Gỡ khó ngay cho doanh nghiệp chăn nuôi

Mục tiêu là ngành chăn nuôi đứng vững và phát triển khi hội nhập
Tại cuộc gặp gỡ DN chăn nuôi diễn ra hôm qua (14/5) tại TP HCM, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị tập trung tháo gỡ ngay các vướng mắc, khó khăn và giải tỏa nỗi lo của DN về nguy cơ “đổ vỡ” ngành chăn nuôi khi VN trở thành thành viên của các Hiệp định tự do thương mại ASEAN, FTA, TPP…
Ông Phạm Đức Bình, Tổng Giám đốc Cty Thanh Bình (Đồng Nai), không ngần ngại đưa ra bức tranh xám xịt: “Khi VN mở cửa, nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng, tôi đoán thịt nhập sẽ “đè chết” thịt trong nước.
Nếu kịch bản này xảy ra, ngành chăn nuôi VN khỏi cần nhập bắp, đậu nành, nguyên liệu TĂCN mà cứ nhập luôn thịt về ăn cho khỏe. Dự báo khi ký kết TPP, giá thịt sẽ giảm rất mạnh, chúng tôi cứ đầu tư vào chăn nuôi thì có thể thua lỗ, phá sản”.
Ông Bình cũng nhắc đi nhắc lại sự vô lý về tiêu chuẩn môi trường nước thải chăn nuôi (do Bộ Tài nguyên - Môi trường quy định): “Nếu nước thải đạt loại A thì chúng ta uống được, loại B thì cũng tắm được. Nếu vậy DN chăn nuôi luôn trong tư thế phạm luật. Biết là không thể thực hiện mà vẫn quy định là phi lý, cản trở sự phát triển”.
Tương tự, đại diện Cty CP Nông súc sản Đồng Nai phản ánh, Cty nuôi tới 3.000 heo nái, nhưng cũng chẳng thể thoát khỏi sự lệ thuộc vào giá bán của DN chăn nuôi nước ngoài. Hằng ngày, Cty muốn tiêu thụ heo đều phải hỏi bên DN nước ngoài bán giá bao nhiêu để… bán theo!
Vị này cho rằng, nếu cứ để cho các DN nước ngoài thoải mái phát triển không có điểm dừng, thì trước sau cũng sẽ dẫn đến độc quyền, chi phối và khuynh đảo thị trường.
Còn ông Trương Vũ Nghi, DN chuyên SX và XK trứng muối tại ĐBSCL thông tin: Việc thu phí kiểm dịch trứng gia cầm đang “có vấn đề”. Cụ thể, Cty muốn xuất một lô hàng lên TP HCM, ngoài phí kiểm dịch tại Cty, khi đi qua Long An và Tiền Giang lại tiếp tục mất phí kiểm dịch khiến chi phí đội lên.
Ông Nghi còn đề nghị điều chỉnh tăng thêm thời gian ghi trong giấy chứng nhận kiểm dịch XK (hiện có giá trị 45 ngày), bởi DN từng xuất hàng qua Singapore hơi chậm, giấy hết hạn, lô hàng bị buộc trả về, gây thiệt hại lớn cho DN.
Ông Lê Thanh Vân, Chủ tịch, Tổng GĐ Cty CP Ong mật Đăk Lăk thì lo lắng: VN đang đứng đầu các nước XK mật ong vào Mỹ, nhưng lại bị nước này lập rào cản thương mại khi yêu cầu hàng của VN khắt khe hơn một số nước khác. Vì thế, đề nghị Bộ NN-PTNT làm việc với phía bạn để tháo gỡ khó khăn này…
Một số DN khác cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến thủ tục chứng nhận và XK gà giống đặc sản của VN; xem xét cho lưu hành chất Ractopamin giúp tăng độ nạc trong chăn nuôi (Mỹ cho phép sử dụng với ngưỡng hạn chế).
Điều này nhằm ngăn chặn việc người chăn nuôi lén lút sử dụng các chất tạo nạc độc hại khác; quy định thông thoáng hơn về việc cấp phép TĂCN có bổ sung thành phần mới…
Ghi nhận các ý kiến trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã liên tục chỉ đạo hai Cục Thú y và Cục Chăn nuôi giải quyết ngay các vướng mắc cho DN, việc nào ngoài thẩm quyền thì báo cáo để Bộ tổng hợp xin ý kiến Chính phủ hoặc làm việc với các Bộ, ngành liên quan để giải quyết rốt ráo.
“Ngay sau cuộc họp này, Cục Chăn nuôi và Cục Thú y dự thảo và thông báo ngay cho các DN về các chỉ đạo của Bộ trưởng để theo dõi có được thực hiện quyết liệt, đúng tiến độ hay không. Tôi đề nghị các DN sẽ giám sát việc thực hiện các chỉ đạo này. Mục tiêu của chúng ta là ngành chăn nuôi đứng vững và phát triển được. Chăn nuôi không chỉ ảnh hưởng đến các DN mà ảnh hưởng đến hàng chục triệu bà con nông thôn, vì thế, cái gì làm được cho ngành chăn nuôi chúng ta phải thực hiện ngay", Bộ trưởng Cao Đức Phát. |
Bộ trưởng khẳng định: Xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế đồng nghĩa với mở cửa, các DN phải sẵn sàng với tinh thần cạnh tranh. Bộ NN-PTNT sẽ làm hết sức mình để giúp DN trụ vững và phát triển được trong môi trường hội nhập.
Về đàm phán TPP, Bộ sẽ sớm công bố những gì đã ký kết để DN chủ động theo dõi bằng cách mở các hội nghị chăn nuôi chuyên đề sâu xoay quanh Hiệp định này.
Về quản lý các DN chăn nuôi nước ngoài, Bộ trưởng cho biết đang trình Chính phủ ra Nghị định nêu rõ các DN nước ngoài được đầu tư hạng mục nào, đầu tư đến đâu, giới hạn ra sao…
“Chúng tôi không cho phép hình thành việc thao túng, độc quyền trong chăn nuôi, thị trường phải được cạnh tranh minh bạch”, Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp thu các thành tựu tiên tiến của nhân loại, nhập giống tốt về VN để chăn nuôi, đồng thời sẽ sửa các quy định nhập giống cho thông thoáng hơn.
Cục Chăn nuôi cũng được giao niệm vụ rà soát các quy định để cho phép đưa toàn bộ chất thải (phân) chăn nuôi được sử dụng bón trên đồng ruộng (như cách làm của các nước phát triển).
Cục Thú y được giao nhiệm vụ hướng dẫn ngay cho các DN đang có nhu cầu XK gà giống, trứng thương phẩm sang các nước; nếu có vướng ở thị trường nào, Bộ sẵn sàng vào cuộc để tháo gỡ và mở thêm các thị trường mới để XK.
Về rào cản thương mại XK mật ong sang Mỹ, Bộ trưởng cho biết sẽ có công văn gửi cho Bộ trưởng Nông nghiệp nước này để tháo gỡ theo đúng quy định quốc tế.
Liên quan việc DN phản ánh có tình trạng thu phí kiểm dịch trứng tràn lan, Bộ trưởng khẳng định: “Bộ NN-PTNT không có chỉ đạo nào như thế. Tôi yêu cầu Cục Thú y kiểm tra ngay vì quy định chỉ cho phép thu phí kiểm dịch 1 lần, việc thu phí kiểm dịch như vậy là phạm luật, phải chấm dứt ngay".
Có thể bạn quan tâm

