Gỡ Khó Cho Việc Phát Triển Cây Cacao Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, ông Nguyễn Văn Hòa, khẳng định nhu cầu của thị trường thế giới đối với hạt cacao là rất lớn và đây là loại cây trồng xen dưới vườn dừa, vườn cây ăn trái bền vững nhất hiện nay.
Tại hội thảo “Bài học kinh nghiệm tại Bến Tre và các giải pháp phát triển cacao bền vững cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” tổ chức ở Bến Tre ngày 31/7, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Nguyễn Văn Hòa khẳng định nhu cầu của thị trường thế giới đối với hạt cacao là rất lớn và đây là loại cây trồng xen dưới vườn dừa, vườn cây ăn trái bền vững nhất hiện nay.
Tuy nhiên, việc phát triển diện tích cây cacao cũng như các vấn đề thu mua, sơ chế hạt vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Bến Tre là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích cacao. Việc phần lớn cacao tại Bến Tre được trồng xen trong vườn dừa đã giúp nông dân tăng thu nhập gần gấp đôi trên cùng diện tích. Đặc biệt, chất lượng hạt cacao Bến Tre được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn chuyên thu mua, sản xuất chocolate như Cargill, Puratos Grand Place đánh giá cao.
Mặc dù vậy, các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, cacao vẫn là loại cây trồng mới nhưng có nhiều sâu bệnh gây hại; kỹ thuật trồng, chăm sóc, sơ chế hạt khá phức tạp và mới mẻ đối với nông dân; thêm vào đó, cây cacao cũng bị một số loại cây ăn trái khác như bưởi da xanh, cam, chanh… cạnh tranh gay gắt khiến nông dân nản lòng với loại cây này. Ngoài ra, hệ thống thu mua, sơ chế chưa được xây dựng đồng bộ cũng gây ra nhiều khó khăn cho nông dân khiến họ “quay lưng” với cây cacao.
Để phát triển cacao bền vững cho cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, nhiều đại biểu tham gia hội nghị cho rằng, các địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ khâu nghiên cứu, tuyển chọn giống cho người trồng, đồng thời, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho nông dân. Đặc biệt, việc phát triển diện tích cacao cần tập trung hơn, mỗi khu vực tối thiểu phải đạt 20ha để thuận lợi cho việc thu mua, sơ chế của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nâng mức thưởng đối với cacao đạt chứng chỉ UTZ - chứng nhận chất lượng tốt bên trong của sản phẩm nông nghiệp để khuyến khích nông dân canh tác theo tiêu chuẩn này.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre, toàn tỉnh hiện có gần 5.000ha cacao, giảm gần một nửa so với năm 2012. Nguyên nhân do giá quá thấp khiến nông dân ồ ạt đốn bỏ cacao vào cuối năm 2012, đầu 2013 để chuyển đổi cây trồng mới như bưởi da xanh, cam, chanh. Hiện toàn tỉnh Bến Tren có 127 điểm thu mua, sơ chế hạt cacao, cơ bản thu mua, sơ chế kịp thời cacao cho nông dân.
Điểm đáng chú ý, một số công ty, tập đoàn lớn như Cargill, Puratos Grand Place, Mars có chủ trương gắn bó lâu dài với địa phương bằng việc xây dựng hệ thống trạm thu mua, sơ chế, trong đó Công ty Puratos Grand Place đã xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy sơ chế hạt cacao với công suất 2.000 tấn hạt/năm.
Có thể bạn quan tâm
Hơn phân nửa số người nuôi cá tra ở tỉnh An Giang hiện nay đành chấp nhận treo ao, số còn lại một phần đang thoi thóp đeo bám nghiệp nuôi cá tra và có một số người đã đem con cá lóc về nuôi ngay trong ao cá tra với hy vọng làm giảm bớt khoản nợ nần từ nghề nuôi cá tra trước đó để lại.
Những năm qua, cùng với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đẩy mạnh các phong trào thi đua, Hội Nông dân thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) đã tranh thủ nhiều nguồn của các cấp hội, tạo mọi điều kiện để hội viên được vay vốn phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống.
Năm 2010, Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam (Đông Hòa - Phú Yên) đã tiến hành nuôi thử nghiệm giống heo rừng lai với mục đích dùng sản phẩm thịt để nâng cao chất lượng bữa ăn cho cán bộ chiến sĩ trong đồn. Cùng với việc phục vụ nhu cầu của đơn vị, sau hơn 2 năm triển khai, mô hình này đã có hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Nhờ thời tiết thuận lợi cho việc thả tôm nuôi, từ đầu năm đến nay, nông dân huyện Thuận Nam thả nuôi được 127 ha tôm, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, tăng 50 ha so với cùng kỳ tập trung ở xã Phước Dinh. Nông dân địa phương đã thu hoạch 90 ha đạt sản lượng 1.344 tấn tôm thịt và xuất bán 246 triệu con tôm Post 15.
Thời gian qua, tại một số địa phương, người dân đã tự phát nuôi Guinea pig hay còn gọi là chồn nhung đen để lấy thịt. Tuy nhiên, hiện nay chồn nhung đen chưa có tên trong danh sách các vật nuôi nông nghiệp, không rõ nguồn gốc và chưa có kết quả khảo nghiệm của các cơ quan chuyên môn. Do vậy chưa có căn cứ đánh giá mặt tích cực, cũng như tác hại của chồn nhung đen, đồng thời cũng chưa có căn cứ kết luận về giá trị dinh dưỡng và chất lượng thịt của vật nuôi này.