Tỉnh Hưng Yên đã chuyển từ mô hình giám sát dịch bệnh bị động sang mô hình giám sát dịch chủ động dựa vào cộng đồng.
Từ năm 2007, trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm và nhiều loại dịch bệnh mới trên gia cầm và các đàn vật nuôi khác, tỉnh Hưng Yên đã chuyển từ mô hình giám sát dịch bệnh bị động (khi nào có dịch, các hộ gia đình báo cơ quan chức năng hoặc đề nghị chữa trị thì mới phát hiện bệnh) sang mô hình giám sát dịch chủ động dựa vào cộng đồng với sự hỗ trợ của Dự án AI Mê Kông ở 3 huyện điểm là: Phù Cừ, Yên Mỹ và Kim Động.
Tính đến nay, đã có 164 cộng tác viên (CTV) tham gia mô hình, trong đó có 82 CTV y tế và 82 CTV thú y. Đến tháng 10.2009, Hưng Yên tiếp tục được hỗ trợ từ Dự án “Sáng kiến cúm gia cầm và đại dịch” (APII) trong việc giám sát dịch cúm gia cầm dựa vào cộng đồng. Mô hình này đã có một đội ngũ CTV đông đảo với 318 người, trong đó có 85 CTV y tế và 133 CTV thú y, chủ yếu là CTV thú y và y tế thôn.
Ở cả 2 mô hình giám sát dịch bệnh này, đội ngũ CTV duy trì việc hàng tháng đến thăm các hộ trên địa bàn phụ trách hoặc giám sát qua tin đồn về bệnh từ bất kỳ nguồn tin nào. Khi phát hiện những ca nghi ngờ trên gia cầm hoặc trên người, CTV có báo cáo nhanh bằng biểu mẫu cho trưởng ban thú y thôn hoặc trưởng trạm y tế xã để xác minh, kiểm tra trước khi báo cáo lên tuyến trên.
Hoạt động giao ban hàng tháng của CTV y tế được lồng ghép với hoạt động giao ban hàng tháng của trạm y tế. Trong quá trình giám sát dịch bệnh, CTV còn tư vấn cho các hộ phương pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, cách phòng chống dịch bệnh.
Các CTV thường xuyên được tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cũng như kiến thức về giám sát dịch bệnh. Nhờ việc tăng cường giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh trong những năm qua tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi nói chung của Hưng Yên đã được kiểm soát khá tốt.
Trong thời gian tới, Hưng Yên đề xuất tiếp tục xây dựng mạng lưới giám sát dịch dựa vào cộng đồng mà các CTV sẽ được đào tạo từ sơ cấp trở lên. Đồng thời, tăng mức hỗ trợ cho các CTV từ 80.000 đồng lên 200.000 đồng/tháng. Với các CTV phát hiện chính xác các ca bệnh xảy ra trên địa bàn sẽ “thưởng nóng” 200.000 đồng/ca bệnh. Được biết, hiện toàn tỉnh Hưng Yên có khoảng 8 triệu con gia súc, gia cầm trên địa bàn.