Hà Nam Phát Triển Đề Án Chăn Nuôi Bò Sữa
Chăn nuôi bò sữa là một ngành kinh tế kỹ thuật, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế và an sinh xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ dân. Chăn nuôi bò sữa cũng là biện pháp để xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn.
Năm 2002, tỉnh Hà Nam là một trong số các tỉnh miền Bắc triển khai phát triển đàn bò sữa theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành “Một số chính sách khuyến khích phát triển đàn bò sữa”. Đến nay, sau hơn mười năm phát triển, tổng đàn bò sữa của tỉnh Hà Nam là 546 con ở 113 hộ chăn nuôi.
Năng suất sữa bình quân 18 kg/con/ngày, giá sữa cao, ổn định, nhu cầu sữa trong nước và trên thế giới ngày càng tăng, tiêu thụ thuận lợi, tạo ra sản phẩm hàng hóa trị giá 15 - 16 tỷ đồng/năm. Việc chăn nuôi bò sữa đã chứng minh là nghề mới đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm ở nông thôn.
Thực tế cho thấy, đất đai của Hà Nam rất phù hợp phát triển trồng cỏ và cây nguyên liệu, có điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ và vận chuyển sản phẩm đến nhà máy chế biến sữa. Hiện nay, nghề nuôi bò sữa ở tỉnh ta có đủ điều kiện hình thành chuỗi sản xuất, chế biến sữa liên hoàn bởi sự kết hợp đồng bộ của 04 nhà: Nông dân, khoa học, quản lý và doanh nghiệp.
Các hộ chăn nuôi bò sữa đã nắm vững kỹ thuật, tích lũy được kinh nghiệm, làm chủ được quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng bò và sản xuất sữa. Mô hình chăn nuôi bò sữa phát triển sẽ tạo ra những sản phẩm hàng hóa lớn, người chăn nuôi có việc làm với thu nhập ổn định và có lãi.
Tuy nhiên, chăn nuôi bò sữa ở Hà Nam còn tồn tại một số hạn chế: Phát triển chăn nuôi thiếu quy hoạch, không gắn kết được để phát triển thành vùng tập trung. Các địa phương chưa quản lý tốt đàn bò, chưa có giải pháp quyết liệt để bố trí dành đất trồng cỏ chăn nuôi bò sữa nên hầu hết các chủ hộ chưa chủ động được hoàn toàn được thức ăn xanh cho bò.
Hà Nam chưa có đội ngũ kỹ thuật cơ sở chuyên về bò sữa nên hiệu quả tư vấn, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi còn hạn chế. Quy mô chăn nuôi của các hộ dân còn nhỏ, đất trồng cỏ còn hạn chế, chất lượng cơ giới hóa trong chăn nuôi thấp, chi phí cho sản xuất cao, tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi chưa được cải thiện.
Tốc độ phát triển đàn bò chậm, chăn nuôi còn mang tính thủ công, hộ dân chưa thực sự đầu tư cho chăn nuôi bò sữa và gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư.
Trước tình hình đó, Hà Nam đã và đang tiến hành xây dựng và phát triển đề án chăn nuôi bò sữa với với mục tiêu là phát triển chăn nuôi bò sữa nhanh và bền vững theo phương thức hộ gia đình với mô hình trang trại mẫu và chăn nuôi theo hộ, nhóm hộ, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho người dân; đẩy mạnh các hình thức liên kết, hợp tác trong chăn nuôi bò sữa, cung ứng thức ăn, tiêu thụ sản phẩm, chế biến sữa.
Mục tiêu đến năm 2015 tổng số đàn bò sữa của tỉnh khoảng 3.000 con và đến năm 2020 tổng số đàn bò sữa có khoảng 7.000 con, sản lượng sữa khoảng 25.000 đến 30.000 tấn đạt 400 tỷ đồng, chiếm 5% giá trị sản xuất nông nghiệp.
Cụ thể tỉnh sẽ tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch vùng phát triển bò sữa ở 03 huyện Lý Nhân, Duy Tiên, Kim Bảng, trong đó năm 2014 - 2015 tập trung ở 02 huyện Duy Tiên và Lý Nhân tại 02 xã trọng điểm là Mộc Bắc và Nguyên Lý. Sau năm 2015 sẽ phát triển chăn nuôi bò sữa ở các xã ven sông Hồng và sông Châu.
Các địa phương không thuộc vùng quy hoạch phát triển bò sữa sẽ tập trung phát triển các vùng nguyên liệu làm thức ăn cho bò; mở rộng diện tích thâm canh, sử dụng giống ngô, cỏ mới có năng suất, chất lượng cao; khuyến khích các hộ chuyển đổi đất trồng lúa, trồng màu sang trồng cỏ, ngô phục vụ cho các hộ chăn nuôi để làm thức ăn cho bò sữa.
Cùng thực hiện mục tiêu chung sức phát triển đàn bò sữa của tỉnh, thời gian tới Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hà Nam sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện để người dân phát triển đàn bò sữa được vay vốn với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ 70% giá trị mua bò cho các hộ gia đình tham gia đề án của tỉnh; chấp thuận cho người chăn nuôi bò được vay với thế chấp là vật nuôi, chuồng trại, thiết bị sản xuất, quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, ngân hàng cũng đề nghị tỉnh có cơ chế hỗ trợ cho các hộ dân nuôi bò sữa gặp rủi ro khách quan để người dân yên tâm phát triển chăn nuôi bò sữa. Công ty TNHH Friesland Campina Hà Nam cam kết thu mua toàn bộ số sản phẩm sữa bò và hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ cho người dân.
Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các ngành, các doanh nghiệp, sự ủng hộ của người dân cũng như kinh nghiệm hơn mười năm chăn nuôi bò sữa chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng mô hình chăn nuôi bò sữa ở Hà Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển và là hướng đi đúng đắn trong phát triển nông nghiệp của tỉnh nhà.
Có thể bạn quan tâm
Nghề nuôi hươu, nai ở xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu - Đồng Nai) đã có tiếng từ lâu nhưng làm sao để phát triển mạnh và có tính ổn định lâu dài là trăn trở của ông Nguyễn Đình Châu, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi hươu, nai Hiếu Liêm.
Kết quả nghiên cứu gần đây của Chi cục Thủy sản tỉnh Vĩnh Long so sánh hai cách cho cá tra ăn gián đoạn (gồm hai hình thức cho ăn là cho ăn liên tục 3 ngày ngưng 1 ngày, cho ăn liên tục 7 ngày ngưng 2 ngày) và cách cho ăn liên tục không nghỉ cho thấy, cá tra cho ăn theo hình thức cho ăn liên tục 7 ngày ngưng 2 ngày có những ưu điểm hơn hai cách kia.
Ông Nguyễn Văn Phích, ngụ ấp Tân Hưng, xã Tân Thới, huyện cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang) vốn là cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn nhưng với quyết tâm vượt khó, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương đã giúp anh xây dựng nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi với chi phí gần 600 triệu đồng
Tại 2 huyện Bình Đại và Ba Tri, số nghêu chết chiếm tỷ lệ 80 - 90%, một số nơi mất trắng. Theo thống kê sơ bộ, tổng số nghêu chết trị giá hơn 300 tỷ đồng
Năm 2011, Trung tâm Thủy sản Lào Cai đã xây dựng kế hoạch sát đúng với tình hình thực tế của ngành, địa phương, phát huy tính năng động, sáng tạo thực hiện có hiệu quả các hoạt động chuyên môn. Đặc biệt, trong sản xuất và cung ứng giống thủy sản