Hàng Chục Tấn Cá Lồng Chết Do Xả Thải?
Hàng chục tấn cá vược, cá mú, cá hồng mỹ (cá sủ) chết trắng, khiến khiến người dân lao đao.
Mất tiền tỷ sau một đêm
Xã Hải Thanh và Hải Bình (Tĩnh Gia – Thanh Hóa) có hơn 10 hộ nuôi cá lồng. Từ 3 ngày qua, các hộ nuôi cá lồng ven hai bờ sông Kênh Than, đoạn chảy qua hai xã trên, đau xót khi hàng tỷ đồng tiền cá mất trắng sau một đêm.
Theo phản ánh của người dân, đêm 23/7 trên địa bàn xã có mưa to, đến rạng sáng 24/7 thì cống Bình Minh (cách khu vực nuôi cá lồng của các hộ khoảng 1km) mở cống thoát nước. Sau khi mở cống chừng 2 tiếng đồng hồ, thì các hộ thấy có hiện tượng cá lờ đờ nổi rồi ồ ạt chết hàng loạt.
Chị Bùi Thị Hà (một trong những hộ nuôi cá lồng) nói: “Đây là vụ đầu tiên chúng tôi nuôi cá. Gia đình tôi phải vay mượn ngân hàng, anh em và tiền gom góp đầu tư khoảng 500 triệu đồng. Đang chờ khoảng 1 tháng nữa mới bán cá để lấy tiền trả nợ và xây dựng nhà cửa. Giờ cá chết hết, bán không ai mua, gia đình tôi đã mất khoảng 800 triệu đồng tất cả, không biết lấy tiền đâu trả nợ nữa”.
Đau xót hơn, gia đình bà Đặng Thị Hải (51 tuổi, ở thôn Thanh Đông, xã Hải Thanh) có 4 tấn cá vược thương phẩm, 3 tấn cá hồng mỹ và 17.000 con cá vược giống mới thả, sau đêm đó đã mất trắng hết. Theo bà Hải thì gia đình bà thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng.
Bà Hải cho biết: “Gia đình tôi đã nuôi nhiều vụ, các năm trước đều có lãi và cá không có hiện tượng chết hay dịch bệnh. Vì thế, năm nay gia đình đầu tư lớn hơn, nhưng giờ trắng tay. Lo lắng nhất là tiền vay lãi ngân hàng, tiền vay lãi ngày để trả nợ tiền mua thức ăn cho cá giờ không biết lấy đâu ra để trả”.
Nguyên nhân do xả thải?
Theo anh Trần Bá Biên (một trong những hộ nuôi cá có thiệt hại lớn đợt vừa rồi), thì việc cá chết có nguyên nhân từ các hộ, cơ sở sản xuất thủy hải sản, nhà máy trên địa bàn hấp cá, sấy cá, lợi dụng trời mưa to, nước lớn nên xả thải khiến nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng làm cá chết.
Theo anh Biên, khi thấy hiện tượng cá thiếu oxy, ngửa bụng nổi lên, người nuôi đã cho sục oxy nhưng không có tác dụng. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ sau khi mở cửa cống, nước trên nguồn chảy xuống, các hộ dân chỉ biết đứng nhìn cá nổi trắng mà không có cách gì.
Xã… bận, chưa giải quyết!
Chiều 26/7, trao đổi sự việc của các hộ nuôi cá lồng trên địa bàn xã với ông Nguyễn Viết Xuân – Phó Chủ tịch UBND xã Hải Thanh, ông Xuân cho biết, từ giữa năm 2012, trên địa bàn xã có 7 hộ nuôi cá lồng, đến nay các đã có hơn chục hộ nuôi.
“Ngày 24/7, chúng tôi có nghe tin cá của các hộ chết hàng loạt. Chúng tôi cũng đã nhận đơn phản ánh của các hộ, trong đó các hộ có nêu việc cá chết là do ô nhiễm môi trường nước. Hiện xã vẫn chưa có kế hoạch hay hướng giải quyết vụ việc vì mấy ngày qua chúng tôi bận quá” – ông Xuân nói.
Nói về việc bảo vệ môi trường, ông Xuân cho biết thêm, ở xã có 7 hộ hấp, sấy cá, 1 công ty và 1 HTX. Riêng các hộ hấp, sấy cá thì không có cam kết bảo vệ môi trường, nên việc kiểm soát nguồn nước thải không có.
Hiện các hộ dân nuôi cá lồng tại hai xã trên đang rất hoang mang vì vẫn chưa có cơ quan chức năng nào tiến hành xác minh làm rõ vụ việc, ngay cả chính quyền xã cũng chưa có kiểm tra thực tế.
Có thể bạn quan tâm
Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa (Phú Yên) phối hợp với Trung tâm Giống & kỹ thuật thủy sản của tỉnh triển khai dự án KH-CN “Xây dựng mô hình nuôi cua đồng trong ruộng lúa” do KS Nguyễn Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện làm Chủ nhiệm.
Khó khăn hiện nay là diện tích nuôi tôm phát triển, nguồn điện phục vụ thiếu, nên chi phí trong quá trình nuôi tăng cao. Người nuôi tôm ở huyện Phú Tân đang gặp nhiều khó khăn không chỉ về vốn, con giống, kỹ thuật, đầu ra, mà yếu tố quan trọng đó là về điện.
Ngày 25/8/2014, Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản chính thức có hiệu lực. Đây được xem là cú hích cho ngành thủy sản cả nước trong đó có Quảng Trị. Tuy nhiên, hiện nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh đang băn khoăn lo lắng mình không nằm trong danh sách được ưu tiên vay vốn đóng tàu vì chỉ tiêu phân bổ quá ít.
Đến nay, đã có 15 Khu bảo vệ thủy sản ở vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, với tổng diện tích mặt nước được bảo vệ trên 430 ha. Theo đó, trong các khu bảo vệ thủy sản, nghiêm cấm hoàn toàn các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản và xây dựng các công trình sản xuất kinh tế… làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên và môi trường thuỷ sinh của vùng đầm phá.
Chỉ thị nêu rõ, nghiêm cấm tuyệt đối mọi hành vi chặt phá rừng phi lao và các loại cây trồng khác ven biển, chuyển đổi đất vườn, đất ở để san ủi, đào ao lót bạt nuôi tôm.