Giảm Thiểu Ô Nhiễm Môi Trường Trong Chăn Nuôi Lợn
Trong những năm qua, ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng của tỉnh Hưng Yên ngày càng phát triển mạnh, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành nông nghiệp, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, vấn đề xử lý chất thải, giữ gìn vệ sinh môi trường trong chăn nuôi lợn đang là bài toán khó đối với các hộ chăn nuôi bởi hoạt động này đã và đang gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khỏe của cộng đồng.
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 560.000 con lợn, trong đó, chăn nuôi nông hộ chiếm 70%, chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại chiếm 30%. Do tổng số đàn lợn của tỉnh chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu chăn nuôi, lượng chất thải của vật nuôi này thải ra môi trường rất lớn nên việc xử lý chất thải, bảo đảm vệ sinh môi trường trong chăn nuôi lợn đang là vấn đề bức xúc.
Trong khi đó, phần lớn trang trại, gia trại nằm xen kẽ trong khu dân cư; có quỹ đất nhỏ hẹp không đủ diện tích để xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, bảo đảm xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn cho phép; không bảo đảm khoảng cách vệ sinh đến khu dân cư đã gây ô nhiễm môi trường nhất là nguồn nước và môi trường không khí, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Nhiều năm qua, chất thải trong chăn nuôi chủ yếu được xử lý bằng hệ thống hầm biogas, song, hầu hết được xây dựng nhỏ hơn so với thực tế chăn nuôi nên hiệu quả giảm thiểu ô nhiễm môi trường còn hạn chế.
Một ví dụ là trang trại chăn nuôi lợn giống và lợn thịt của gia đình chị Trần Thị Thành ở xã Nhuế Dương (Khoái Châu). Với diện tích khoảng 3 sào, nằm xen trong khu dân cư, trang trại của chị Thành thường xuyên có 30- 40 con lợn nái và hàng trăm con lợn con, lợn thịt.
Nói về quy trình xử lý chất thải của số vật nuôi này, chị cho biết: “Toàn bộ chất thải khô của vật nuôi được tôi thu gom lại, ủ mục sau đó bón cho các loại cây hoa màu, cây ăn quả trồng trong trang trại; các chất thải còn lại được đưa vào xử lý qua hầm biogas rồi thải thẳng ra ngoài môi trường.
Tuy nhiên hầm nhỏ mà lượng chất thải quá lớn nên vẫn còn một lượng nước thải chảy ra ruộng xung quanh, chảy xuống cống, rãnh thoát nước bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người dân.
Chính vì vậy, để yên tâm đầu tư phát triển chăn nuôi bền vững gắn với bảo vệ môi trường, tôi mong muốn các cấp, các ngành sớm hoàn thành việc dồn thửa đổi ruộng, quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư”.
Một trong những giải pháp nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh và xử lý triệt để vệ sinh môi trường trong chăn nuôi lợn là phát triển vùng chăn nuôi tập trung, chăn nuôi theo hướng công nghiệp.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số mô hình chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp, trang trại được quy hoạch, thiết kế khoa học, phù hợp với điều kiện sinh trưởng, phát triển của vật nuôi, có hệ thống vệ sinh phòng dịch thú y và quy trình xử lý chất thải bảo đảm vệ sinh môi trường.
Điển hình như trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Hữu Cơ, ở xã Ngô Quyền (Tiên Lữ), trang trại của anh Tô Ngọc Kiên, xã Nghĩa Trụ (Văn Giang).
Nước thải chăn nuôi được tận dụng làm thức ăn nuôi cá ở trang trại của ông Nguyễn Hữu Cơ, xã Ngô Quyền (Tiên Lữ)
Đến thăm trang trại chăn nuôi của anh Tô Ngọc Kiên ở thôn Đại Tài, xã Nghĩa Trụ (Văn Giang), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi trang trại thường xuyên có trên 600 con lợn nái, 16 con lợn đực, 3.000 con lợn thịt và 1,5 vạn gà đẻ nhưng không hề có mùi hôi của chất thải vật nuôi, cây xanh được trồng khắp nơi cùng với diện tích mặt nước tạo thành không gian xanh thoáng mát, giúp lọc không khí cho cả trại nuôi.
