Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Gian Nan Nghề Nuôi Thủy Sản

Gian Nan Nghề Nuôi Thủy Sản
Ngày đăng: 13/06/2013

Những năm trước đây, nuôi thủy sản nước lợ đã đem lại giá trị kinh tế cao cho những người dân ở xã Quảng Trường (Quảng Trạch - Quảng Bình). Thế nhưng, việc nuôi thủy sản của người dân những năm gần đây bị thua lỗ, họ đang đối mặt với những khó khăn.

Với thế mạnh của xã ven sông, Quảng Trường có 30,4 ha diện tích nuôi thủy sản, trong đó 21,8 ha hồ nuôi nước lợ và 8,6 ha hồ nuôi nước ngọt. Những năm đầu, nghề nuôi thủy sản phát triển khá mạnh. Nhiều diện tích đầm lầy, cấy lúa kém hiệu quả đều được bà con chuyển sang nuôi thủy sản. Nhiều nông dân nhờ nuôi tôm, cua, cá mà trúng đậm, có cả bạc triệu trong tay. Nhưng theo từng năm, năng suất và sản lượng thủy sản cứ giảm dần.

Chúng tôi đến xã Quảng Trường vào những ngày này, đã đến vụ nuôi thả tôm nhưng cả vùng đầm vẫn vắng lặng, im lìm, thỉnh thoảng xuất hiện một vài người đi thăm đầm và sửa chữa hệ thống thủy lợi để đưa nước vào hồ. Theo anh Hoàng Văn Mười, thôn Xuân Trường cho biết: Nghề nuôi thủy sản ở đây khó có thể làm giàu được, nuôi tôm, cua mà cứ một mùa được, hai mùa thua. Khi tôm, cua bị bệnh, mua thuốc về cũng không thể kiềm chế được bệnh dịch. Có hồ mà không nuôi thì lãng phí, mà nuôi thì thua lỗ, nhiều người phải bỏ hồ đi làm nghề khác để trả nợ.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến năng suất và sản lượng thủy sản ở xã Quảng Trường ngày càng sụt giảm. Trước hết là do hệ thống thủy lợi tại các vùng nuôi trồng thủy sản ở đây còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ lại không được nâng cấp cải tạo thường xuyên nên chưa phát huy hết tác dụng và hiệu quả cho vùng nuôi. Tính cộng đồng trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường trong vùng ao nuôi kém, khi ao nuôi tôm có bệnh chết hộ nuôi xả nước ra ngoài gây lây lan bệnh nhanh sang các ao xung quanh. Chất lượng nguồn giống thủy sản của bà con chưa bảo đảm. Những người nuôi thủy sản nơi đây luôn tự tìm nguồn giống, chủ yếu nhập từ các tỉnh phía Nam.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Trường cho biết: "Ở đây, bà con không cố định mua tôm giống một chỗ để kiểm soát được dịch bệnh mà họ tìm mua tôm giống ở nhiều nơi. Đa số bà con mua giống bán trôi nổi trên thị trường vì giá rẻ hơn, có thể mua nợ đến mùa trả. Nguồn tôm giống không bảo đảm cũng là một trong những nguyên nhân làm cho việc nuôi trồng thủy sản khó kiểm soát được dịch bệnh".

Mặt khác, việc nuôi cua xanh nước lợ ở xã Quảng Trường hiện nay chưa có nơi cung cấp con giống cụ thể. Đa số bà con mua con giống của dân chài bắt được trên sông Gianh về thả nuôi hoặc tự đi bắt về thả nên năng suất nuôi cua xanh nước lợ của bà con chưa bảo đảm. Có người nuôi mới được một tháng thì cua bị dịch, chết hàng loạt mà không biết cách phòng tránh. 
Diện tích nuôi thủy sản chủ yếu là nuôi theo hình thức quãng canh cải tiến, chưa quản lý, kiểm soát, xử lý được chất lượng nước trước khi đưa vào nuôi thả. Nước sông Gianh ngày càng bị ô nhiễm, nạn khai thác cát sạn trái phép, nước thải sinh hoạt, phun thuốc trừ sâu và tất cả được thải ra sông đều quay trở lại vùng nuôi.

Để tìm lối ra cho nghề nuôi tôm, giúp nông dân có thể làm giàu trên chính vùng đầm của mình, xã Quảng Trường đang tích cực khuyến cáo các chủ ao đầm nên đa dạng hoá con nuôi để giảm bớt rủi ro, tăng thu nhập; thả thưa tôm giống, nạo vét ao hồ cẩn thận, phơi đáy diệt vi khuẩn dịch bệnh, tránh rủi ro như những năm vừa qua.

