Vững Tin Giảm Nghèo
Sau 10 năm (2003-2012) tham gia hoạt động ủy thác tín dụng ưu đãi với Ngân hàng CSXH, các cấp Hội Cựu chiến binh Việt Nam (CCBVN) đã góp phần giảm nghèo, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho hội viên.
Phó Chủ tịch Hội CCBVN Nguyễn Văn Đạo cho biết, tính đến ngày 30.5.2013, dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH ủy thác qua Hội CCBVN đạt hơn 17.181 tỷ đồng, với hơn 1,042 triệu hộ hội viên đang có dư nợ.
Xưa thắng giặc, nay thắng nghèo
Năm 2006, thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) của Hội CCB, ông Hoàng Văn Túc, hội viên thôn Nà Coóc, xã Bộc Bố (Pác Nặm, Bắc Kạn) vay 20 triệu đồng vốn hộ nghèo từ Ngân hàng CSXH. Ông Túc dùng số vốn vay được đầu tư cải tạo hơn 2.000m2 ruộng lúa năng suất thấp sang làm ao nuôi cá.
5 năm trở lại đây, ao cá gia đình ông Túc luôn cho thu nhập 30 triệu đồng/năm. Gia đình CCB Lê Văn Hoàng, ấp Tân An, xã Tân Xuân (Ba Tri, Bến Tre) cách đây chưa lâu vẫn thuộc diện nghèo. Năm 2010, ông Hoàng được vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH. Với số vốn vay cùng với gom thêm 4 triệu đồng tiết kiệm của gia đình, ông mua được cặp bò mẹ. Sau gần 1 năm, cặp bò mẹ đẻ 2 bê con.
Nuôi một thời gian, ông bán cặp bê được 26 triệu đồng. Hiện gia đình ông có 3 con bò mẹ, trong đó 2 con sắp đẻ, 1 con mới đậu tinh. “Từ khi vay vốn nuôi bò sinh sản, mỗi năm gia đình tôi có thêm khoản thu nhập hơn 20 triệu đồng...” - ông Hoàng chia sẻ.
Theo Hội CCBVN, qua khảo sát ở các địa phương, chỉ sau 1-3 năm vay vốn ưu đãi, hội viên không chỉ trả được nợ gốc và lãi mà còn có tiền tiết kiệm. Tại nhiều địa phương, không chỉ dư nợ tín dụng tăng mà chất lượng tín dụng cũng ngày càng được nâng cao.
Ông Nguyễn Đình Minh - Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Nghệ An cho biết, nếu như năm 2003, dư nợ vốn ưu đãi qua “kênh” Hội CCB trên địa bàn tỉnh chỉ vỏn vẹn hơn 33,3 tỷ đồng, thì đến nay tới hơn 1.172 tỷ đồng, tăng gấp 35 lần. “Với tinh thần xưa thắng giặc, nay thắng đói nghèo, nhiều hội viên đã đầu tư hiệu quả vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nuôi con em ăn học…” - ông Minh cho hay.
Giải ngân theo dự án
Triển khai các dự án kinh tế tiểu vùng sử dụng vốn vay ưu đãi là cách làm đã được Hội CCBVN và Ngân hàng CSXH thống nhất thực hiện. Từ năm 2004, cách làm này đã cho hiệu quả tốt khi triển khai thí điểm ở Phú Thọ, Hòa Bình, Bắc Giang, Yên Bái, Lai Châu...
Tại 2 dự án chăn nuôi và nuôi cá với số vốn đầu tư ban đầu 800 triệu đồng do Hội CCB tỉnh Hòa Bình là chủ đầu tư, sau 2 năm triển khai, đến nay đàn bò đã tăng thêm 100 con; 10 lồng cá phát triển tốt. Tại Phú Thọ, Hội CCB đã xây dựng được 83 dự án cho các huyện, xã miền núi đặc biệt khó khăn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Riêng huyện Thanh Sơn trong 3 năm phát triển được hơn 300 con trâu, bò; tạo việc làm cho hơn 100 lao động…
Ông Đinh Văn Thiện - Chủ tịch Hội CCB xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn cho biết, năm 2006, dự án chăn nuôi bò sinh sản được Ngân hàng CSXH cho vay 500 triệu đồng với 50 hộ tham gia. Sau 3 năm, số bò dự án đã tăng lên 197 con, trị giá hơn 1,9 tỷ đồng. Ngoài ra, bà con trồng được 1,6ha cỏ, tu sửa, làm mới 58 chuồng trại. 100% hộ vay đã trả nợ gốc, lãi đúng kỳ hạn tạo niềm tin cho nhiều hộ ở địa phương về phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập…
Có thể bạn quan tâm
Trên địa bàn tỉnh Nam Định hiện có 52 trại sản xuất giống thuỷ sản, mỗi năm sản xuất trên 8 tỷ con giống các loại, dẫn đầu các tỉnh miền Bắc và bắc miền Trung. Chất lượng giống thuỷ sản sản xuất trong tỉnh được đánh giá cao không chỉ đáp ứng nhu cầu nuôi trong tỉnh mà còn cung cấp lượng giống khá lớn cho các tỉnh miền Bắc và bắc miền Trung.
Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ phối hợp với Trạm Khuyến nông Thanh Thủy và Công ty TNHH Dekalb Việt Nam thực hiện mô hình trồng ngô mật độ cao trên diện tích 3 ha. Mô hình trồng thử nghiệm giống ngô DK8868, với khoảng cách hàng cách hàng 60-65 (cm), cây cách cây 20-25 (cm) kết hợp bón phân NPK khép kín, mật độ 6,5-7 vạn cây/ha.
Với tiềm năng về thuỷ sản với hơn 220.000 ha nuôi tôm, trong đó có trên 5.000 ha tôm nuôi công nghiệp, tuy nhiên, gần đây có gần 400 ha tôm bị bệnh mà nguyên nhân được ngành chức năng xác định là do dịch bệnh, tôm bị nhiễm độc. Yêu cầu thực tế đặt ra là tìm một hướng đi mới nhằm đa dạng hơn nữa nghề nuôi tôm.
Những năm qua, nhất là kể từ sau khi triển khai thực hiện Đề án tôm - lúa, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) trong toàn tỉnh không ngừng tăng lên.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kiên Giang, quy hoạch đến năm 2015, tổng diện tích nuôi tôm công nghiệp của tỉnh là 20.000 ha, tập trung ở 2 huyện Kiên Lương và Giang Thành, trong đó kế hoạch năm 2013 này thả nuôi khoảng 2.000 ha.