Hà Nội Chủ Động Các Biện Pháp Phòng Trừ Dịch Bệnh
Những tháng cuối năm 2013, đầu năm 2014, thời tiết diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ tới năng suất và chất lượng cây trồng vụ xuân.
Để đảm bảo kế hoạch sản xuất vụ mùa và vụ đông, các sở, ban ngành của TP đã chủ động đề ra nhiều giải pháp, trong đó, vấn đề phòng trừ sâu bệnh, dịch hại được đặc biệt lưu tâm.
Gieo trồng chưa đạt kế hoạch
Theo số liệu của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, thời tiết vụ xuân 2014 có nhiều diễn biến khác thường. Trong tháng 2/2014, có hai đợt rét đậm rét hại, trùng với thời vụ gieo cấy lúa và trồng một số loại cây màu khiến một phần diện tích lúa phải tổ chức gieo, cấy lại; trong khi, cây màu thì chậm phát triển. Cũng theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, đã có khoảng 500ha lúa và hoa màu trên địa bàn TP chịu ảnh hưởng trực tiếp của hai đợt rét này.
Từ đầu tháng 3/2014, thời tiết liên tục có nhiều ngày âm u, mưa phùn nhỏ, độ ẩm không khí cao tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh như đạo ôn, khô vằn, đốm sọc vi khuẩn… phát triển cục bộ trên một số giống lúa. Bên cạnh yếu tố thời tiết, giá giống cây trồng, vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc đầu tư sản xuất của người nông dân.
Dù điều kiện thời tiết không thực sự thuận lợi, tuy nhiên, tổng diện tích gieo trồng cây vụ xuân 2014 trên địa bàn toàn TP vẫn đạt 126.137ha. Trong đó, diện tích lúa: 101.715ha, đạt 99,7% kế hoạch, nhưng thấp hơn vụ xuân 2013 là 900ha; diện tích cây màu: 24.237ha, đạt 97,7% kế hoạch. Một số huyện do chưa hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa nên còn một số diện tích chưa gieo cấy.
Đặc biệt, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất ngày càng được các địa phương chú trọng. Tính riêng vụ xuân 2014, diện tích lúa cấy bằng máy ước đạt 1.165ha (tập trung chủ yếu ở huyện Phú Xuyên); diện tích lúa gieo sạ đạt 3.285ha (trong đó, huyện Ba Vì dẫn đầu với 2.380ha). Bên cạnh đó, diện tích thâm canh lúa cải tiến tiếp tục được mở rộng với tổng diện tích ứng dụng đạt khoảng 50.000ha.
Chủ động phòng trừ
Để đảm bảo năng suất và chất lượng cây trồng vụ xuân, cũng như kế hoạch sản xuất vụ mùa và vụ đông 2014, đặc biệt là trong bối cảnh thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường về mức độ gây hại, các sở, ban, ngành của TP, trực tiếp là Sở NN&PTNT Hà Nội đã đề ra nhiều biện pháp, chỉ đạo đôn đốc việc thực hiện tại các địa phương. Trong đó, công tác phòng trừ sâu bệnh được đặc biệt quan tâm.
Theo ông Nguyễn Duy Hồng - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Hà Nội), nếu như những năm trước đây, một số bệnh như khô vằn, bạc lá… thường chỉ gây hại đến cây trồng vụ mùa thì nay vụ xuân và vụ đông cũng không nằm ngoại lệ. Cụ thể, trong vụ xuân 2014, đã có trên 400ha cây trồng các loại bị bệnh bạc lá, khoảng 1.200ha bị đốm sọc, gần 1.900ha lúa nếp mắc bệnh đạo ôn…
Theo đó, ông Nguyễn Duy Hồng khuyến nghị, các địa phương không nên kết thúc cấy lúa muộn trong vụ mùa vì sâu bệnh dễ phát sinh gây hại, ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng cây trồng. Đồng thời, cần làm tốt công tác dự tính, dự báo; Phòng trừ sinh vật hại cây trồng khi đến ngưỡng và theo nguyên tắc "4 đúng" (đúng lúc và đúng chỗ, đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ sử dụng, đúng cách), nhất là cần hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi mật độ sâu, tỷ lệ bệnh còn thấp,…
Ông Đào Duy Tâm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết thêm, từ nay đến cuối vụ xuân 2014, các địa phương cần tập trung chăm sóc lúa và hoa màu; Thường xuyên điều tra phát hiện sâu bệnh, phòng trừ kịp thời, hiệu quả, không để lây lan dịch ra diện rộng; Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú ý đến các đối tượng như sâu khoang, sâu xanh…, nhất là ở những địa phương các năm trước đã có dịch.
Bên cạnh công tác phòng trừ sâu bệnh, Sở NN&PTNT Hà Nội yêu cầu các địa phương cần đảm bảo đúng thời vụ gieo cấy; Tăng nhanh tỷ lệ giống lúa chất lượng cao có khả năng chống chịu sâu bệnh; Chủ động tiêu, tưới nước, phòng chống ngập úng; Mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các biện pháp thâm canh…
Có thể bạn quan tâm
Hiện hàng chục hộ nông dân ở xã Đông huyện Kbang (Gia Lai) đang khóc dở, mếu dở khi đã trồng giống bắp NK67, là sản phẩm mới của Công ty Syngenta, do Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang phân phối. Tưởng chừng như được vụ mùa thắng lợi nhờ thời tiết thuận lợi, nhưng chưa kịp vui mừng thì hàng chục ha bắp khi đến giai đoạn trổ cờ có dấu hiệu bị hư hỏng và đến nay coi như là mất trắng.
Khoai lang có xuất xứ từ Nhật Bản đang được bà con nông dân xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện - Gia Lai) trồng xen canh vào hai vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu cho năng suất và thu nhập khá cao. Trung bình 1 ha khoai lang đạt sản lượng 15-20 tấn, giá bán bình quân 5-6 triệu đồng/tấn, mỗi ha khoai lang trồng trừ chi phí còn lãi khoảng 45-55 triệu đồng.
Đến thời điểm này, các vùng nuôi tôm thương phẩm tỉnh Ninh Thuận đã vào vụ chính từ 1 đến 2 tháng, với diện tích đang nuôi khoảng 385 ha, chủ yếu tập trung ở các hộ có tiềm lực, cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh.
Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (TTKNKN) Kiên Giang đã triển khai mô hình nuôi cá chình trong ao tại huyện Vĩnh Thuận.
Phát huy lợi thế 127km chiều dài của hệ thống sông ngòi chảy qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh, những năm qua mô hình nuôi cá lồng trên sông đã từng bước được hình thành và phát triển. Do được nuôi trong môi trường nước lưu thông tự nhiên, hàm lượng ô-xi cao nên cá lớn nhanh, cho chất lượng thịt thơm ngon và rất được thị trường ưa chuộng.