Giảm Mạnh Số Điểm Kinh Doanh Gia Cầm Trái Phép Tại TPHCM
Số điểm nóng kinh doanh gia cầm sống trái phép trên địa bàn TPHCM đã giảm đáng kể, từ 79 điểm vào thời điểm đầu tháng 4 còn 48 điểm tính đến tháng 6.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, đây là kết quả sau hơn 1 tháng tăng cường kiểm tra, xử lý của các đoàn kiểm tra liên ngành.
Các điểm kinh doanh gia cầm trái phép còn tồn tại hiện nằm ở các khu vực giáp ranh giữa các quận, huyện. Cụ thể như tại tuyến đường Bình Long, giáp ranh giữa quận Tân Phú và Bình Tân, mặc dù đã có lực lượng chốt chặn nhưng vẫn tồn tại 5 đến 6 điểm kinh doanh gia cầm trái phép; khu vực cầu Trường Đai, chợ Cầu giáp ranh giữa quận 12 và quận Gò Vấp vẫn còn 1 điểm; hay như tại khu vực cầu Sa, nơi giáp ranh giữa huyện Bình Chánh và Hóc Môn, tình hình kinh doanh gia cầm sống trái phép vẫn diễn ra công khai.
Bên cạnh đó, tình hình chăn nuôi gia cầm như gà, vịt nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện, việc kinh doanh trứng, thịt gia cầm chưa qua kiểm dịch tại các chợ còn khá phổ biến, nhất là tại các chợ ven và ngoại thành.
Để làm tốt việc ngăn chặn tình trạng kinh doanh gia cầm sống trái phép hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM kiến nghị với lãnh đạo thành phố ngoài các biện pháp đã thực hiện như tuyên truyền, vận động người dân, lập các chốt chặn tại các điểm nóng... thì cần phải tăng cường kiểm tra nhiều hơn nữa, xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
Giao cho Chủ tịch UBND các quận, huyện được phép ký lệnh khám xét nhà đối với các trường hợp chứa chấp, kinh doanh và đồng thời chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng kinh doanh gia cầm sống trái phép trên địa bàn.
Hiện mỗi ngày, TPHCM tiêu thụ khoảng 120.000 đến 130.000 gia cầm các loại, trong đó khoảng 58.000 đến 62.000 con được giết mổ tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố, số còn lại được chuyển về từ các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu...
Trong 6 tháng đầu năm, các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố và các quận, huyện đã phát hiện và xử lý 3.807 trường hợp kinh doanh gia cầm sống trái phép với số lượng gần 29.000 con gia cầm, 18.145 con chim, 567.869 quả trứng, 762 kg phụ phẩm gia cầm...
Có thể bạn quan tâm
Trong thời gian qua, nuôi hà treo dây đã trở thành một trong những thế mạnh đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Hoàng Tân (TX Quảng Yên - Quảng Ninh).
Dưa lê, đậu bắp Nhật ở xã Tân Hoà, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đang tiếp tục được các công ty bao tiêu sản phẩm, giá cả ổn định. Tuy nhiên, vụ hè thu 2014, diện tích 2 loại hoa màu này đã giảm so trước đây. Cụ thể dưa lê chỉ có 12ha, giảm 20ha so vụ dưa lê Tết 2014; đậu bắp từ đầu năm đến nay xuống giống 22ha, giảm 50% so cùng kỳ năm 2013.
Theo Sở NN-PTNT, niên vụ sắn 2014-2015, toàn tỉnh đã trồng mới 10.570ha, giảm 20% diện tích so với cùng kỳ. Các nhà máy chế biến tinh bột sắn đã đưa vào trồng các giống mới như KM149, KM98-5, KM140… Tuy nhiên, nông dân vẫn trồng giống sắn cũ nên đã bùng phát bệnh chổi rồng.
Hằng năm, cứ vào thời điểm giao mùa cũng là lúc tôm chết hàng loạt. Năm nay cũng vậy, dù mới xuất hiện những cơn mưa đầu mùa, nhưng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại ở Bạc Liêu đã lên đến hơn 4.820ha.
Ngày 30-5, ông Lê Sỹ Quý, Phó phòng NN-PTNT huyện Chư Sê, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (tỉnh Gia Lai) cho biết, giá hạt tiêu Chư Sê bán ra hiện đang ở mức xấp xỉ 150.000 đồng/kg.