Giao Phong Khai Thác Thế Mạnh Vùng Đồng Màu
Với lợi thế vùng đồng màu cùng với kinh nghiệm sản xuất qua nhiều năm tích lũy, các hộ nông dân xã Giao Phong (Giao Thủy) đã thực hiện nhiều biện pháp thâm canh, chuyển đổi mạnh về cơ cấu cây trồng với các công thức luân canh, xen canh, gối vụ hoặc trồng cây rau màu trái vụ một cách hợp lý, phù hợp với từng chất đất và mùa vụ, tổ chức sản xuất hàng hóa gắn với dịch vụ thị trường tạo nên nhiều cánh đồng cho thu nhập hàng trăm triệu trên mỗi ha.
Để phát triển sản xuất cây rau màu, xã Giao Phong tập trung chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất trên đất lúa, đất màu chân vàn cao, khó khăn về nước ở vụ xuân hè để tăng hệ số sử dụng đất, luân canh 4-5 vụ/năm. Căn cứ vào thực tế sản xuất, đất đai và tiềm năng tiêu thụ, HTXNN Hồng Phong đã quy hoạch các vùng sản xuất một cách chi tiết về cơ cấu cây trồng, cơ cấu thời vụ, bố trí tập trung để thuận tiện chỉ đạo, chăm sóc và thu mua sản phẩm.
Xã tổ chức cho các hộ nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất cây rau màu ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn xã Giao Phong đã hình thành nhiều vùng sản xuất cây rau màu tập trung với tổng diện tích 218ha với đủ các loại rau màu có giá trị kinh tế cao như: dưa lê, dưa hấu, lạc, khoai tây, su hào, bắp cải… Các hộ nông dân đã thực hiện luân canh, xen canh, gối vụ với nhiều công thức khác nhau.
Tại các ruộng đất màu, các hộ nông dân chủ yếu luân canh theo 2 công thức xoay vòng là năm thứ nhất khoai tây xuân (để giống cho vụ đông) - dưa lê (dưa hấu) - dưa lê - lúa mùa - khoai tây đông (khoai thương phẩm) rồi gối tiếp năm thứ hai là lạc xuân - dưa lê (dưa hấu) - lúa mùa - dưa hấu đông (khoai tây đông, rau màu các loại). Cây khoai tây vẫn là cây chủ đạo của nông dân xã Giao Phong với chủ yếu là các giống khoai tây Đức hoặc khoai tây Hà Lan có năng suất, chất lượng, giá trị cao.
Một số hộ dân trong xã đã xây kho lạnh làm dịch vụ bảo quản khoai tây giống cho nông dân trong và ngoài xã. Có mặt tại cơ sở kho lạnh Cẩn Tuyết, xóm Lâm Trụ, chúng tôi bắt gặp nhiều hộ nông dân tất bật lấy khoai tây giống được bảo quản trong kho lạnh ở đây để về ủ mộng, chờ khi thu hoạch lúa mùa kịp đưa khoai tây trồng vụ đông luôn.
Ông Cao Đức Chuyên có 5 sào ruộng màu cho biết: “Giống khoai tây này chúng tôi để từ vụ xuân. Khoảng từ ngày 25 đến ngày 30-10 gia đình tôi thu hoạch lúa mùa xong nên ngay từ bây giờ tôi phải lấy khoai giống ra ủ mộng, để ngay khi gặt xong lúa mùa đưa khoai tây xuống đồng cho kịp thời vụ.
Thời vụ trồng khoai tây đông bắt đầu từ đầu tháng 11 cho đến tháng 2 năm sau là có thể thu hoạch. Thu hoạch khoai tây đông, tôi tiếp tục trồng vụ lạc xuân. Khi chuẩn bị nhổ lạc tôi trồng xen dưa lê luôn và sau đó trồng 1 vụ lúa mùa, tới vụ đông năm sau tôi trồng các loại rau ngắn ngày để chờ vụ khoai tây xuân”.
Theo hạch toán của nông dân xã Giao Phong, mỗi sào khoai tây đông có thể cho thu hoạch từ 800-1.000kg, thu lãi từ 8-13 triệu đồng; lạc xuân lãi từ 3-4 triệu đồng; dưa lê lãi từ 5-7 triệu đồng, còn lúa mùa được xác định sản xuất để lấy lương thực ăn hằng ngày nên mỗi năm các hộ nông dân cũng thu được 16-24 triệu đồng/sào.
