Giữ Ấm Cây Trồng, Vật Nuôi Tại Miền Núi Phía Bắc

Trước tình hình rét đậm rét hại đang ảnh hưởng nặng nề tới các tỉnh miền núi phía Bắc, Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) đã cử 3 đoàn công tác nhằm đôn đốc việc phòng chống rét cho gia súc, gia cầm tại đây.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, đợt rét hại cực đoan này kéo dài sẽ khiến trâu, bò bị cước chân, không đi được, sức đề kháng kém và khiến nguồn thức ăn bị ảnh hưởng. Thậm chí nếu không phòng chống rét tốt, trâu, bò có thể bị chết rét.
Vì vậy, Cục Chăn nuôi khuyến cáo người dân không nên thả rông, lùa trâu, bò về chuồng lúc trời rét dưới 15 độ C, đồng thời che chắn cẩn thận chuồng trại, cho ăn thêm các loại thức ăn tinh bột như cám gạo, cám ngô, cháo... để tăng cường sức đề kháng cho gia súc.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng NNPTNT huyện Sa Pa, tính tới chiều 18/12, do mưa tuyết bất ngờ, người dân không kịp lùa gia súc trên các bãi thả về nên đã có 54 con trâu bị chết rét.
Trong khi đó, theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), ngoài ảnh hưởng tới sản xuất rau màu tại Sa Pa (Lào Cai) và một số địa phương miền núi phía Bắc, hiện chưa có thiệt hại đáng kể về hoa màu vụ đông. Hiện tại, một số địa phương đang bắt đầu tiến hành gieo mạ trà xuân sớm (chiếm khoảng 5-7% diện tích ở vùng Trung du miền núi phía Bắc). Cục Trồng trọt cũng đã đề nghị các địa phương thông tin cho nông dân, không để dân gieo mạ lúc nhiệt độ xuống dưới 15 độ C.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, trong những ngày vừa qua, các tỉnh trung du miền núi phía Bắc đã ghi nhận rét đậm rét hại kỷ lục tại nhiều địa phương. Lúc 7h sáng 18/12, nhiệt độ tại thị trấn Bắc Hà (Lào Cai) là 1,7 độ C, khu du lịch Sa Pa dưới 1 độ C. Dự báo đợt sương muối tại hai khu vực này khả năng còn kéo dài khoảng 1-2 ngày nữa.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh khô có cường độ mạnh, nhiều địa phương vùng núi tỉnh Lào Cai như Y Tý (Bát Xát), các xã vùng cao huyện Bắc Hà và Sa Pa vẫn có hiện tượng sương muối, càng lên cao cường độ sương muối càng nặng.
Có thể bạn quan tâm

Khu bảo vệ thủy sản (BVTS) Cồn Chìm (Vinh Phú) thành lập thí điểm cuối năm 2009, được bà con ngư dân hưởng ứng và đồng thuận cao. Đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thành lập 10 khu BVTS giúp tôm, cá có nơi trú ẩn và tạo nguồn thức ăn cho tôm, cá ở đầm phá.

Nằm bên dòng sông Sêrêpôk hoang dã, người dân thôn 5, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) nổi tiếng với nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là thành công trong việc đưa cá lăng đuôi đỏ vào nuôi trong ao nước tĩnh đã góp phần làm hồi sinh dòng cá bản địa quý hiếm trước nguy cơ bị tuyệt chủng.

Bà con nuôi trồng thủy sản huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đang rất phấn khởi khi mùa tôm vụ cuối năm thắng lớn. Theo ông Phạm Văn Chí, một hộ nuôi thành công tại đây cho biết, hiện tôm thẻ chân trắng cỡ 55-60 con/kg có giá từ 190-200 ngàn đồng/kg. Đây là mức giá kỷ lục.

Nghề nuôi tôm hùm lồng đã phát triển khá mạnh tại tỉnh Khánh Hòa từ nhiều năm nay, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, các tác động tiêu cực của nghề nuôi tôm hùm cũng đồng thời là đề tài tranh cãi của không ít chuyên gia, nhà khoa học.

Theo báo cáo của Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bạc Liêu, năm 2013 diện tích thả nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa trên địa bàn huyện Phước Long là 5.600 ha (tập trung các xã Vĩnh Phú Tây, xã Phước Long, thị trấn Phước Long, xã Phong Thạnh Tây A, xã Phong Thạnh Tây B).