ĐBSCL đang u ám với mùa tôm năm 2012 bị dịch bệnh hoành hành gây thiệt hại lớn, PV Tiền Phong đi một vòng qua những nơi nuôi tôm nổi tiếng.
“Vua tôm sú” Võ Hồng Ngoãn ở tỉnh Bạc Liêu, chưa biết đến thất bại. Vẫn phong thái đậm chất Nam Bộ, xởi lởi và bộc trực, ông dẫn khách ra cánh đồng nuôi tôm rộng 25 ha ở ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu).
San sát ao, có ao phẳng lặng có ao sôi động bởi cánh quạt nước.Ông giới thiệu, ao phẳng lặng là ao lắng, một hệ thống gồm nhiều ao thông cống với nhau.
Nước biển bơm vô ao đầu tiên để lắng phù sa, sau đó vào ao vừa lắng phù sa vừa xử lý bằng cách nuôi cá, cuối cùng là ao xử lý chính bằng cách nuôi hàu, rồi mới vo ao nuôi tôm. Ông Ngoãn cho biết, hệ thống ao lắng với bờ chiếm 50% tổng diện tích.
Nhưng ao lắng chẳng phải mới mẻ, nhiều nơi có hệ thống ao lắng đúng kỹ thuật, tôm nuôi vẫn chết không ngăn được. Như xã Mỹ Long Nam (Cầu Ngang, Trà Vinh), nhiều năm nuôi tôm công nghiệp thắng lợi lớn, từ cực nghèo lên giàu, vậy mà năm nay tôm chết 70%, có diện tích tôm chết đến 90%.
Ông Nguyễn Quốc Việt ở xã Mỹ Long Nam thất thần bên 3 ao rộng 1 ha vừa chết sạch 260.000 con tôm giống, khiến ông trắng tay. Cả tỉnh Trà Vinh, đến giữa tháng 5, thiệt hại do tôm chết đã khoảng 800 tỷ đồng.
Còn ở tỉnh Sóc Trăng, Hiệp hội nuôi tôm Mỹ Thanh lừng danh vì tập hợp “các đại gia giỏi kỹ thuật”, nay cũng đang bị đè nặng dưới dịch tôm chết.
Chỉ có điều khác, hệ thống ao lắng của ông Ngoãn không sử dụng hóa chất diệt giáp xác. Như đã kể phần trên, ở đây nước được xử lý đảm bảo “sạch” với con tôm bằng hệ sinh thái tự nhiên.
Thực tế của ông Ngoãn phù hợp với kết luận của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II: Nguyên nhân chính gây ra dịch bệnh tôm nuôi là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (cypermethrin) trong diệt giáp xác ở ao nuôi, dẫn đến tôm bị bệnh hoại tử gan tụy. Kết luận đưa ra ngày 23-5, tại cuộc hội thảo ở tỉnh Trà Vinh, sau đợt khảo sát và nghiên cứu 19 điểm nuôi tôm.
Chất cypermethrin là một loại thuốc diệt giáp xác thuộc nhóm cúc tổng hợp, rất độc nên diệt giáp xác hiệu quả và rẻ (chỉ bằng 5% các chất khuyến cáo khác), đã được người nuôi tôm ở ĐBSCL sử dụng nhiều năm.
Vậy tại sao, trước đây sử dụng chất cypermethrin để diệt giáp xác mà nuôi tôm vẫn thắng lợi? Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, giải thích, sử dụng vài năm thì không sao, nhưng lâu năm nó tích tụ lại trong bùn, sẽ gây tác hại. Điều này cũng đúng dưới cái nhìn của chuyên gia đa dạng sinh học.
Tiến sỹ Dương Văn Ni ở trường Đại học Cần Thơ nói, đưa một chất hóa học vào môi trường sẽ làm đảo lộn hệ sinh thái tự nhiên, trước mắt không thấy rõ nhưng lâu dài thì hậu quả khó lường và khó sửa.
Chủ nhiệm Hiệp hội nuôi tôm Mỹ Thanh Nguyễn Văn Nhiệm cho biết, đang thực hiện quy trình xử lý nước không dùng hóa chất diệt giáp xác. “Kết quả thế nào còn phải chờ thời gian nữa mới trả lời được”, ông Nhiệm nói.
Trong lúc đó, ông Ngoãn đang tính tới những bước “nuôi tôm sinh thái” mới mẻ hơn nữa, như sử dụng chim bìm bịp để biết con nước lớn mà bơm vào ao. Ca dao có câu: “Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi”.