Ông Nguyễn Sơn Hà, thôn Xuân Trường cho biết: “Riêng 2 năm gần đây, dịch bệnh xuất hiện làm tôm chết tràn lan, có vụ thả đi thả lại mấy đợt mà tôm vẫn chết khiến người nuôi thua lỗ. Năm 2012, nhiều người mất trắng vì tôm chết. Để đa dạng hóa con nuôi, người nuôi tôm ở xã Quảng Trường cũng mua cua xanh nước lợ ngoài sông về nuôi nhưng hiệu quả thấp vì kinh phí bỏ ra nhiều mà thu lại không cao. Đầu ra không có nên việc nuôi cua cũng chỉ mang tính cải thiện chứ chưa phải là lối đi của bà con nơi đây".

Khó khăn lớn nhất của bà con hiện nay là nguồn vốn đầu tư. Do nguồn vốn eo hẹp nên bà con không dám đầu tư cho vùng đầm để phát triển nghề nuôi thủy sản. Đầu ra cho sản phẩm cũng là vấn đề trăn trở đối với người nông dân Quảng Trường. Với diện tích nuôi lớn như vậy nhưng trên địa bàn xã không có một đơn vị nào đứng ra thu mua sản phẩm tôm cá ổn định cho nông dân mà đều phụ thuộc vào tư thương nên người nuôi thường bị ép giá và không tránh được quy luật "được mùa rớt giá" và "mất mùa được giá".

Nuôi trồng thủy sản đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế ở Quảng Trường, nếu được đầu tư tốt, lĩnh vực này sẽ giúp nhiều nông dân xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu. Trước những khó khăn trên, người nuôi thủy sản của địa phương mong muốn cơ quan chức năng tìm giải pháp giúp họ tháo gỡ những khó khăn, đặc biệt là tạo điều kiện cho vay vốn, tăng cường kiểm soát nguồn tôm giống, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm... để sản xuất ổn định và đạt hiệu quả kinh tế cao.


Có thể bạn quan tâm

Chuyện thật như đùa đánh kẻng gọi lợn rừng Chuyện thật như đùa đánh kẻng gọi lợn rừng

Chiều sâm sẩm, tiếng kẻng sắt vang vọng khắp núi rừng Tam Đảo. Từ trên núi, từng đàn lợn rừng ước tính hàng trăm con lục tục kéo về một khu trang trại rộng gần chục ha.

19/10/2015
Chương trình tự hào Nông dân VN 2015 hội nhập nóng lên và vang vọng Chương trình tự hào Nông dân VN 2015 hội nhập nóng lên và vang vọng

So với 2 lần tổ chức trước đó vào năm 2013, 2014, bên cạnh ý nghĩa tôn vinh “Nông dân Việt Nam xuất sắc”, Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam năm 2015” được nói đến nhiều với câu chuyện về nông dân và hội nhập.

19/10/2015
Trang trại nổi khổng lồ trồng rau nuôi cá trên mặt nước Trang trại nổi khổng lồ trồng rau nuôi cá trên mặt nước

Một công ty kiến trúc ở Tây Ban Nha vừa trình bày ý tưởng về những trang trại nổi thông minh khổng lồ có khả năng sản xuất lượng lương thực thực phẩm cực lớn đủ nuôi sống những thành phố triệu dân...

19/10/2015
Hồ Giáo người từ chối làm quan để được chăn bò Hồ Giáo người từ chối làm quan để được chăn bò

“Anh Hồ Giáo ơi/ Tôi nghe tiếng khèn pi yêu thương giữa lòng anh…/ Tôi nghe núi Ba Vì với sông Đà hòa tiếng ca” (ca khúc “Bài ca anh Hồ Giáo” của nhạc sĩ Nhật Lai) - qua giọng hát vàng một thời Quốc Hương vẫn vang lên đâu đó đưa tiễn ông Hồ Giáo về trời…

19/10/2015
Tây Ninh tái cơ cấu nông nghiệp cải thiện nhanh đời sống nông thôn Tây Ninh tái cơ cấu nông nghiệp cải thiện nhanh đời sống nông thôn

Sau 2 năm triển khai đề án tái cơ cấu (TCC) ngành nông nghiệp, Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2015 – 2020 đánh giá bước đầu đề án đã đạt những kết quả đáng khích lệ, góp phần cải thiện nhanh đời sống khu vực nông thôn.

19/10/2015