Tại các chân đất màu vườn, các hộ lại thực hiện công thức luân canh khác với cây lạc làm cây chủ đạo cho vụ xuân, thời vụ từ tháng 1 đến tháng 4, trước thu hoạch lạc xuân 20 ngày, nông dân đã bỏ bầu dưa lê hoặc dưa hấu xen vào ruộng lạc, đến khi thu hoạch lạc thì dưa cũng bắt đầu ra hoa, bói quả. Sau khi thu hoạch dưa vụ 1, tiếp tục trồng dưa vụ 2 sau đó đến rau màu hè thu các loại và khoai tây đông. Nhiều hộ đã đào giếng khoan, lắp máy bơm nước ngay tại ruộng tạo thuận tiện cho việc tưới nước cho rau màu.
Tại Giao Phong, quanh năm thời vụ đuổi nhau, ruộng đất quay vòng 4-5 vụ/năm, đất và người hầu như không ngơi nghỉ, bình quân cho thu nhập từ 150-300 triệu đồng/ha/năm. Nằm ở cuối vùng tiêu của các xã lân cận nên việc tiêu nước nơi đây gặp nhiều khó khăn.
Để chủ động khâu tưới, tiêu nước cho vùng trồng màu, hằng năm HTXNN Hồng Phong tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy, làm thủy lợi nội đồng, từng bước cứng hóa hệ thống kênh mương, xây đắp các bờ vùng, bờ thửa. HTX đã liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp chế biến nông sản để tổ chức tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và tạo vùng sản xuất hàng hóa ổn định của địa phương.
Hiện sản phẩm rau màu của xã Giao Phong đã khẳng định được thương hiệu về chất lượng sản phẩm cũng như chủng loại với các doanh nghiệp, thương lái thu mua trong và ngoài tỉnh. Hằng năm, tổng sản lượng rau màu của xã Giao Phong đạt xấp xỉ 5 nghìn tấn. Một số Cty thu mua rau quả lớn đã hợp đồng thường xuyên thu mua sản phẩm của địa phương nên sản phẩm của bà con được tiêu thụ tốt.
Cty Hoa quả Hà Nội thu mua 2 nghìn tấn rau màu, chiếm 40% tổng sản lượng của xã; sản lượng rau màu còn lại được Cty Rau quả Sài Gòn, các KCN trong và ngoài tỉnh tiêu thụ. Trên địa bàn xã bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu hàng hóa, phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Nhờ luân canh, xen canh, gối vụ hoặc trồng trái vụ các cây rau màu với nhiều công thức linh hoạt, tích cực ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất đã nâng giá trị canh tác ở một số cánh đồng xã Giao Phong đạt tới 300 triệu đồng/ha, thậm chí có diện tích đạt 350 triệu đồng/ha.
Hiện Giao Phong không chỉ là địa phương đứng đầu về giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác của huyện Giao Thủy mà còn là mô hình sản xuất giỏi cho nhiều địa phương trong tỉnh và các tỉnh bạn tham quan, học tập. Sản xuất phát triển, đời sống nông dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn đổi mới, kinh tế chuyển dịch góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở xã Giao Phong trong những năm qua.
Có thể bạn quan tâm
Thực hiện kế hoạch thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên năm 2013, những ngày qua, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông đã tổ chức thả hàng vạn con cá giống các loại tại các ao hồ trên địa bàn các huyện Đắk Mil, Đắk Glong, Chư Jút và Krông Nô.
Gia đình ông Hồ Ngọc Bình ở TDP 6, phường Hương Văn (TX Hương Trà) là một trong những hộ điển hình về mô hình nông dân làm giàu từ nuôi rắn mối, dế đầu tiên ở tỉnh Thừa Thiên Huế.
HTX sản xuất, tiêu thụ và dịch vụ nông nghiệp Thanh Liêm có trụ sở chính tại ấp 3, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười, có 10 xã viên sáng lập, với tổng số vốn góp hơn 2,1 tỷ đồng. Hoạt động chính của HTX là sản xuất lúa chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ và phục vụ các dịch vụ nông nghiệp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chợ Mới (An Giang) Trần Thị Yến Châu cho biết: Giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp huyện Chợ Mới tăng liên tục hàng năm. Kết thúc sản xuất năm 2013, giá trị đạt gần 318 triệu đồng/héc-ta, cao nhất từ trước đến nay và cao nhất tỉnh, trong đó cây màu đạt 729,48 triệu đồng/héc-ta, lúa trên 96,5 triệu đồng/héc-ta…
Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), mặc dù nguyên nhân bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi đã được xác định, nhưng do thời tiết diễn biến bất thường nên dịch bệnh vẫn xảy ra, gây thiệt hại cho người nuôi.