Giữa tháng 11-2014, trang trại Delta (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM), thuộc Tập đoàn Daso, nhập về gần 1.800 con bò Úc để nuôi lấy thịt. Được biết nơi đây từng là trại nuôi bò sữađiển hình của TP HCM với 800 con nhưng hiệu quả không cao.

Điển hình như Trung tâm Chăn nuôi công nghệ cao Vinashin, quy mô 200 nái và 1.000 lợn thịt; Trung tâm Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Hòa Bình Minh, quy mô trên 5.000 con; Công ty TNHH Bình An, quy mô 218 nái sinh sản và 1.000 lợn thịt; trang trại chăn nuôi của ông Phùng Quang Hà ở xã Nga Quán (Trấn Yên), quy mô 600 nái; Hợp tác xã Phù Nham (Văn Chấn) với quy mô 75 con bố mẹ và 500 con thương phẩm.

Cụ thể, giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản tháng Tám ước đạt 114 triệu USD, đưa kim ngạch nhập khẩu 8 tháng đầu năm đạt 720 triệu USD, tăng đến 73% so với cùng kỳ năm 2013. Việt Nam nhập khẩu thủy sản chủ yếu từ Ấn Độ (chiếm 33,5% kim ngạch), Đài Loan (6,9%). Với tỷ lệ 3,1%, Trung Quốc là nguồn cung thủy sản thứ 8 cho Việt Nam.

Chuỗi liên kết triển khai có sự liên kết chặt chẽ giữa người dân với Hợp tác xã Tân Phú A1 và mối liên kết giữa Hợp tác xã và doanh nghiệp nên việc cung ứng giống lúa, vật tư nông nghiệp triển khai tốt. Dự án được triển khai mang lại hiệu quả cao hơn ngoài vùng dự án, và thể hiện tốt trách nhiệm của doanh nghiệp trong quá trình triển khai.

Ngày 23-4, tại TP.Bà Rịa, Chi cục Phát triển nông thôn đã tổ chức lễ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Hồ tiêu BR-VT” nhằm đảm bảo việc kiểm soát chất lượng, xúc tiến thương mại, nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng sản phẩm, đồng thời nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm này.