Giàu Lên Từ Rắn Hổ
Gắn chóa đèn pin lên trán, một tay cầm cây móc, một tay thò vào hộc lôi con rắn hổ to đùng còn đang phùng mang phù phù ra, anh La Minh Vũ cười xòa: “Con này cho thu nhập khoảng 7 triệu đồng đấy”. Thấy tôi tròn xoe mắt kinh ngạc, anh chiết tính: con này cỡ hai ký rưỡi, mỗi ký giá một triệu đồng; mỗi năm nó đẻ hai lứa, mỗi lứa trung bình 15 trứng, giá mỗi trứng 300.000 đồng.
Ở thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang có Câu lạc bộ thanh niên nuôi rắn hổ, đây là mô hình làm kinh tế hiệu quả, khá lên nhanh chóng.
Xây khách sạn cho rắn
Thoắt cái, anh Vũ với tay lấy chóa đèn pin gắn lên trán, cầm cây móc và mở hộc tủ ra, thấy có người và ánh sáng hắt vào chú rắn hổ cuộn tròn, phùng mang kêu phù phù. Thò tay vào hộc anh Vũ nhẹ nhàng lôi chú rắn to tướng ra. Nằm trên tay anh chú rắn tỏ ra hiền lạ, thỉnh thoảng mổ mổ vài cái nhưng đều bị anh vô hiệu hóa. “Nuôi lâu nên rắn quen hơi, có kinh nghiệm bắt nên không còn sợ bị rắn cắn nữa” - anh Vũ giải thích. Anh kể một lần đi Sài Gòn, nghe người bạn nói có nuôi rắn hổ xuất bán được giá, nên anh học theo và về gom mượn tiền quyết định mua giống về nuôi thử. Lúc đầu do không biết kỹ thuật nên rắn chết nhiều, bù lại khi rắn lớn bán được giá cao. Nghĩ đến giá cả có lời, nếu rành kỹ thuật chắc chắn nghề nuôi rắn sẽ làm giàu, thế là anh Vũ tiếp tục dấn thân, đến nỗi vợ anh phải mất ăn mất ngủ vì sợ… rắn sổng chuồng.
Sau nhiều lần tiếp cận cách nuôi từ bạn bè, anh Vũ nghĩ phải làm sao cho chúng đừng tranh nhau thức ăn, đừng mất sức, ít bệnh nên nghĩ phải xây cho mỗi con một không gian riêng để chúng tha hồ mà ăn, mà lớn. Thế là anh bắt tay nghiên cứu xây thành từng hộc riêng biệt, mỗi hộc có cửa, lỗ thông hơi, đổ đất và thả rắn giống vào nuôi. Nhiều người thấy anh xây hộc nuôi rắn đã đùa anh xây khách sạn cho rắn. Mà anh nói họ nói đúng, mỗi hộc thả một con, cách 3 ngày phải lo cho nó thức ăn, nước uống, độ ẩm, lâu lâu phải xổ giun, chăm sóc lúc rắn lột da, sinh đẻ…
Là người đầu tiên mang rắn hổ về nuôi tại Ngã Bảy từ năm 2008, giờ đây nói đến “Vũ rắn” là ai cũng biết, một phần vì nhờ rắn mà anh có của ăn của để, nhưng quan trọng hơn là anh đã gầy dựng được phong trào nuôi rắn hổ thoát nghèo tại địa phương và đã xin phép chính quyền thành lập được Câu lạc bộ thanh niên nuôi rắn hổ hèo.
Giúp nhau thoát nghèo
Khi đã nuôi được một vài lứa rắn hổ thịt, bán được giá nên anh Vũ đã chia giống cho hàng chục thanh niên địa phương cùng nuôi.
Anh Dương Văn Tám nhà nghèo, hàng ngày phải làm hồ, chạy xe ôm, trồng rau bán ra chợ. Thấy mô hình nuôi rắn hiệu quả cao, nhanh chóng nên anh bàn với vợ bán hai cây vàng được khoảng 20 triệu đồng, đầu tư xây chuồng và mua 60 con rắn giống. Lứa rắn giống đầu tiên lúc mới nuôi bị chết phân nửa, hai vợ chồng chỉ biết nhìn nhau khóc. Anh định đập chuồng, nhưng rồi nhờ hàng ngày lội đồng bắt ếch nhái nên không tốn nhiều tiền thức ăn, khi bán được lứa đầu trúng giá nên hai vợ chồng tiếp tục nuôi. Kỹ thuật nào chưa thông thì anh trao đổi với anh Vũ, từ cách cho ăn, chọn thức ăn, thời điểm vào cho ăn, cách vỗ béo, trị bệnh. Giờ đây, anh Tám đang sở hữu vài trăm hộc rắn bố mẹ, tự ấp trứng và cho nở được rắn con, bán giống.
Còn anh Hậu, đang là cán bộ Hạt quản lý đê điều thị xã Ngã Bảy, cũng quyết định làm thêm nghề nuôi rắn. Lúc mới vào nghề, anh đã bị vợ… hăm dọa: “Ông mà đem rắn hổ về là vợ con tôi bỏ nhà ra đi”. Không còn cách nào khác, anh Hậu phải xây chuồng rắn ngoài vườn, cách xa nhà. Anh Hậu hồ hởi cho biết, vừa bán được lứa đầu 20 kg, được mười mấy triệu đồng. Hiện, còn nuôi 200 con, nếu xuất bán cũng được trăm ngoài triệu.
