Gói Tín Dụng Vực Dậy Ngành Cá Tra Cần Cơ Chế Thông Thoáng
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá tra, ngành hàng xuất khẩu chủ lực của vùng ĐBSCL, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước nhanh chóng triển khai việc cho vay với lãi suất ưu đãi cho chăn nuôi và thủy sản. Tuy nhiên, đến thời điểm này nguồn vốn ưu đãi vẫn còn "xa tầm với" của doanh nghiệp (DN) và người nuôi cá. Vẫn khó tiếp cận vốn
Gói tín dụng 9.000 tỉ đồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề xuất vào thời điểm cuối tháng 6-2012 tại Hội nghị sơ kết sản xuất và tiêu thụ cá tra 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2012 diễn ra tại Đồng Tháp. Khi đó, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL từ 18.000 - 22.000 đồng/kg, giá thành sản xuất ở mức 23.800 - 24.200 đồng/kg. Các địa phương, DN tham gia hội nghị đều khẳng định việc bơm vốn cho DN, người nuôi cá sẽ giúp vực dậy giá cá tra nguyên liệu và cần phải làm khẩn cấp mới phát huy tác dụng.
Trung tuần tháng 7, Bộ NN&PTNT có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách cấp bách hỗ trợ sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, trong đó có sản phẩm cá tra. Đến ngày 8-8-2012, Thủ tướng Chính phủ ra Công văn số 1149/TTG-KTN "Về chính sách đối với chăn nuôi và thủy sản". Thủ tướng Chính phủ giao NHNN Việt Nam chỉ đạo các NHTM Nhà nước thực hiện việc giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất đối với các khoản vốn đã vay; tiếp tục cho vay mới với lãi suất thị trường thấp nhất (11%/năm) đối với chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cho hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu.
Ngày 20-8-2012, NHNN Việt Nam có Văn bản số 5294/NHNN-TD "Về việc cho vay phục vụ chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm và cá tra", giao cho 5 NHTM Nhà nước gồm Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Nhà ĐBSCL triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
NHNN Việt Nam đã chỉ đạo các NHTM rà soát, đánh giá lại các khoản nợ cũ của khách hàng tính đến thời điểm 15-8-2012 và thực hiện điều chỉnh, giảm lãi suất đối với các khoản nợ cũ của khách hàng, giãn nợ tối đa 24 tháng đối với những trường hợp khách hàng tạm thời gặp khó khăn chưa trả được nợ đúng hạn. Đồng thời, tiếp tục cho vay mới theo cơ chế vay thông thường đối với khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh khả thi với mức lãi suất cho vay tối đa không quá 11%/năm mà không phụ thuộc vào việc khách hàng có dư nợ cũ đã được cơ cấu lại.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Thới An (quận Ô Môn), cho biết: "Đầu năm 2012 lãi suất ngân hàng cho người nuôi cá là 17%/năm, đến nay đã giảm xuống còn 14,5%. Riêng gói cứu trợ của Chính phủ với lãi suất 11%/năm hợp tác xã vẫn chưa tiếp cận được. Để vay được vốn ưu đãi, người nuôi phải trả cả gốc lẫn lãi. Khi gói cứu trợ được công bố, nguời nuôi chưa bán được cá thì không có tiền trả nợ ngân hàng để được vay lại".
