Ngành Chăn Nuôi Cần Ngăn Ngừa Bùng Phát Dịch Bệnh
Đồng hành với việc chăn nuôi phát triển là dịch bệnh xuất hiện. Khoảng 1 thập niên qua, dịch bệnh trong chăn nuôi xuất hiện nhiều hơn, lan rộng và nhanh hơn, như cúm gia cầm, heo tai xanh, lở mồm long móng làm ngành chăn nuôi không ít lần lúng túng, người nuôi lao đao vì thiệt hại nặng nề.
Nhưng điều quan ngại hơn là dịch bệnh trên gia cầm ngày càng ảnh hưởng đến con người như virus cúm A/H5N1 trên gia cầm, cúm A/H1N1 trên đàn heo, mới nhất là H7N9 cũng trên gia cầm...
Điểm sáng
Tại hội nghị phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tổ chức ở TPHCM do Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) phối hợp tổ chức, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, nếu giá thành gia súc, gia cầm những tháng đầu năm không giảm mạnh thì có thể nói rằng, đóng góp của ngành chăn nuôi và ngành thú y những tháng đầu năm 2013 sẽ trọn vẹn hơn.
Dịch bệnh quan ngại nhất nhiều năm qua của ngành chăn nuôi gia cầm là cúm A/H5N1 đã giảm đáng kể. Chỉ 5 tỉnh có gia cầm bị bệnh (so với cùng kỳ 2012 có 20 tỉnh), số huyện có dịch giảm gấp 4 lần (14 huyện so với 47 huyện), số xã có dịch giảm hơn gấp đôi (33 xã so với 71 xã).
Vì vậy, số gia cầm bị tiêu hủy cũng giảm còn 61.700 con so với 86.500 con. Điểm sáng của việc phòng chống cúm gia cầm thời gian qua là đã dập dịch thành công virus cúm A/H5N1 trên đàn yến ở TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Có thể nói, không chỉ trong nước mà cả khu vực (những nước có nuôi yến trong nhà như Việt Nam) theo dõi diễn biến và cách thức dập dịch của ngành thú y Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Cơ quan Thú y vùng 6 cho biết, thông thường, khi công bố dịch cúm H5N1 sẽ phải tiêu hủy hết đàn gia cầm ở khu vực đó, việc tiêu hủy đàn yến ở Nhà hát Thanh Bình cũng làm triệt để, nhưng có chọn lọc. Chỉ “triệt” hết đàn yến ốm yếu và yến con trong nhà, để lại phần lớn lượng chim yến khỏe mạnh đã bay khỏi nhà. Do cách thức xử lý linh hoạt nên thiệt hại trên đàn yến không nhiều như suy nghĩ trước đó của nhiều người.
“Vì vậy, sau thời gian dập dịch, phun xịt thuốc khử trùng toàn nhà hát, lấy mẫu kiểm tra định kỳ và liên tục... đàn yến đã quay trở lại Nhà hát Thanh Bình làm tổ, sinh con”, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Yến Việt Đặng Phạm Minh Loan xác nhận như vậy tại cuộc họp trước đó do Bộ NN-PTNT tổ chức ở TPHCM. Cũng qua việc xuất hiện và dập dịch cúm gia cầm H5N1 trên đàn yến đã giúp ngành thú y nói riêng và cả ngành nông nghiệp nói chung những bài học quý giá trong việc phòng chống dịch cúm H5N1 trên đàn chim hoang dã.
Những câu hỏi chưa có lời đáp
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Bình cho rằng, niềm vui đó không thể làm quên đi những lo ngại xuất hiện trong thời gian gần đây. Đó là lần đầu tiên cúm gia cầm xuất hiện trên đàn chim hoang dã (yến nuôi) ở Ninh Thuận và chim trĩ nuôi ở Tiền Giang.