Anh La Minh Vũ cho biết, anh Hạnh, một người nghèo đặc biệt ở địa phương, mượn người quen 6 triệu đồng mua 30 con rắn giống, anh tự xây chuồng. Đợt rồi xuất bán được 30 triệu đồng, trả nợ xong cũng còn lời trên 20 triệu đồng. Thế là anh Hạnh mở rộng quy mô nuôi thêm 50 con nữa. Anh Vũ nói, thấy ai ở địa phương mà nuôi rắn thoát nghèo là anh cảm thấy vui. Rắn giống được anh xuất bán cho các tỉnh trong vùng giá có lúc đến 450.000 đồng/con, nhưng đối với thanh niên địa phương đến mua anh đều bán giá gốc. Ai chưa am tường kỹ thuật thì anh hướng dẫn tường tận, chưa tìm được đầu ra anh sẵn sàng thu mua lại với giá cao.
Và làm giàu
Cách đây gần một năm, khi ngồi uống cà phê với anh em đang nuôi rắn, anh Vũ đưa ra ý tưởng nên tập hợp anh em cùng nghề lại thành… một cái hội gì đó để còn giúp đỡ nhau thoát nghèo. Thế là ý tưởng thành lập Câu lạc bộ thanh niên nuôi rắn hổ ra đời và UBND phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy đã ký quyết định thành lập. 11 thành viên của CLB hiện giờ sở hữu hàng ngàn con rắn bố mẹ, rắn thịt. Riêng anh Vũ mỗi năm cũng xuất bán được 2.000 trứng, 500 kg rắn thịt và hàng ngàn con giống cho khách hàng ở các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Long An, Đồng Tháp…
Với 11 thành viên ban đầu này, CLB sẵn sàng cử người đến hỗ trợ thanh niên địa phương mới vào nghề và muốn mở rộng CLB, phát triển mô hình thanh niên nuôi rắn thoát nghèo. Anh Vũ cho biết, các chương trình xóa đói giảm nghèo tại địa phương thay gì cho tiền thì nay cung cấp cho họ rắn giống thông qua các thành viên CLB cung cấp, người dân có thể hàng ngày ra ruộng tìm thức ăn cho rắn, sau một năm có thể xuất bán rắn thịt. “Sắp tới chúng tôi sẽ đề xuất mô hình xóa đói giảm nghèo này với chính quyền địa phương. Thị đoàn Ngã Bảy cũng đã cử cán bộ xuống tham quan, nghiên cứu mô hình này để đề xuất hướng mở rộng trong đoàn viên, thanh niên tại địa phương.
Anh Từ Nhuần Hiệp, Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy, nói rắn hổ hèo nọc độc không nguy hiểm, thịt ngon, có giá trị kinh tế cao và có công dụng trong y học nên đây là mô hình kinh tế tốt. Tuy nhiên, đây là nhóm rắn hổ nằm trong “sách đỏ” Việt Nam nên nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán phải có giấy phép của cơ quan chức năng. Hiện cơ quan kiểm lâm địa phương đã tiến hành cấp sổ đăng ký nuôi rắn hổ hèo này cho người dân có đủ điều kiện, phối hợp với chính quyền địa phương theo dõi quản lý nhằm giúp mô hình kinh tế này đi đúng hướng, phát triển kinh tế địa phương, giúp thanh niên địa phương thoát nghèo.
Ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang, cho biết ngành kiểm lâm đã giao cho các hạt kiểm lâm trực thuộc hoặc phòng kinh tế của các huyện, thị, thành phố chịu trách nhiệm kiểm tra theo dõi, xác nhận tăng đàn theo quy định để làm cơ sở cho Chi cục Kiểm lâm Hậu Giang cấp giấy phép vận chuyển có giá trị toàn quốc khi xuất bán ra thị trường. Với việc đăng ký nuôi nhốt, nếu đủ điều kiện Chi cục Kiểm lâm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, không thu bất kỳ loại phí nào, kể cả cấp sổ theo dõi.
Có thể bạn quan tâm
“Nhiều mẫu mã trái cây khá đẹp nhưng chất lượng chưa cao. Nhà vườn cần đầu tư nhiều hơn nữa trong kỹ thuật chăm sóc”. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam nhấn mạnh như thế trong buổi trao đổi với phóng viên Báo Đồng Khởi khi Ngày hội Cây - trái ngon, an toàn năm 2013 vừa khép lại.
Bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia năm 2013, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Bắc Giang phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Sơn Động triển khai mô hình nuôi cá lăng trong lồng tại xã Long Sơn, huyện Sơn Động với quy mô 1000 con/100m3.
Anh Lã Tuấn Anh (26 tuổi) ở tiểu khu Hoa Ban, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu (Sơn La) nuôi gà Ai Cập quy mô trang trại trên 2.000 con, trong đó 1.000 gà đẻ, 1.000 gà thương phẩm.
Trong những năm qua, thực hiện chương trình đưa cây màu xuống chân ruộng, nông dân tỉnh Trà Vinh đã thực hiện một cách có hiệu quả, vừa tạo được độ màu mỡ, tơi xốp cho đất và lợi nhuận mang lại cao gấp nhiều lần so với đơn thuần trồng lúa.
Được sự hỗ trợ của Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh, những năm qua, một số thôn, bản trên địa bàn xã miền núi Trường Sơn nói chung và bản Trung Sơn nói riêng đã phát triển chăn nuôi lợn, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con dân tộc Vân Kiều.