Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cần Tiếp Viện Vaccin Phòng Chống Dịch Tai Xanh

Cần Tiếp Viện Vaccin Phòng Chống Dịch Tai Xanh
Ngày đăng: 30/05/2012

Nguyên nhân chính khiến dịch tai xanh bùng phát ở hàng loạt các tỉnh phía Bắc với số lượng lợn chết lên tới hàng nghìn con là do các địa phương đang thiếu vaccin trầm trọng để tiêm phòng cho đàn lợn.

Nội dung này đã được đưa mổ xẻ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn ra chiều 29.5.

Không chấp thuận tiêm phòng vaccin bao vây

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, hiện dịch lợn tai xanh (DTX) còn xảy tại 5 tỉnh gồm: Điện Biên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lai Châu và Hòa Bình. Tại Hòa Bình và Bắc Ninh, tình hình DTX đang diễn biến phức tạp. Điểm “nóng” của DTX hiện nay là Bắc Ninh, dịch đã xảy ra tại 361 hộ, 60 thôn, 23 xã thuộc các huyện Gia Bình, Quế Võ, Lương Tài và TP.Bắc Ninh, làm gần 4.000 con lợn mắc bệnh, trong đó có hơn 1.800 con bị chết và tiêu hủy.

Ông Nguyễn Nhân Lừng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Chúng tôi đã làm hết sức để phòng, chống dịch bệnh tai xanh, từ tuyên truyền đến tổ chức dập dịch, nhưng hiện không thể kiểm soát được tốc độ lây lan do thiếu vaccin để tiêm cho đàn lợn. Việc tiêm phòng chỉ được tiến hành tại các thôn lân cận, khi một thôn có dịch, nhưng đúng ra một thôn của xã này có dịch thì phải tiêm khoanh vùng các xã lân cận, không làm được như vậy nên dịch nhảy cóc rất nhanh”.

Tương tự Bắc Ninh, đại diện nhiều địa phương khác như Hòa Bình, Quảng Ninh cũng đề nghị Chính phủ, Bộ NNPTNT cấp bổ sung thêm nhiều vaccin để bao vây các ổ dịch, tránh tình trạng dịch “nhảy cóc” từ nơi này sang nơi khác.

Về vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Với kinh phí và số lượng vaccin tai xanh dự trữ quốc gia rất khó khăn và ít ỏi như hiện nay, quan điểm của Bộ là vẫn giữ nguyên quy định chỉ tiêm vaccin tai xanh từ nguồn hỗ trợ của T.Ư trực tiếp tại các ổ dịch mà thôi, chứ không thể có thêm vaccin để tiêm bao vây vùng dịch như Bắc Ninh và một số địa phương đề nghị. Việc các tỉnh tự trích kinh phí mua vaccin tai xanh phòng chống dịch là điều đáng hoan nghênh.

Đồng quan điểm với Bộ Tài chính, ông Bùi Xuân Trình - đại diện Văn phòng Chính phủ nhận xét: “Thời gian qua, rất nhiều tỉnh đã tự chủ động trích kinh phí mua vaccin tai xanh chống dịch, chứ không ngồi trông chờ vào nguồn của T.Ư. Còn về việc Bắc Ninh kêu thiếu vaccin, tôi cho rằng Bộ NNPTNT cho Bắc Ninh 65.000 liều là quá nhiều rồi. Nếu là tôi, tôi còn cho ít hơn nữa”.

Xung quanh công tác chống dịch của Bắc Ninh, ông Trình nói: “Tôi đi kiểm tra việc chống dịch cùng với Cục Thú y tại Bắc Ninh, đến các vùng dịch, qua mấy chốt kiểm dịch, thấy họ chỉ dùng vài chiếc cần phun thuốc khử trùng bé như ngón tay, ngắn có một mẩu để phun cho những chiếc xe tải lớn thật chẳng khác gì mấy đứa trẻ con chơi… trò phun nước. Chống dịch theo kiểu hình thức, đối phó như thế thì chỉ tổ tốn tiền, vô ích”.

