Hai Điểm Nhấn Của Ngành Chăn Nuôi Thủ Đô
Là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm luôn ở tốp đầu cả nước, những năm qua, công tác phát triển chăn nuôi của Hà Nội luôn được quan tâm với nhiều chương trình, đề án được triển khai.
Trong đó, hai điểm nhấn nổi bật là chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, thực hiện Quyết định số 2801/QĐ-UBND ngày 17/6/2011, đến nay, toàn TP đã phát triển ổn định được 69 xã chăn nuôi trọng điểm bao gồm 12 xã chăn nuôi bò sữa, 15 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn, 29 xã chăn nuôi gia cầm. Ngoài ra, TP hiện có 4 vùng chăn nuôi lợn trọng điểm và 6 vùng chăn nuôi gà tập trung. Theo thống kê, đàn bò sữa ở các xã trọng điểm chiếm 80,2% tổng đàn bò sữa toàn TP, đàn lợn chiếm 36,05% và đàn gia cầm chiếm 61,3%.
Hình thành nhiều vùng chăn nuôi trọng điểm
Cổ Đông là một trong những xã chăn nuôi trọng điểm của thị xã Sơn Tây nói riêng và toàn TP nói chung. Hiện nay, HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Cổ Đông có 550 trang trại chăn nuôi quy mô công nghiệp lớn và hàng trăm trang trại chăn nuôi bán công nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Mỗi năm, HTX cung cấp cho thị trường hàng chục ngàn tấn thực phẩm an toàn các loại. Ông Trần Văn Chiến - Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Cổ Đông cho biết, nhờ chuyển đổi sang chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và ký kết hợp đồng tiêu thụ với các nhà hàng, khách sạn nên thu nhập của người chăn nuôi vẫn ổn định. Năm 2013, tổng thu nhập của toàn HTX đạt 224 tỷ đồng, trừ chi phí còn thu lãi 96 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân đạt 300 triệu đồng/hộ. Dự kiến năm 2014, tổng doanh thu của HTX ước đạt 300 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt từ 350 - 400 triệu đồng/hộ/năm.
Cùng với chăn nuôi lợn, hiện nay trên địa bàn TP đã hình thành nhiều vùng, xã chăn nuôi trọng điểm bò sữa, bò thịt và gia cầm. Đến xã Phương Đình, huyện Đan Phượng thời điểm này, rất nhiều trại nuôi bò sữa đã hình thành trên cánh đồng vùng bãi trù phú ven sông Đáy với những ruộng ngô, cỏ sữa xanh ngút tầm mắt. Đánh giá của HTX Nông nghiệp xã Phương Đình cho thấy, chăn nuôi bò sữa đang là hướng đi mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân. Đến nay, toàn xã có hơn 40 hộ chăn nuôi bò sữa với tổng đàn trên 200 con. Anh Lê Văn Kính, một trong những hộ chăn nuôi bò sữa quy mô lớn nhất của xã Phương Đình cho biết, gia đình anh đang nuôi 11 con bò sữa, trong đó có 6 con đang cho thu hoạch. Sản lượng sữa thu được bình quân 27 - 28kg/con/ngày. Có tháng cao điểm, doanh thu từ bán sữa bò của gia đình anh đạt 60 triệu đồng.
Đánh giá một cách tổng quát, những năm qua, ngành chăn nuôi của TP Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực, tuy tổng đàn vật nuôi có xu hướng giảm nhưng năng suất, chất lượng được cải thiện rõ rệt. Với việc hình thành các vùng, xã chăn nuôi trọng điểm và các trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm dần, quy mô chăn nuôi tăng. Từ năm 2011 đến nay, Hà Nội đã giảm chăn nuôi nhỏ lẻ từ 70% xuống còn 53%. Chất lượng giống vật nuôi cũng được cải thiện rõ rệt với tỷ lệ thụ tinh nhân tạo tăng đáng kể. Cụ thể, tỷ lệ thụ tinh nhân tạo đàn bò thịt năm 2010 là 22%, đến nay đạt 45%; đàn lợn năm 2010 là 33%, đến nay đạt 63%...
Đáng chú ý là toàn TP đã thành lập 32 chi hội phát triển chăn nuôi và 8 HTX chăn nuôi với 3.300 hội viên, xã viên. Các tổ chức sản xuất này đã thực hiện được một số dịch vụ chung như cung ứng thức ăn chăn nuôi, con giống, vật tư, thiết bị chuồng trại, quy trình kỹ thuật... Một số HTX đã tổ chức đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi, do vậy giá thành sản xuất giảm, hiệu quả chăn nuôi cao.
Tăng cường liên kết
Cùng với việc hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm, tập trung quy mô lớn, thời gian qua, việc xây dựng các chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn TP cũng được quan tâm đặc biệt. Đến nay, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã tư vấn, xây dựng được 18 chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm với 3.400 thành viên tham gia, 30 điểm giao dịch, 1.300 đại lý, điểm tiêu thụ sản phẩm.
