Giàu Con Chữ Nhờ Nuôi Hàu
Hàng chục năm qua, người dân nghèo ở các thôn Lập An, Loan Lý, Hót Mít, Hói Dừa… thuộc thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) chỉ biết mò cua bắt cá trên đầm Lập An để sống qua ngày.
Cuộc sống khó khăn nên nhiều gia đình không có điều kiện “nuôi chữ” cho con. Nhưng, từ khi chính quyền địa phương khuyến khích người dân nuôi hàu tạo nguồn thu nhập cao, cuộc sống khấm khá hơn, con trẻ cũng được đến trường học hành...
Nuôi hàu rất đơn giản, mỗi hộ chỉ cần mua những chiếc vỏ lốp xe máy đã hỏng được thải ra, đem về dùng bót chà thật sạch, sau đó đem xẻ lốp làm đôi. Các lốp xe này được móc vào một thanh tre, rồi đóng những chiếc cọc xuống lòng đầm, treo thanh tre nằm ngang, những chiếc lốp xe nằm sâu dưới nước, cách đáy đầm chừng 10cm, lốp cách lốp khoảng 30cm. Sau khi con hàu bám vào lốp xe sẽ sinh sôi, phát triển thành từng chùm. Vì nuôi hàu không cần phải tốn nhiều chi phí, lại cho thu nhập cao nên nghề này thu hút rất nhiều hộ gia đình theo đuổi để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Theo số liệu của UBND huyện Phú Lộc, hiện nay trên đầm Lập An có trên 100 hộ dân nuôi hàu. Nhờ nuôi hàu mà nhiều hộ dân nơi đây có cuộc sống khấm khá hơn rất nhiều. Nhờ đó, con cái họ cũng được học hành đến nơi đến chốn. Chị Nguyễn Thị Kim Liên (37 tuổi) ở thôn Loan Lý, lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, rồi tiếp tục đập vỏ hàu, phấn khởi cho biết: “Giá bán hàu chưa tách vỏ từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Hàu đã tách vỏ được bán với giá 70.000 đồng/kg. Trung bình mỗi vụ nhà tui thu nhập 20 đến 30 triệu đồng”.
Anh Nguyễn Văn Nam (40 tuổi), có thâm niên nuôi hàu 5 năm nay ở đầm Lập An vui vẻ nói thêm: “Mỗi vụ nhà tui thả 7 ngàn lốp xe máy, mỗi lốp xe có thể cho thu hoạch từ 5 đến 10kg hàu chưa tách vỏ. Nhờ nuôi hàu mà nhà tui khấm khá hơn, sắm sửa được tủ lạnh, xây nhà và cũng nhờ con hàu mà con cái tui được ăn học đàng hoàng”...
Con hàu có tên khoa học là Oyster, có giá trị dinh dưỡng rất cao, giúp chống lại mệt mỏi, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể và tăng cường quá trình trao đổi chất. Thịt hàu ở đầm Lập An nổi tiếng thơm ngon, béo bùi, có thể chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn như hàu nướng trui, cháo hàu, hàu xào hành tây, gỏi hàu... được nhiều du khách trong và ngoài nước ưa chuộng, đặc biệt ở các thị trường Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.
Nghề nuôi hàu không chỉ giúp người dân ở đầm Lập An có cuộc sống ổn định hơn, mà còn góp phần bảo vệ môi trường. “Trước đây lốp xe ở thị trấn này sau khi thải ra đều vứt thành đống hoặc đem đốt chứ không biết phải xử lí thế nào. Từ khi người dân nuôi hàu, vùng này không có một lốp xe nào bị vứt bỏ hay đốt đi cả”, ông Phan Khắc Minh (79 tuổi), sống thôn Loan Lý cho hay.
Theo ông Trần Văn Giảng, nghề nuôi hàu có từ năm 2008. Hiện nay, Phú Lộc có trên 100ha diện tích nuôi hàu. Mỗi vụ, trung bình mỗi hộ dân có thu nhập 30 triệu đồng, có hộ thu nhập lên tới vài trăm triệu đồng nhờ nuôi hàu. Sắp tới đây chính quyền địa phương sẽ tổ chức quy hoạch lại khu vực nuôi hàu để đảm bảo vệ sinh môi trường, giúp người dân an tâm phát triển sản xuất...
Có thể bạn quan tâm
Sinh sống tại những địa phương miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng với ý chí quyết tâm làm giàu, những nông dân miền sơn cước đã xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế...
Trạm Khuyến nông huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đang triển khai mô hình hỗ trợ 19 hộ dân tộc thiểu số nghèo tại xã Cấm Sơn và Tân Mộc nuôi dê với kinh phí 100 triệu đồng từ ngân sách huyện.
Tại Việt Nam, Luật An toàn thực phẩm được xây dựng theo nguyên tắc quản lý toàn bộ chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn”. Tuy nhiên, vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang gặp nhiều khó khăn, nhất là các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ.
Kinh tế biển được xác định là mũi nhọn vô cùng quan trọng đối với Cà Mau. Thế nhưng, với một lượng lớn tàu công suất nhỏ đang ngày đêm xâm hại nguồn lợi thuỷ sản ven bờ thì vấn đề phát triển bền vững vẫn là bài toán chưa có giải đáp hợp lý. Chuyển đổi ngành nghề nhằm giảm áp lực cho khu vực tái sinh ven biển đang cần thiết và cấp bách để tiến tới mục tiêu giàu lên từ biển.
Phát huy lợi thế là địa phương đầu nguồn, nhiều năm qua, người dân TX.Hồng Ngự (Đồng Tháp) phát triển mạnh nghề nuôi cá bè trên sông đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho sự phát triển kinh tế hộ và đóng góp vào tỉ trọng phát triển của kinh tế thị xã.