Cần cơ chế thông thoáng
Tính đến tháng 9, tổng diện tích nuôi cá tra toàn thành phố là 809 ha. Trong đó có 3 hợp tác xã và 9 tổ hợp tác nuôi cá tra, diện tích gần 47,5 ha; 9 hộ tham gia liên kết sản xuất với nhà máy, diện tích khoảng 12 ha, 6 DN tham gia nuôi cá với 86 ha. Riêng số hộ nuôi đơn lẻ là 364 hộ với diện tích gần 663,5 ha. Ông Trần Phước Đời, hộ dân nuôi cá phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, cho biết: "Do nuôi nhỏ lẻ, chưa liên kết với DN nên tôi thường xuyên phải đối mặt với nỗi lo cung vượt cầu, cá tra rớt giá. Thời gian qua, có một số DN chế biến thủy sản đã đến mời tôi liên kết để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy. Vì vậy, tôi đang cân nhắc đến việc nuôi gia công cho DN nhằm giảm các chi phí đầu tư về thức ăn, con giống". Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu dao động từ 20.000 đồng - 21.000 đồng/kg và người nuôi vẫn tiếp tục thua lỗ.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, tính đến tháng 8-2012, dư nợ cho vay để sản xuất và tiêu thụ cá tra trên địa bàn thành phố là 5.688 tỉ đồng. Trong đó dư nợ cho vay nuôi cá tra là 1.446 tỉ đồng, dư nợ cho vay chế biến cá tra là 4.242 tỉ đồng. Cuối tháng 9, Đoàn công tác liên ngành của Chính phủ đã đến làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ, NHNN Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ, Sở Công thương, Sở NN&PTNT về việc triển khai chính sách hỗ trợ vốn cho DN và người nuôi cá tra.
Về phía thành phố cũng đã báo cáo với đoàn xoay quanh việc người nuôi và DN vẫn chưa tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất cho sản xuất và tiêu thụ cá tra. Người nuôi không có tiền tái đầu tư, trang trải chi phí thức ăn, DN không có tiền thu mua cá. Vì vậy, thành phố đã đề nghị Đoàn công tác liên ngành tiếp tục trình Chính phủ chỉ đạo ngành ngân hàng có chính sách thông thoáng nhằm giúp người nuôi sớm tiếp cận với gói tín dụng ưu đãi và thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn hiện nay.
Giảm lãi suất là mong mỏi lớn nhất của người nuôi cá, vì nếu không có vốn để tái đầu tư sản xuất, không có đầu ra ổn định thì sớm muộn gì nguời nuôi cá sẽ bị gạt ra khỏi chuỗi giá trị nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra. Trong khi đó, các DN cần vốn để mua nguyên liệu phục vụ cho các đơn hàng xuất khẩu cũng vấp phải khó khăn do ngân hàng e ngại nợ xấu, giảm hạn mức cho vay. Theo ông Nguyễn Minh Thạnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, gói hỗ trợ lãi suất là chủ trương đúng đắn của Chính phủ nhằm hỗ trợ cho ngành hàng xuất khẩu cá tra chủ lực của ĐBSCL.
Tuy nhiên, nếu các NHTM chi nhánh không thay đổi điều kiện cho vay, vẫn cho vay theo cơ chế thông thường, yêu cầu DN phải có nền tài chính minh bạch, người nuôi phải có tài sản thế chấp thì DN lẫn người nuôi vẫn khó tiếp cận vốn. Chỉ khi nào các NHTM chi nhánh áp dụng các cơ chế cho vay thông thoáng thì người nuôi và DN mới có khả năng vay vốn để phục vụ sản xuất, chế biến.
Có thể bạn quan tâm
Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, hơn 1.800 ha cao su đã bị chặt hạ. Riêng huyện Bù Đốp đã có tới gần 400 ha cao su bị chặt phá để thay thế bằng cây tiêu và điều.
Những ngày qua, giá hành tím tại thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) bắt đầu tăng trở lại hơn gấp 5 lần so với trước khi “giải cứu”. Đã xuất hiện tình trạng găm hàng chờ giá cao.
Ngày 21/5, tiếp tục chương trình xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2015, UBND tỉnh Bắc Giang và UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị xúc tiến xuất khẩu (XK) vải thiều tại tỉnh Lạng Sơn nhằm tạo mọi điều kiện hỗ trợ tối đa tiêu thụ vải thiều.
Chỉ còn gần một tháng nữa Bắc Giang sẽ bước vào vụ thu hoạch vải thiều. Rút kinh nghiệm từ bài học của dưa hấu, hành tím..., vụ vải năm 2015, Bắc Giang đã chuẩn bị rất sớm, chủ động kết nối tiêu thụ vải tại thị trường nội địa, xúc tiến xuất khẩu vải giá cao vào các thị trường khó tính.
Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng kéo dài, kéo theo nhu cầu tiêu thụ chanh tươi làm nước giải khát gia tăng, trong khi đó sản lượng chanh giảm do ảnh hưởng thời tiết khô hạn.