Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giá Gà Giảm Mạnh, Người Chăn Nuôi Lao Đao

Giá Gà Giảm Mạnh, Người Chăn Nuôi Lao Đao
Ngày đăng: 06/06/2013

Trong hai tháng trở lại đây, giá gà thịt, gà giống trên địa bàn tỉnh Bình Định liên tục giảm mạnh làm cho người chăn nuôi bị thua lỗ nặng; nhiều trang trại, gia trại phải bỏ trống chuồng nuôi vì không còn vốn để tái đàn.

Giá gà “lao dốc” từng ngày

Ông Bùi Văn Tám, một hộ chăn nuôi gà nhiều năm ở thôn Công Chánh, thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước), than thở: “Tôi nuôi gà đã hơn 15 năm nay nhưng chưa bao giờ thấy giá gà hạ thấp như bây giờ. Trong 10 ngày gần đây, tôi xuất 3 lứa gà Lương Phượng, đợt đầu còn bán được giá 40.000 đồng/kg, đợt sau còn 38.000 đồng/kg, đợt mới xuất ngày 2.6 vừa qua chỉ còn 36.000 đồng/kg. Với mức giá trên, lứa gà 300 con (trọng lượng từ 1,2 - 2 kg/con), tôi phải chịu lỗ hơn 4 triệu đồng tiền thức ăn, chưa tính chi phí thuốc thú y, công chăm sóc...”.

Theo khảo sát, không chỉ gà Lương Phượng bị rớt giá, giống gà ta thả vườn cũng giảm giá mạnh, từ 85.000 đồng/kg hiện chỉ còn 52.000 đồng/kg. Gà siêu thịt lông trắng, giá chỉ còn từ 16.000 - 18.000 đồng/kg, giảm một nửa so với trước đây vài tháng. Với mức giá này, người chăn nuôi đang phải chịu lỗ ở mức từ 10.000 - 20.000 đồng/kg gà.

Giá các loại gà thịt giảm mạnh làm cho nhiều trang trại, gia trại không tiếp tục nhập gà giống để nuôi tái đàn, làm cho gà giống cũng rơi vào cảnh ế ẩm và giá giống cũng tuột gần một nửa. Gà giống thả vườn từ 22.000 đồng/con hiện chỉ còn 12.000 đồng/con; giá gà Lương Phượng từ 13.500 đồng/con hạ còn 6.000 đồng/con.

Ông Cao Văn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (huyện Tuy Phước), cho biết: “Với giá bán 12.000 đồng/con gà ta giống, sau khi trừ chi phí sản xuất, cơ sở của tôi đang phải chịu lỗ ở mức từ 4.000 - 5.000 đồng/con. Với năng lực sản xuất giống mỗi ngày cho ra lò từ 15.000 - 20.000 con gà giống, mỗi ngày cơ sở đang phải gánh lỗ từ 60 - 80 triệu đồng”.

Theo lý giải của ông Khanh, do giá gà thịt xuống quá thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, người chăn nuôi bị thua lỗ nên rất ít trang trại, gia trại nhập gà giống để nuôi tái đàn, càng làm cho giá gà giống giảm mạnh. Thêm vào đó, theo tính toán của người chăn nuôi, nếu bây giờ thả gà giống, lứa gà xuất chuồng sẽ rơi vào tháng 7 Âm lịch, đây là thời điểm người dân ăn chay nhiều, đầu ra của gà thịt sẽ rất khó khăn. Do đó, khả năng giá gà thịt sẽ tiếp tục ở mức thấp, vì thế, hầu hết các trang trại, gia trại chẳng mấy ai dám tái đàn.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Theo ghi nhận của chúng tôi tại các địa phương có phong trào chăn nuôi mạnh như Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, dù giá gà đã giảm mạnh nhưng đầu ra rất khó khăn, chưa năm nào sức mua của thị trường yếu như năm nay. Thông tin về dịch cúm A/H5N1 và H7N9 trong thời gian qua đã khiến người tiêu dùng e ngại tiêu thụ thịt gà. Quả thật là khó khăn chồng chất cho người chăn nuôi.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Giá gia cầm trên địa bàn tỉnh giảm mạnh là do ảnh hưởng tình hình chung cả nước, nguồn cung thịt gia cầm đang vượt cầu. Để chia sẻ một phần khó khăn đối với người chăn nuôi, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm, hỗ trợ việc tiêm phòng các loại dịch bệnh nguy hiểm, thường xuyên tiêu độc sát trùng chuồng trại, đảm bảo không để dịch bệnh gia cầm bùng phát, lây lan.