Quan ngại về diễn biến bất thường này, Việt Nam đã gửi mẫu ra nước ngoài nhờ phân tích và cho kết quả khác thường. Chủng loại virus H5N1 trên đàn yến và chim trĩ có sự biến đổi, thuộc nhóm 2.3.2.1 (nhóm đang lưu hành ở các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên), trong khi virus cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm khu vực các tỉnh phía Nam vẫn đang lưu hành là nhóm 1.
Vậy chim trĩ nuôi ở Tiền Giang bị lây nhiễm thế nào với chủng loại này? Ngay cả đàn yến ở Nhà hát Thanh Bình (Ninh Thuận) bị lây nhiễm như thế nào khi loại chim này bay cả ngày tìm mồi trên trời, hầu như không tiếp xúc với nhau, không đậu do 2 chân rất yếu, chỉ bay về tổ vào chiều tối.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi quốc gia cho rằng, phải với lượng virus lên đến hàng triệu con mới có thể làm yến phát bệnh và chết, điều đó cho thấy, chim yến rất khỏe, khác với gia cầm nên khó lây lan. Vậy không loại trừ con người là tác nhân lây nhiễm! Nhiều câu hỏi đặt ra từ sự bất thường này vẫn đang tìm câu trả lời thỏa đáng. Như vậy vấn đề phức tạp hơn nhiều so với thực tế hiện nay.
Ngay cả với cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm, dù giảm mạnh so với cùng kỳ nhưng với tỷ lệ mầm bệnh trên đàn gia cầm khỏe mạnh chiếm khá cao, khoảng 35% sẽ là nguy cơ tiềm ẩn có thể bộc phát bất cứ lúc nào khi điều kiện thuận lợi xảy ra. Từ nay đến cuối năm, khi người dân tăng đàn, tăng mật độ nuôi gia cầm chuẩn bị cho dịp tết, cộng với việc vận chuyển gia cầm từ vùng này sang vùng khác để tiêu thụ luôn là những yếu tố góp phần cho dịch bệnh có thể xảy ra.
Đại diện văn phòng FAO tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, cho biết, việc xuất hiện virus cúm A/H7N9 không làm gia cầm phát bệnh nhưng lại lây lan qua người và gây tử vong ở Trung Quốc (128 ca nhiễm, 26 ca tử vong, chiếm tỷ lệ 20%) là những diễn biến bất thường mà thế giới đang lo ngại.
Có thể bạn quan tâm
Theo TCTS, sau hơn 10 năm di nhập vào Việt Nam, TTCT với những ưu thế như chu kỳ nuôi ngắn, nuôi mật độ cao, khả năng thích ứng rộng, đã trở thành một trong hai đối tượng nuôi tôm nước lợ chủ lực và đang được nuôi rộng rãi ở tất cả các tỉnh thành ven biển.
Sau một thời gian phát triển mạnh ở Bình Thuận, thu hút nhiều hộ nông dân tham gia nuôi đến nay người nuôi dông đang đối mặt với khó khăn về đầu ra cho sản phẩm. Bài toán về thị trường tiêu thụ sản phẩm đang được nhiều người dân quan tâm.
Khi nuôi tôm gặp nhiều rủi ro, ông Nguyễn Văn Siếu (ấp 17, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình - Bạc Liêu) đã mạnh dạn nuôi thử con hào. Ngoài việc nuôi thủy sản trên 1,5ha, ông Siếu nuôi hào bè trên sông và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nông dân vùng ĐBSCL đang bước vào vụ thu hoạch lúa thu đông 2013. Năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi và nhờ tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất lúa tại một số địa phương ĐBSCL cao hơn cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nông dân trồng lúa vẫn chưa vui, vì giá lúa đang ở mức thấp…
Từ đầu năm đến nay, nông dân huyện Châu Thành A (Hậu Giang) thả nuôi 470ha thủy sản, đạt 70% kế hoạch. Năm nay, do cá thát lát cườm thương phẩm tăng giá từ 80.000 - 90.000 đ/kg tăng gần gấp đôi năm rồi, nên nhiều người trở lại đầu tư nuôi cá này, dẫn đến giá con giống cũng tăng theo.