Góp Phần Làm Tốt Công Tác Phòng, Chống Dịch Bệnh
Chăn nuôi đang là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân trong tỉnh. Để bảo vệ đàn vật nuôi, kiểm soát dịch bệnh có vai trò đặc biệt quan trọng. Thời gian qua, mạng lưới thú y cơ sở luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần giúp chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi có hiệu quả..
Ông Nguyễn Phúc Lập, Tổ trưởng Tổ mạng lưới thú y phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Mạng lưới thú y của phường gồm 6 người, trong đó chỉ có tôi là được hưởng phụ cấp. Là phường nằm ở trung tâm thành phố, việc kiểm soát dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn gặp nhiều khó khăn khi ngoài 10 trang trại, gia trại chăn nuôi gà, lợn, người dân vẫn chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô nhỏ, lẻ.
Theo đó, hoạt động kinh doanh thịt gia súc, gia cầm tại các khu chợ trên địa bàn khá sôi động nên chúng tôi gặp nhiều trở ngại khi dịch bệnh xuất hiện trên đàn vật nuôi. Để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh chúng tôi luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các cụm loa tuyền thanh, qua các cuộc họp ở tổ dân phố, từ đó đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân; phối hợp với các tổ dân phố tổ chức cho bà con ký cam kết không giấu dịch khi dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi.
Vào các đợt tiêm phòng, chúng tôi phải đến từng hộ vận động và triển khai tiêm ngay tại khu vực chăn nuôi của gia đình. Nhờ đó, kết quả tiêm phòng hằng năm của phường luôn đạt cao. Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn không xuất hiện các loại dịch bệnh nguy hiểm ở đàn gia súc, gia cầm.
Ngoài Thịnh Đán, các Tổ mạng lưới thú y ở nhiều địa phương trong tỉnh cũng luôn hoàn thành nhiệm vụ của được giao như làm tốt công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi tại địa phương; quản lý giám sát, báo cáo tình hình dịch bệnh; kiểm tra vệ sinh thú y, sản phẩm động vật; tiêm phòng theo sự chỉ đạo của Chi cục Thú y (mỗi năm 2 đợt); thực hiện các chương trình chuyển giao, áp dụng KHKT trong công tác bảo vệ đàn gia súc theo các dự án, đề tài; thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng định kỳ đường làng, ngõ xóm, chuồng trại, khu vực chăn nuôi, ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao.
Cùng với đó là tham gia tích cực trong việc phát hiện, điều trị bệnh cho đàn vật nuôi; thông tin, báo cáo về tình hình dịch bệnh kịp thời, chính xác, giúp cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn xử lý kịp thời tại chỗ với các diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Theo thông tin từ Chi cục Thú y, hiện nay, toàn tỉnh có 180 tổ trưởng mạng lưới thú y xã, phường, thị trấn và 153 thú y viên cơ sở. Các tổ trưởng mạng lưới thú y cấp xã đã thành thạo với các kỹ thuật lấy mẫu, điều tra ổ dịch, thực hiện đúng chế độ báo cáo, đủ nội dung theo yêu cầu; 100% cán bộ thú y đã được chế độ phụ cấp, được trang bị các loại phương tiện vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.
Đặc biệt, các tổ trưởng mạng lưới thú y cấp xã đều đã có trình độ từ trung cấp chuyên ngành Chăn nuôi thú y trở lên. Các thú y viên cơ sở đều có trình độ sơ cấp.
Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y nhận định: Từ thực tế cho thấy, mạng lưới thú y cơ sở là cánh tay phải đắc lực, góp phần giúp cho công tác quản lý Nhà nước về thú y trên địa bàn tỉnh ngày càng tốt hơn. Nhất là trong việc phát hiện, khai báo kịp thời dịch bệnh trên đàn vật nuôi với chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn cấp trên; tham gia tích cực trong lĩnh vực thực hiện các biện pháp chuyên môn phòng, chống, dập dịch tại địa phương; phối hợp thực hiện các hoạt động khác về quản lý công tác thú y tại địa phương như kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, quản lý thuốc thú y và công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm...
Không thể phủ nhận những đóng góp của mạng lưới thú y cơ sở, tuy nhiên ở một vài nơi trong tỉnh, hoạt động của lực lượng này vẫn còn những hạn chế như coi công việc thú y là việc làm thêm, dễ làm, khó bỏ; các tổ mạng lưới thú y không được trang bị phương tiện vật tư phục vụ hoạt động chuyên môn (tủ lạnh, máy phun động cơ, bảo hộ lao động, hộp xốp)…
Do đó, để từng bước củng cố mạng lưới thú y cơ sở các cấp, ngành chức năng nên quan tâm, cải thiện điều kiện hoạt động và nâng cao năng lực cho cán bộ thú y cấp xã; tăng cường việc đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ thú y cơ sở về chuyên môn và trình độ quản lý Nhà nước để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao nhất, đặc biệt là việc lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán bệnh kịp thời.
Từng bước trang bị các phương tiện, vật tư để phục vụ hoạt động chuyên môn, đặc biệt các phương tiện phục vụ công tác phòng, chống dịch tại các địa bàn chăn nuôi trọng điểm của tỉnh...
Có thể bạn quan tâm
Sáng ngày 22/6/2012, tại văn phòng Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ở Tp HCM đã diễn ra cuộc họp báo về chương trình hội chợ triễn lãm thủy sản quốc tế Vietfish 2012
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên nền đất lúa, tạo ra cơ cấu sản xuất phù hợp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hộ nông dân, tỉnh Tiền Giang sẽ triển khai Dự án Phát triển mô hình cá + lúa trên nền đất ngập lũ.
Dự án Phát triển mô hình trồng cây sa nhân tím phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa tại cao nguyên Vân Hòa (huyện Sơn Hòa) do Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ Phú Yên thực hiện được triển khai từ giữa năm 2008 với 3 mô hình
Ông Quang là người tiên phong trong sản xuất kết hợp 1 vụ lúa - 1 vụ tôm ở huyện U Minh. Ông Quang cho biết, vụ nuôi tôm thứ hai sau chuyển dịch ông đã cấy thử 3 công lúa. Vụ này, do chưa có kinh nghiệm trong khâu rửa mặn nên lúa không sống được. Ông vẫn quyết tâm thực hiện cho kỳ được
Thực phẩm chuyển gen (GMF) là những thực phẩm được sinh ra hay chế biến từ các cơ thể chuyển gen (GMO- genetically modified organisms). Việc chuyển các gen có lợi vào cây trồng hay vật nuôi là một thành tựu vĩ đại của kỹ thuật di truyền (genetic engineering). GMF xuất hiện từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước với các cây thực phẩm như lúa mỳ, đậu tương, ngô, cà chua...