Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Gian Nan Đường Phát Triển Tôm Công Nghiệp

Gian Nan Đường Phát Triển Tôm Công Nghiệp
Ngày đăng: 13/10/2014

Không theo quy hoạch

Trong tiến trình phát triển nghề nuôi thuỷ sản, Cà Mau đã quy hoạch 2 vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung. Tuy nhiên, sau một thời gian quy hoạch được thông qua, hiện 2 vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung này được xem như “chết yểu” vì không có vốn. Trong khi đó, những vùng ngoài quy hoạch thì người dân lại ồ ạt nuôi. Nghịch lý này dẫn đến nhiều hệ luỵ khiến cho việc kiểm soát dịch bệnh trên tôm càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Hai vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung đã được tỉnh phê duyệt thuộc xã Hoà Tân, TP Cà Mau và xã Tân Trung, huyện Ðầm Dơi, quy mô gần 2.000 ha. Ðây được xem là 2 vùng nuôi tạo sự đột phá cho con tôm Cà Mau từ nay đến năm 2015. Tuy nhiên, dù được phê duyệt từ năm 2011 nhưng việc triển khai thực hiện đến nay vẫn chưa có chuyển biến gì.

Đề án “chết yểu”

Xác định tôm công nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Ðầm Dơi đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 đạt 5.000 ha. Từ đó, tháng 4/2011, huyện phối hợp Phân viện Nghiên cứu thuỷ sản Minh Hải tiến hành quy hoạch dự án vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung tại 2 ấp Trung Cang và Thành Vọng, xã Tân Trung, với tổng diện tích hơn 650 ha.

Tuy nhiên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ðầm Dơi Nguyễn Quốc Thống cho biết, quy hoạch đã được phê duyệt khá lâu nhưng đến nay không có doanh nghiệp nào vào đầu tư. Hiện có hơn 432 hộ sinh sống trong khu vực này, chủ yếu là nuôi tôm quảng canh truyền thống năng suất thấp.

Ðây là vùng đất gò cao, lâu nay sản xuất kém hiệu quả, thu nhập bình quân của người dân thấp hơn rất nhiều so với các vùng khác trong xã.

Sản xuất lạc hậu, đất đai phân tán nhỏ lẻ, kết cấu hạ tầng thấp kém, đời sống vật chất, tinh thần của bà con còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao là những rào cản trong việc vận động sự đầu tư của doanh nghiệp vào vùng nuôi.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trung Võ Văn Chiến đánh giá, người dân khu vực được quy hoạch đồng tình cao nhưng vì nhà đầu tư (Công ty Phú Cường) thuê đất với giá rẻ lại thanh toán bằng hình thức trả dần nên người dân chưa đồng tình với phương án này, khiến cho việc thực hiện quy hoạch bị chậm trễ.

Tương tự như vậy, vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung tại xã Hoà Tân, TP Cà Mau cũng còn khá hoang sơ và chưa thấy được bóng dáng của doanh nghiệp vào đầu tư. Theo quy hoạch, nguồn vốn để phát triển cụm nuôi tôm công nghiệp của Hoà Tân là 1.564 tỷ đồng.

Trong đó, vốn của dân 1.512 tỷ đồng, vốn từ ngân sách Nhà nước 52 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc cụ thể hoá quy hoạch trên là điều vô cùng khó khăn cho chính quyền địa phương. Hiện tại, dự án đã được xây dựng xong, thiết kế cũng đã hoàn chỉnh nhưng khi khảo sát thực địa thì sự đồng thuận của dân không cao. Thế là dự án hiện đang bị “tạm dừng” vô thời hạn.

Theo Kỹ sư Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, một trong những rào cản vẫn là hạ tầng vùng nuôi và việc thoả thuận lợi nhuận giữa doanh nghiệp và người dân chưa có sự thống nhất. Kêu gọi được doanh nghiệp thì lại không có quỹ đất sạch.

