Quảng Nam: Người Nuôi Tôm Ứng Phó Với Bão Số 11
Sáng 14.10, nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở Quảng Nam khẩn trương gia cố bờ ao, hạ thấp mực nước trong ao nuôi đề phòng tôm thoát ra bên ngoài, một số ao tổ chức thu hoạch sớm để “chạy” bão.
Ông Trần Công Thành, chủ 36 ao nuôi tôm thẻ chân trắng trên tại thôn 1 (xã Tam Hòa, Núi Thành - Quảng Nam) cho biết: “Mấy năm nay, nuôi tôm thẻ chân trắng không chịu tác động xấu của bão, lũ nên ai cũng nuôi quanh năm. Khi nghe bão số 11 đang đến gần, gia đình tôi khẩn trương thuê nhân công chằng chống lại các trại, chòi nuôi tôm. Do không thể xuất bán tôm mới chỉ nuôi được hơn 1 tháng nên tôi gia cố ao nuôi, tránh để tôm thoát ra bên ngoài. Ngoài ra chúng tôi cũng chuẩn bị dự trữ xăng dầu, lỡ có mất điện thì chạy quạt sục khí bằng máy diezen để đảm bảo cung cấp đủ ôxy cho tôm”.
Ông Ngô Bá Thọ ở thôn 5 (xã Tam Hòa) cho biết thêm, năm vừa rồi được mùa, được giá tôm thẻ chân trắng nên năm nay ông mở rộng diện tích nuôi tôm lên 10 ao (mỗi ao 1.000m2). Nghe tin bão lớn đang áp sát bờ, gia đình gấp rút thuê nhân công xúc đất đắp thêm bờ và khiêng đá chắn bờ ao. Ông Thọ lo lắng: “Cầu trời cho bão tan nhanh. Nếu mọi việc yên ổn thì điện sẽ không bị cắt. Nếu không thì với 10 ao nuôi, mỗi ngày gia đình chúng tôi phải tốn đến vài chục triệu đồng tiền dầu chạy máy nổ. Đã vậy, chúng tôi đang lo lượng ôxy cung cấp cho tôm nuôi khi dùng quạt sẽ không đảm bảo. Ngoài ra, hậu quả sau bão cũng là rất lớn khi môi trường nước trong ao nuôi biến đổi đột ngột, tôm khó đề kháng được”.
Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, hiện toàn tỉnh có khoảng 310ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng ở cả vùng cát ven biển và vùng triều ven sông chưa thu hoạch. Vào sáng 14.10, nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng triều tất bật thu hoạch tôm vì sợ ảnh hưởng của bão số 11 mực nước sông dâng cao, gây ngập lụt. Vừa kéo xong mẻ lưới thu hoạch tôm, ông Võ Cường (thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình, chủ 2ha ao nuôi tôm ở vùng triều), cho biết: “Bão đang đến, mực nước ở sông cũng đang lên nhanh. Nếu thu hoạch không kịp thì số tôm trong 4 ao nuôi của tôi có nguy cơ thất thoát. Chúng tôi đang liên hệ với các hộ mua tôm gần đây để bán. Lúc này, tôm nuôi tại các ao đã được 3 tháng tuổi nên có thu hoạch cũng không sớm. May là tranh thủ được các anh em gần nhà để hợp sức thu hoạch chứ không thì dễ mất trắng”.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho biết, ngành chức năng đang kết nối các ngành, các cấp và địa phương ven biển để khuyến cáo người nuôi trên địa bàn tỉnh nên chủ động hơn nữa trong việc chuẩn bị sẵn sàng các trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cần thiết để đề phòng bão lũ, tránh thất thoát tôm nuôi. “Bão số 11 đang ập vào bờ với diễn biến hết sức phức tạp nên các nông hộ phải linh hoạt chủ động ứng phó. Chúng tôi khuyến cáo các nông hộ khẩn trương bọc lưới quanh các ao nuôi để đề phòng nước có lên nhanh, tràn bờ thì tôm nuôi cũng không thoát ra ngoài được” - bà Tâm nói.
Có thể bạn quan tâm
Hải Tân là một xã thuộc vùng trũng của huyện Hải Lăng (Quảng Trị), người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những hộ dân sống bằng nghề chài lưới trên sông.
Ngày 7-11, tại Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) cùng Công ty cổ phần khử trùng Việt Nam (VFC) và Công ty Syngenta Việt Nam hợp tác để đưa ra phương pháp xử lý tuyến trùng cho cây cà phê tái canh.
Trung tâm Giống Nông nghiệp đang triển khai thực hiện Đề tài nuôi vỗ đàn cá tra được cải tạo di truyền thành cá tra bố mẹ, nhằm giúp các hộ sản xuất giống cá tra trong tỉnh Bến Tre có đàn cá bố mẹ được chọn lọc di truyền, cho ra những thế hệ con giống có tỷ lệ thịt phi lê cao và tăng trưởng nhanh.
Tỉnh Đồng Tháp hiện có 146 cơ sở sản xuất kinh doanh và 1.264 cơ sở ương giống thuỷ sản; đặc biệt, trong đó có 1.174 cơ sở nhân giống cá tra, sản xuất được hơn 28 tỷ cá bột và trên 2 tỷ cá tra giống. Các cơ sở không những cung ứng đủ giống cá tra trong tỉnh mà còn cung ứng 60 - 70% cá tra giống cho các tỉnh khu vực ĐBSCL.
Bao đời nay đời sống của người dân tại các vùng ven biển Quảng Trị nói chung và xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong nói riêng chủ yếu dựa vào nghề biển. Từ năm 2008, khi phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng rộ lên với nhiều gia đình trúng tiền tỷ từ con tôm thì giấc mơ đổi đời từ tôm đã có sức hút mạnh mẽ đối với người dân. Nhiều gia đình đã bỏ nghề đi biển để đầu tư tiền bạc, công sức vào nuôi tôm. Tuy nhiên, phần lớn người nuôi tôm cũng chỉ trúng vài vụ đầu, đến nay do dịch bệnh tràn lan đã khiến hàng trăm hộ gia đình nơi đây lâm vào cảnh nợ nần.