Sắp có thêm 300.000 liều

Đối với đề nghị của các địa phương, ông Diệp Kỉnh Tần- Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết: “Bộ đang làm việc với tinh thần khẩn trương rốt ráo nhất nhằm hỗ trợ tối ưu cho các địa phương phòng, chống dịch. Thời gian qua, Bộ đã cấp vaccin cho các tỉnh Điện Biên (40.000 liều), Bắc Ninh (65.000 liều), Quảng Ninh (20.000 liều), Lai Châu (10.000 liều), Hòa Bình (40.000 liều). Tuy nhiên trước tình hình dịch lợn tai xanh lây lan trên diện rộng, Bộ NNPTNT đã đề nghị Chính phủ cho phép nhập thêm vaccin để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch của địa phương, bởi 500.000 liều vaccin dự trữ đã cấp hết cho các tỉnh nhưng vẫn không đủ”.

Ông Văn Đăng Kỳ – Trưởng phòng Kiểm dịch (Cục Thú y) cho biết: “Chúng tôi đã rất nhiều lần đề nghị cán bộ thú y ở Bắc Ninh là tiêm cho đàn nào xong thì phải thay xilanh mới để tiêm cho đàn khác. Ấy thế mà thời gian qua, tôi thấy họ vẫn cứ dùng một chiếc xilanh để tiêm hết đàn này tới đàn khác, như thế thì chẳng khác nào rước dịch đi khắp nơi”.

Được biết, Chính phủ đã đồng ý cho Bộ NNPTNT nhập bổ sung vaccin tai xanh để chống dịch với số lượng 300.000 liều. Dự kiến, đầu tháng 6 tới, số lượng vaccin này sẽ về tới Việt Nam để kịp phục vụ công tác phòng chống dịch. Hiện Bộ NNPTNT đã giao Cục Thú y phối hợp với các đơn vị của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm thủ tục mua thêm vaccin.

Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cũng cho biết thêm: “Bộ cũng đang tổ chức đánh giá hiệu quả sử dụng Quỹ dự phòng vaccin trong chống DTX để báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện quỹ này. Tuy nhiên, để việc phòng chống dập DTX có hiệu quả, Bộ NNPTNT yêu cầu các địa phương phải chống dịch quyết liệt hơn nữa, tiêm phòng vaccin đúng quy trình, nếu không làm đến nơi đến chốn thì có cấp thêm vaccin thì cũng không giải quyết triệt để được”.

Có thể bạn quan tâm

Trồng Khoai Cao Lãi Trên 15 Triệu Đồng/công Trồng Khoai Cao Lãi Trên 15 Triệu Đồng/công

Nông dân 2 xã Tân Trung và Tân Hòa (Phú Tân - An Giang) đang vào vụ thu hoạch khoai cao – một trong những cây chủ lực của các loại hoa màu tại xứ cồn.

27/03/2014
Gia Lai Thu Mua Toàn Bộ Diện Tích Mía Bị Cháy Gia Lai Thu Mua Toàn Bộ Diện Tích Mía Bị Cháy

Càng vào cuối vụ thu hoạch, diện tích mía còn lại trên toàn vùng phía Đông Nam tỉnh lại càng thêm khô, nhiều diện tích mía đã bị cháy khiến cho không ít nông dân lo lắng. Để giảm thiệt hại và đốn mía theo đúng lịch, toàn thể công nhân-lao động tại Công ty cổ phần Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC) đang cho nhà máy hoạt động hết công suất.

27/03/2014
Mùa Mây Trên Dãy Trường Sơn Mùa Mây Trên Dãy Trường Sơn

Từ thị trấn Prao (huyện Đông Giang, Quảng Nam) dọc theo đường Hồ Chí Minh qua các xã Avương, Bhalêê, Atiêng, Lăng... đã thấy mây được tập kết trước nhà của người dân trong các bản làng...

27/03/2014
Nghệ An Tặng Bò Hộ Nghèo Biên Giới Nghệ An Tặng Bò Hộ Nghèo Biên Giới

Đây là số tiền mua bò được trích từ nguồn quyên góp ủng hộ của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Nghệ An để giúp đỡ các xã nghèo biên giới phát triển kinh tế.

27/03/2014
Giá Bắp Cải Thấp, Nông Dân Cho Bò Ăn Giá Bắp Cải Thấp, Nông Dân Cho Bò Ăn

Tại huyện Châu Thành (An Giang), giá bán bắp cải tại ruộng chỉ còn khoảng 1.000 đồng/kg. Nhiều người không bán được đã đem đổ xuống sông hoặc cho bò ăn.

27/03/2014