Còn người dân thì có đất nhưng không muốn cho thuê với giá rẻ nhưng lại muốn được đầu tư về hạ tầng để phát triển vùng nuôi. Chính sự chưa dung hoà này đã khiến cho đề án phát triển cụm nuôi tôm công nghiệp bị “chết yểu” ngay từ khi bắt tay thực hiện.

Trái đắng…

Việc phát triển nuôi tôm công nghiệp ngoài quy hoạch đã dẫn đến nhiều hệ luỵ: môi trường ô nhiễm, dịch bệnh khó kiểm soát và đặc biệt là hạ tầng vùng nuôi sẽ khó đáp ứng kịp.

Kỹ sư Châu Công Bằng nhận định: “Diện tích nuôi tôm phát triển ồ ạt theo giá, chưa có định hướng rõ ràng về phát triển ổn định và chưa được đầu tư bền vững về hạ tầng. Mặc dù vấn đề này đã được các cấp quản lý rất quan tâm, nhưng về cơ bản thì vẫn khó có thể quản lý được hết khi người dân phát triển vì sinh kế và tính hiệu quả của nó.

Do vậy, trong điều kiện khó khăn về vốn như hiện nay thì các địa phương cần quản lý chặt chẽ hơn nữa quy hoạch đã được phê duyệt nhằm từng bước đầu tư tốt hơn về hạ tầng, quản lý tốt hơn về môi trường và kiểm soát dịch bệnh để tránh lây lan trên diện rộng”.

Thực tế hiện nay tại một số địa phương, vấn đề quy hoạch còn chưa được quản lý chặt chẽ. Nơi quy hoạch thì dân không làm, ngược lại nơi dân làm thì không nằm trong quy hoạch. Chính sự “chưa chặt chẽ” trong quy hoạch đã khiến việc đầu tư hạ tầng cũng “hụt hơi”.

Kỹ sư Châu Công Bằng cho biết thêm, đã qua có tình trạng lãng phí trong đầu tư lưới điện 3 pha ở các địa phương. Có hiện tượng này là do ngay từ đầu các địa phương quy hoạch và xây dựng hạ tầng theo “ý riêng”. Trong khi đó, tại những vùng này, người dân chưa có nhu cầu sử dụng điện lưới 3 pha để nuôi tôm công nghiệp.

Thế là có hiện tượng nơi cần không có và nơi có thì chưa cần. Mặc dù hiện tại ngành điện đã khắc phục bằng cách chuyển đổi công năng sử dụng sang khu vực khác, nhưng đây cũng là bài học đáng nhớ trong công tác quy hoạch và xây dựng hạ tầng phù hợp với quy hoạch.

Tại huyện Phú Tân, nơi quy hoạch ban đầu (giai đoạn 2010 - 2015) chỉ 827 ha. Trong khi đó, nhu cầu nuôi của người dân là quá cao nên đến tháng 2/2014 là 1.815 ha. Cũng do sự phá vỡ quy hoạch mà hiện huyện rà soát lại và bổ sung vào quy hoạch giai đoạn 2014 - 2015 là 3.000 ha (hiện đến thời điểm này đã gần 2.000 ha).

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân Nguyễn Văn Den bộc bạch: “Do chạy theo giá nên nhiều hộ đã mở rộng diện tích nuôi, từ đó quy hoạch bị phá vỡ và hạ tầng cũng khó đáp ứng kịp. Tuy nhiên, đến thời điểm này (khi mà 80 trạm biến áp được nâng cấp) thì về cơ bản nhu cầu về điện cũng đỡ bức xúc hơn, nhưng vấn đề dịch bệnh thì luôn tiềm ẩn nguy cơ cao”.