Về giải pháp căn cơ và lâu dài, ông Hổ đề xuất, Bộ NN-PTNT cần có biện pháp cơ cấu lại ngành chăn nuôi gà, tiến hành quy hoạch lại các khu chăn nuôi tập trung, áp dụng các tiến bộ KHKT, chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học, đảm bảo sản phẩm chăn nuôi sạch bệnh. Các Bộ ngành chức năng cần tăng cường công tác dự báo thông tin thị trường, tăng cường việc kiểm soát gia cầm nhập lậu, kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.


Có thể bạn quan tâm

Tạo Điều Kiện Để Hợp Tác Xã Liên Kết Với Doanh Nghiệp Tạo Điều Kiện Để Hợp Tác Xã Liên Kết Với Doanh Nghiệp

3 năm qua, huyện vận động thành lập mới 10 HTX, đồng thời giải thể 4 HTX. Đến nay, toàn huyện có 26 HTX (20 HTX dịch vụ nông nghiệp, 3 HTX phi nông nghiệp, 3 quỹ tín dụng nhân dân) và 244 THT. Điểm nổi bật của những HTX nông nghiệp là đầu tư các trang thiết bị, nâng cao chất lượng phục vụ cho các thành viên, đồng thời bước đầu tổ chức cho nông dân tiến đến sản xuất nông sản theo hướng GAP.

10/09/2014
Tạo Sức Bật Cho Nông Dân Từ Dự Án Cạnh Tranh Nông Nghiệp Tạo Sức Bật Cho Nông Dân Từ Dự Án Cạnh Tranh Nông Nghiệp

Mặc dù chỉ hơn 1 năm tham gia Dự án cạnh tranh nông nghiệp (ACP), nhưng bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong các hoạt động sản xuất của Hợp tác xã Nông nghiệp (HTX NN) Tân Bình (huyện Thanh Bình). ACP đã có những tác động rõ nét trong việc thay đổi tập quán canh tác của nông dân, góp phần tạo mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

10/09/2014
Tây Hòa (Phú Yên) Triển Khai Mô Hình Nuôi Cá Rô Đầu Vuông Thương Phẩm Tây Hòa (Phú Yên) Triển Khai Mô Hình Nuôi Cá Rô Đầu Vuông Thương Phẩm

Năm 2014, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Tây Hòa (Phú Yên) triển khai mô hình nuôi cá rô đầu vuông thương phẩm tại các hợp tác xã Hòa Bình 1, Hòa Bình 2, Hòa Phong và Hòa Phú với quy mô 11.500m2 và 115.000 con cá giống, 6 hộ tham gia.

11/09/2014
Ấn Độ Chú Trọng Nuôi Tôm Chân Trắng Và Tôm Sú Ấn Độ Chú Trọng Nuôi Tôm Chân Trắng Và Tôm Sú

Tuy nhiên, người nuôi tôm ở Ấn Độ chỉ nên nuôi một vụ tôm chân trắng thay vì 2, mật độ thả thấp và chú trọng nuôi tôm cỡ lớn. Điều này cũng tương tự như các phương pháp được sử dụng để nuôi tôm sú, loài nuôi truyền thống ở Ấn Độ trong suốt 25 năm qua.

11/09/2014
Chuyện Nuôi Trồng Thủy Sản Ở Vùng Ven Biển Kim Sơn Chuyện Nuôi Trồng Thủy Sản Ở Vùng Ven Biển Kim Sơn

Thiên nhiên ưu đãi mảnh đất Kim Sơn (Ninh Bình) bằng cách riêng, đó là mỗi năm ban tặng vùng đất này chừng 120 ha đến 150 ha đất phù sa lấn biển. Trong mấy năm gần đây, nhờ hỗ trợ của các nguồn lực từ Nhà nước trong việc xây dựng các tuyến đê quai lấn biển, nghề nuôi trồng thuỷ sản ở Kim Sơn đang có xu hướng phát triển mạnh, góp phần đáng kể vào sự đổi thay của mảnh đất vốn nghèo khó này.

11/09/2014