Ngay từ khi đi vào hoạt động (năm 2007), anh Kiên đã nghiên cứu và đưa công nghệ sinh học vào chăn nuôi kết hợp xử lý chất thải chăn nuôi nhằm sản xuất thực phẩm sạch, an toàn, hạn chế dịch bệnh, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Nằm trong khu chăn nuôi tập trung của xã Nghĩa Trụ, trang trại có tổng diện tích 3,7ha, trong đó chỉ có 1/3 diện tích là chuồng nuôi, còn lại là diện tích cây xanh, mặt nước; nền chuồng nuôi và hố xử lý chất thải được xây và láng xi măng để thuận tiện cho quá trình cọ rửa vệ sinh và tránh được sự thẩm thấu chất lỏng ra ngoài môi trường.
Tại các chuồng nuôi, khâu vệ sinh được thực hiện thường xuyên, chất thải của vật nuôi được phân loại để xử lý riêng: phân vật nuôi được thu gom bán lại cho những hộ nông dân tận dụng để bón cây, nuôi cá; còn lại toàn bộ nước thải, nước tắm, rửa chuồng của vật nuôi (trung bình gần 100m3/ngày) được chảy qua hệ thống rãnh kín đưa về bể biogas sơ cấp có sức chứa 1.200m3, bể biogas thứ cấp có thể tích 4.800m3.
Sau đó, nước thải được đưa qua 14.000m2 ruộng sinh học (là ruộng gồm nhiều ngăn chứa nước thải được làm trũng, trồng các giống cỏ thủy sinh, bèo, sen hấp thu lượng urê còn lại trong nước thải) trước khi thải ra môi trường.
Anh Tô Ngọc Kiên cho biết: “Tuy nguồn chất thải của vật nuôi có những ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và hiệu quả chăn nuôi, song, thực tế chất thải chăn nuôi chỉ gồm những chất hữu cơ, nếu người nuôi tuân thủ và xử lý triệt để nguồn chất thải này thì đây là nguồn phân hữu cơ rất tốt để phục vụ cho ngành trồng trọt, đồng thời tạo ra môi trường trong sạch và bảo vệ sức khỏe con người.
Hiện nay tôi đang nghiên cứu để đưa vào áp dụng công nghệ xử lý nước thải chăn nuôi sau khi đã xử lý qua hầm biogas bằng đá xốp có cấy vi khuẩn. Dự toán công nghệ này sẽ có mức đầu tư khoảng 400 triệu đồng, tuy nhiên nếu đưa vào áp dụng thì sẽ mang lại hiệu quả cao về xử lý nước thải chăn nuôi”.
Ông Nguyễn Đình Tưởng, Trưởng Phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: “Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi nói chung, đặc biệt là chăn nuôi lợn, trong thời gian tới, chúng tôi đang khẩn trương hoàn thành quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, từng bước hạn chế chăn nuôi xen kẽ trong các khu dân cư; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các hộ chăn nuôi; thực hiện nghiêm túc việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động đến môi trường của các trang trại, bảo đảm các trang trại đều phải có đầy đủ công trình biện pháp bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu xử lý ô nhiễm; triển khai ứng dụng mô hình xử lý nước thải sau hệ thống hầm biogas để làm cơ sở hướng dẫn, nhân rộng áp dụng cho các trang trại.
Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đưa vào ứng dụng các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm và sử dụng công nghệ sạch trong chăn nuôi như hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý chất thải chăn nuôi cho các trang trại chăn nuôi, công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn…”
Có thể bạn quan tâm
Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia Bulog đã được phép nhập khẩu 250.000 - 300.000 tấn gạo từ Việt Nam trong tháng này, tờ Investor Daily dẫn lời Trưởng bộ phận thu mua Bulog cho biết.
Là người chuyên chăn nuôi gà công nghiệp từ năm 2003, nhưng khoảng 4 năm nay ông Lục Văn Tâm, ngụ tổ 52, thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng (Lâm Đồng), chuyển sang nuôi gà trong trang trại lạnh công nghệ của Đức và Bỉ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều hộ trồng chè ô long ở Lâm Đồng phải phá bỏ vườn chè để thay thế bằng cây trồng khác, sau khi thị trường xuất khẩu sản phẩm này bế tắc nhiều tháng nay.
"Lúc đầu vì lỏng lẻo quá mà không kiểm soát được về sau lại hà khắc quá mà không xuất được hàng, đó chính là hai thái cực của chuyện xuất khẩu gạo Việt Nam" - ông Trần Xuân Định, Cục phó Cục Trồng trọt chia sẻ cùng NNVN.
Người dân xã An Thanh (Tứ Kỳ) đang thu hoạch nước rươi chính vụ với giá bán bình quân tại ruộng khoảng 500.000 đồng/kg.