Chính vì phát triển ồ ạt không theo quy hoạch nên hạ tầng về điện cũng khó theo kịp. Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, Công ty Ðiện lực Cà Mau Nguyễn Duy Khánh cho biết, năm 2014, ngành điện đã phải đầu tư gần 80 tỷ đồng để giải quyết tình trạng 571 trạm biến áp bị quá tải, nâng diện tích tôm nuôi được cấp điện lên đến trên 7.000 ha.

Và cũng do diện tích ngoài quy hoạch ngày càng tăng nên nhu cầu cần đầu tư cải tạo, xây dựng mới đường dây và trạm biến áp giai đoạn 2015 - 2017 với tổng mức đầu tư dự kiến 282,842 tỷ đồng. Quá trình thực hiện sẽ căn cứ vào nguồn vốn được cân đối và theo thứ tự ưu tiên đầu tư.

“Trái đắng” của quy hoạch không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề đầu tư về hạ tầng mà hệ luỵ kéo theo còn có cả vấn đề về môi trường, về dịch bệnh và cả việc đầu tư sản xuất giống cũng không thể theo kịp.


Có thể bạn quan tâm

Xây Dựng Chuỗi Thực Phẩm An Toàn Xây Dựng Chuỗi Thực Phẩm An Toàn

Trong hoạt động kiểm tra giám sát ATVSTP, Sở Y tế TP.HCM đã chủ trì thành lập 4 đoàn liên ngành thanh tra 80 cơ sở, phát hiện 48 cơ sở vi phạm, xử lý 41 cơ sở với số tiền phạt hơn 600 triệu đồng, đình chỉ 4 cơ sở...

24/11/2014
Vinafood 2 Và Cty CP BVTV An Giang Hợp Tác Làm Cánh Đồng Lớn Vinafood 2 Và Cty CP BVTV An Giang Hợp Tác Làm Cánh Đồng Lớn

Theo tin từ TCty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2), Cty CP BVTV An Giang (AGPPS) đang tiến hành mở 3 lớp tập huấn cho 91 cán bộ kỹ thuật của 19 công ty thành viên thuộc Vinafood 2 về nghiệp vụ quản lý cánh đồng lớn (CĐL).

24/11/2014
Nông Sản XNK Qua Cửa Khẩu Lào Cai Giảm Nông Sản XNK Qua Cửa Khẩu Lào Cai Giảm

Xuất khẩu 1.103 lô, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2013, trọng lượng 59.764 tấn, giảm 23,6%. Chủ yếu là các mặt hàng: Chuối xanh 1.059 tấn, gỗ ván bóc rừng trồng 36.321 tấn, sắn củ tươi 20.766 tấn, thảo quả 540 tấn, chanh quả 144 tấn, xoài quả tươi 180 tấn...

24/11/2014
Ai Trồng Ca Cao? Ai Trồng Ca Cao?

Với mặt hàng ca cao, giá đã có xu hướng tăng từ tháng 6/2013 ở mức 2.200 USD/T lên 3.200 USD/T vào tháng 10/2014 khi dịch Ebola uy hiếp châu Phi và gây lo âu cho toàn thế giới. Cùng với sự giảm nhiệt của dịch Ebola, giá ca cao hiện đã giảm xuống 2.874 USD/T (giá ngày 20/11).

24/11/2014
Mô Hình Nuôi Cá Trắm Đen Thương Phẩm Làm Chính Trong Ao Bằng Thức Ăn Viên Tổng Hợp Đạt Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Cá Trắm Đen Thương Phẩm Làm Chính Trong Ao Bằng Thức Ăn Viên Tổng Hợp Đạt Hiệu Quả

Theo các chủ hộ tham gia mô hình, cá phát triển rất tốt. Sau 6 tháng nuôi cá trắm đen đạt 1,1 kg/con, cá chép V1 đạt 1,3 kg/con, cá mè đạt 1,5 kg/con. Sau trừ chi phí đầu tư, mô hình thu lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/mô hình. Đây là mô hình nuôi có hiệu quả cao kinh tế cao và sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.

24/11/2014