờ 30 buổi lễ trao tặng 150 con bò giống cho người nghèo ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa) mới diễn ra nhưng Sòng A Chu đã đến UBND xã Trung Lý trước đó nhiều giờ. Chu cho biết, anh háo hức đến sớm để xem con bò của mình được nhận trông ra sao.

29/10/2015
Có thu nhập cao và bảo vệ môi trường xanh, sạch Có thu nhập cao và bảo vệ môi trường xanh, sạch

Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) mà hàng nghìn hộ nông dân (ND) ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã có điều kiện chuyển đổi, mở rộng sản xuất, tăng thu nhập.

29/10/2015
Ra mắt sản phẩm sữa tươi Củ Chi đầu năm 2016 Ra mắt sản phẩm sữa tươi Củ Chi đầu năm 2016

HTX sản xuất - chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội (Củ Chi, TP.HCM) cho biết, đầu năm 2016 sẽ cho ra mắt mặt hàng sữa tươi Củ Chi.

29/10/2015