Giàu Con Chữ Nhờ Nuôi Hàu

Hàng chục năm qua, người dân nghèo ở các thôn Lập An, Loan Lý, Hót Mít, Hói Dừa… thuộc thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) chỉ biết mò cua bắt cá trên đầm Lập An để sống qua ngày.
Cuộc sống khó khăn nên nhiều gia đình không có điều kiện “nuôi chữ” cho con. Nhưng, từ khi chính quyền địa phương khuyến khích người dân nuôi hàu tạo nguồn thu nhập cao, cuộc sống khấm khá hơn, con trẻ cũng được đến trường học hành...
Nuôi hàu rất đơn giản, mỗi hộ chỉ cần mua những chiếc vỏ lốp xe máy đã hỏng được thải ra, đem về dùng bót chà thật sạch, sau đó đem xẻ lốp làm đôi. Các lốp xe này được móc vào một thanh tre, rồi đóng những chiếc cọc xuống lòng đầm, treo thanh tre nằm ngang, những chiếc lốp xe nằm sâu dưới nước, cách đáy đầm chừng 10cm, lốp cách lốp khoảng 30cm. Sau khi con hàu bám vào lốp xe sẽ sinh sôi, phát triển thành từng chùm. Vì nuôi hàu không cần phải tốn nhiều chi phí, lại cho thu nhập cao nên nghề này thu hút rất nhiều hộ gia đình theo đuổi để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Theo số liệu của UBND huyện Phú Lộc, hiện nay trên đầm Lập An có trên 100 hộ dân nuôi hàu. Nhờ nuôi hàu mà nhiều hộ dân nơi đây có cuộc sống khấm khá hơn rất nhiều. Nhờ đó, con cái họ cũng được học hành đến nơi đến chốn. Chị Nguyễn Thị Kim Liên (37 tuổi) ở thôn Loan Lý, lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, rồi tiếp tục đập vỏ hàu, phấn khởi cho biết: “Giá bán hàu chưa tách vỏ từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Hàu đã tách vỏ được bán với giá 70.000 đồng/kg. Trung bình mỗi vụ nhà tui thu nhập 20 đến 30 triệu đồng”.
Anh Nguyễn Văn Nam (40 tuổi), có thâm niên nuôi hàu 5 năm nay ở đầm Lập An vui vẻ nói thêm: “Mỗi vụ nhà tui thả 7 ngàn lốp xe máy, mỗi lốp xe có thể cho thu hoạch từ 5 đến 10kg hàu chưa tách vỏ. Nhờ nuôi hàu mà nhà tui khấm khá hơn, sắm sửa được tủ lạnh, xây nhà và cũng nhờ con hàu mà con cái tui được ăn học đàng hoàng”...
Con hàu có tên khoa học là Oyster, có giá trị dinh dưỡng rất cao, giúp chống lại mệt mỏi, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể và tăng cường quá trình trao đổi chất. Thịt hàu ở đầm Lập An nổi tiếng thơm ngon, béo bùi, có thể chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn như hàu nướng trui, cháo hàu, hàu xào hành tây, gỏi hàu... được nhiều du khách trong và ngoài nước ưa chuộng, đặc biệt ở các thị trường Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.
Nghề nuôi hàu không chỉ giúp người dân ở đầm Lập An có cuộc sống ổn định hơn, mà còn góp phần bảo vệ môi trường. “Trước đây lốp xe ở thị trấn này sau khi thải ra đều vứt thành đống hoặc đem đốt chứ không biết phải xử lí thế nào. Từ khi người dân nuôi hàu, vùng này không có một lốp xe nào bị vứt bỏ hay đốt đi cả”, ông Phan Khắc Minh (79 tuổi), sống thôn Loan Lý cho hay.
Theo ông Trần Văn Giảng, nghề nuôi hàu có từ năm 2008. Hiện nay, Phú Lộc có trên 100ha diện tích nuôi hàu. Mỗi vụ, trung bình mỗi hộ dân có thu nhập 30 triệu đồng, có hộ thu nhập lên tới vài trăm triệu đồng nhờ nuôi hàu. Sắp tới đây chính quyền địa phương sẽ tổ chức quy hoạch lại khu vực nuôi hàu để đảm bảo vệ sinh môi trường, giúp người dân an tâm phát triển sản xuất...
Related news

Nông dân vùng ĐBSCL đang bước vào vụ thu hoạch lúa thu đông 2013. Năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi và nhờ tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất lúa tại một số địa phương ĐBSCL cao hơn cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nông dân trồng lúa vẫn chưa vui, vì giá lúa đang ở mức thấp…

Từ đầu năm đến nay, nông dân huyện Châu Thành A (Hậu Giang) thả nuôi 470ha thủy sản, đạt 70% kế hoạch. Năm nay, do cá thát lát cườm thương phẩm tăng giá từ 80.000 - 90.000 đ/kg tăng gần gấp đôi năm rồi, nên nhiều người trở lại đầu tư nuôi cá này, dẫn đến giá con giống cũng tăng theo.

Ngay từ những năm đầu của thập niên 1990, nghề NTNL đã xuất hiện và bắt đầu từ năm 2000 NTNL phát triển nhanh chóng. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, năm 2000 diện tích NTNL toàn tỉnh chỉ đạt 2.617 ha với sản lượng 1.348 tấn, tạo việc làm cho 5.000 lao động; đến năm 2012 diện tích thả nuôi tôm toàn tỉnh đạt 5.082 ha, sản lượng đạt 11.821 tấn và tạo ra việc làm ổn định cho hơn 10.000 lao động địa phương.

Sau thời gian giá nhím con ở mức khá cao: khoảng 15 triệu đồng/cặp, thì hiện nay người chăn nuôi chỉ cần đầu tư khoảng 1,2 triệu đồng/cặp để chăn nuôi. Giá nhím giống giảm mạnh cũng kéo theo giá nhím thịt giảm từ trên 500.000 đồng xuống chỉ còn 150.000 đồng/kg.

Mùa khai thác thủy sản năm nay được xem là thất bát nặng nề nhất trong 20 năm qua. Ngư dân dù đã và đang được hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước, nhưng do biển mất mùa, chi phí đánh bắt tăng cao nên hiện tại họ đang gặp rất nhiều khó khăn. Dẫu vậy, nhiều chủ tàu vẫn tìm mọi cách huy động vốn, kể cả vay “tín dụng đen” để “đặt cược” trong những chuyến biển cuối vụ khai thác…