Trung bình mỗi ngày, các chuỗi liên kết tham gia tiêu thụ 392.000 quả trứng, 22 tấn thịt lợn, 11 tấn gia cầm, 150kg thịt bò, 100 tấn sữa. Hiện nay, các chuỗi liên kết trên tạo công ăn việc làm cho trên 4.000 lao động với trên 3.000 trại, trang trại tham gia và cung cấp cho các siêu thị như Big C, Metro, Oceanmart, Fivimart, gần 100 cửa hàng của các chuỗi và các trường học, bệnh viện, bếp ăn tập thể trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước.
Một trong những chuỗi điển hình nhất hiện nay là chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ thực phẩm sạch, truy xuất nguồn gốc GreenFood Hà Nội với 6 đơn vị tham gia. Đây là mô hình chuỗi khép kín cung cấp đầy đủ cho các trại chăn nuôi từ thức ăn có chất lượng, giá hợp lý, cung cấp con giống, các cơ sở giết mổ công nghiệp và hệ thống cửa hàng tiện tích.
Chuỗi có 80 trại chăn nuôi với tổng đàn 1.500 lợn nái, 15.000 lợn thịt/lứa, 60.000 gà đẻ trứng và 35.000 gà thịt/lứa, cung cấp cho thị trường bình quân 500 tấn thịt lợn/tháng, 100 tấn thịt gà/tháng và 25.000 quả trứng/tháng. Sản phẩm của chuỗi được phân phối tại 50 cửa hàng, siêu thị, trường học, bệnh viện, bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp trên địa bàn Thủ đô. Với quy trình kiểm soát chặt chẽ từ khâu thức ăn chăn nuôi, con giống đến giết mổ, chế biến khép kín, chất lượng sản phẩm được đảm bảo vệ sinh ATTP, truy xuất được nguồn gốc, chuỗi đã tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.
Ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, để mô hình chuỗi liên kết thành công thì phải xây dựng và gắn kết các đối tượng với nhau theo 2 loại hình. Đó là liên kết ngang (giữa các hộ/trại chăn nuôi với nhau tạo ra các chi hội/HTX chăn nuôi) và liên kết dọc (giữa hộ/trại chăn nuôi với các DN cung cấp dịch vụ đầu vào và DN giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm).
Trong thời gian tới, Trung tâm định hướng tiếp tục nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ, tiêu thụ sản phẩm theo hướng cung cấp sản phẩm tại các địa phương. Đồng thời, xây dựng thương hiệu cho từng chuỗi liên kết và định hướng thị trường phù hợp với năng lực sản xuất.
Để ngành chăn nuôi của Hà Nội phát triển ổn định, bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị TP có cơ chế, chính sách đặc thù đối với ứng dụng công nghệ cao cho công tác giống vật nuôi như tinh phân ly giới tính, cấy truyền phôi đối với bò sữa hay nhập ngoại giống lợn cụ kỵ, ông bà chất lượng cao...
Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo xã, vùng trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến 2025. Cùng với đó, cần có chính sách khuyến khích phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn Hà Nội và hợp tác, liên kết với các tỉnh trong phát triển chuỗi sản phẩm an toàn, truy suất được nguồn gốc.
Hiện nay, tổng đàn bò toàn TP là 144.607 con, đàn lợn đạt hơn 1,4 triệu con, đàn gia cầm hơn 19,3 triệu con. Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng hàng năm đạt 9.600 tấn, sản lượng sữa 29.000 tấn, thịt lợn hơi 303.000 tấn, thịt gà hơi 61.600 tấn. Toàn TP có 3.259 trại, trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Trong đó, có 102 trại chăn nuôi bò, 716 trại chăn nuôi lợn, 2.441 trại chăn nuôi gia cầm, thủy cầm.
Nguồn bài viết: http://www.ktdt.vn/kinh-te/nong-thon-moi/2014/11/81028af6/hai-diem-nhan-cua-nganh-chan-nuoi-thu-do/
Có thể bạn quan tâm
Ninh Hòa là địa phương có diện tích mía lớn nhất tỉnh Khánh Hòa, với hơn 11.500 ha. Niên vụ mía 2013-2014, thu nhập của người trồng mía nơi đây giảm nhiều hơn so với mọi năm.
Tháng 5, phía TQ hết mùa vụ. Để khuyến khích XK, Chính phủ TQ hạ thuế XK phân bón từ 70% xuống 7%. Do đó, các DN phân bón trong nước phải đoàn kết, sẵn sàng tư thế trước làn sóng hàng giá rẻ TQ tràn vào.
Ở Tây Nguyên đang là thời điểm bắt đầu mùa mưa do vậy bà con nông dân nơi đây đang chuẩn bị các loại hạt giống như đậu, bắp, lạc, vừng... để gieo trồng cho niên vụ mới.
Các chuyên gia kinh tế khẳng định, khi Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, ngành chăn nuôi trong nước sẽ càng khó khăn hơn!
Hươu dễ nuôi, không mất tiền đầu tư chăm sóc như những gia súc khác. Mỗi năm hươu cho cắt nhung (sừng non) hai lần và bán với giá cao cho nên được coi là “báu vật” của nhiều gia đình dân tộc thiểu số ở tỉnh Bắc Cạn.