Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giám Định, Bình Tuyển Giống Gia Súc Góp Phần Nâng Cao Hiệu Quả Chăn Nuôi

Giám Định, Bình Tuyển Giống Gia Súc Góp Phần Nâng Cao Hiệu Quả Chăn Nuôi
Ngày đăng: 31/07/2014

Ông Nguyễn Đình Tưởng, Trưởng Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT Hưng Yên) cho biết: Giám định là công việc kiểm tra, xem xét kết quả đạt được về sinh trưởng, ngoại hình, sức sinh sản, sau đó căn cứ vào tiêu chuẩn để xác định con gia súc đó có đạt yêu cầu về phẩm giống hay không.

Từ công tác giám định, bình tuyển chọn cá thể tốt làm cơ sở cho công tác lai tạo, đồng thời loại thải những con không đủ tiêu chuẩn tham gia vào quá trình sản xuất giống vật nuôi. Tất cả những công việc này đều nhằm nâng cao chất lượng con giống, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi.

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác giám định, bình tuyển đàn giống, từ năm 1997, ngay năm đầu tiên tái lập tỉnh Hưng Yên, tỉnh đã triển khai công tác này trên đàn lợn nái ngoại và bò đực lai sind. Đến năm 2003, công tác giám định, bình tuyển được thực hiện thêm trên đàn bò sữa.

Hiệu quả từ công tác giám định, bình tuyển giai đoạn 1997 – 2010 cho thấy không chỉ nâng cao chất lượng đàn giống vật nuôi mà còn giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi.

Nếu như, năm 2003 đàn bò sữa của tỉnh cho năng suất sữa bình quân 10 -12 kg/con/ngày thì qua công tác giám định, bình tuyển, cán bộ, ngành chuyên môn đã giúp người chăn nuôi khắc phục được những tồn tại trong chăn nuôi bò sữa, tư vấn cho họ làm tốt hơn việc chăm sóc dinh dưỡng, vệ sinh, thú y, cải thiện điều kiện chăn nuôi, nguồn mua giống chất lượng... từ đó góp phần nâng dần năng suất sữa của đàn bò. Sau 10 năm, đến nay đàn bò sữa của tỉnh đang có trên 1.500 con, năng suất sữa bò tối thiểu đạt 20 kg/con/ngày, con đạt cao 38 – 40 kg/ngày, ở mức đó người nuôi bò sữa luôn có lãi và đang có xu hướng phát triển vật nuôi này.

Riêng đàn lợn nái, qua giám định, bình tuyển hàng năm (giai đoạn 2005 – 2010) đều cho tỷ lệ trung bình 85% tổng đàn đạt tiêu chuẩn cấp 1 trở lên. Với quy mô đàn lợn nái chiếm trên 11% tổng đàn bảo đảm đủ giống cho sản xuất nội tỉnh, một phần cho xuất bán cho các tỉnh khu vực lân cận.

Tỉnh Hưng Yên đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh công nghiệp song sản xuất nông nghiệp vẫn được tỉnh quan tâm phát triển hàng đầu bằng việc gia tăng giá trị thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích đất canh tác. Giá trị gia tăng muốn cao được xác định chủ yếu từ chăn nuôi.

Muốn chăn nuôi tốt phải có con giống tốt. Bởi vậy, thấy rõ hiệu quả của công tác giám định, bình tuyển đàn giống trong những năm 2010 trở về trước đối với sự phát triển của ngành chăn nuôi, năm 2011 tỉnh Hưng Yên tiếp tục cho giám định, bình tuyển trên đàn bò cái giống.

Thêm vào đó là sự ra đời của Đề án giống vật nuôi giai đoạn 2011-2015, định hướng 2020, trong đó quan tâm đặc biệt về công tác giám định, bình tuyển con giống trên diện rộng, Hưng Yên trở thành một trong số ít tỉnh, thành phố của cả nước thực hiện được công tác này. Kết quả là chất lượng đàn giống không ngừng tăng sau mỗi năm.

Theo tổng hợp của Ban quản lý Đề án giống vật nuôi tỉnh Hưng Yên cho thấy đến nay tỷ lệ loại thải đàn giống thấp hơn nhiều so với những năm đầu mới tổ chức giám định, bình tuyển. Tỷ lệ đàn lợn, bò đạt tiêu chuẩn giống cấp I bình quân trên 95% (trước năm 2005 là 70 – 75%).

Kết quả giám định, bình tuyển đàn giống do Ban quản lý đề án giống vật nuôi tỉnh thực hiện năm 2013 cho kết quả khả quan hơn: Trong tổng số con được giám định, bình tuyển có trên 91% số con lợn đạt tiêu chuẩn đặc cấp (cao hơn cấp I), tỷ lệ loại thải trên 1%; đàn bò sữa có gần 95% số con đạt tiêu chuẩn đặc cấp, trong đó trên 51% đạt đặc cấp kỷ lục, không có con nào phải loại thải.

Các giống vật nuôi chiếm ưu thế hiện nay như bò thịt lai ba máu; bò sữa giống HF 7/8, HF 15/16, HF ¾; đàn lợn giống Landratce, Yorshire, Duroc, Pidu... Song song với công tác giám định, bình tuyển, tỉnh có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ thụ tinh nhân tạo trên đàn gia súc.

Đây là cơ sở khoa học để tỉnh làm tốt công tác giống vật nuôi, thúc đẩy chăn nuôi phát triển. Thực tế cũng khẳng định không chỉ giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của tỉnh liên tục tăng qua các năm mà còn tăng tỷ trọng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Nếu như năm 1997, toàn tỉnh chỉ có 29 nghìn tấn thịt hơi xuất chuồng, giá trị ngành chăn nuôi đóng góp trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp 26% thì đến năm 2013, các con số tương ứng đã lên tới 120 nghìn tấn và xấp xỉ 50%, cơ bản đạt mục tiêu đã đề ra phấn đấu đến năm 2015 tỷ trọng chăn nuôi chiếm 50% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Tỉnh Hưng Yên đứng vị trí thứ tư vùng đồng bằng Sông Hồng về phát triển chăn nuôi.

Công tác giống là biện pháp quan trọng để phát triển chăn nuôi bền vững, tăng hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện nay ngoài Trung tâm Truyền tinh nhân tạo lợn hàng năm sản xuất và tiêu thụ 70 - 80 nghìn liều tinh thì việc sản xuất giống gia súc, gia cầm hầu hết do tư nhân làm.

Trong khi đó, việc cấp giấy chứng nhận con giống đạt tiêu chuẩn thực hiện được chưa đáng kể so với tổng đàn con giống được xuất bán, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý chất lượng con giống.

Xảy ra thực trạng này, một phần do ý thức của chủ hộ (cơ sở) sản xuất gia súc, gia cầm giống; một phần do người mua giống chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công việc này nên chưa chú ý yêu cầu chủ hộ (cơ sở) cung cấp giấy chứng nhận con giống đạt tiêu chuẩn do cơ quan chuyên môn cấp.

Để góp phần nâng cao chất lượng con giống, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, thiết nghĩ cần làm tốt cả công tác giám định, bình tuyển đàn giống bố, mẹ và việc cấp giấy chứng nhận con giống đạt tiêu chuẩn. Đồng thời tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.


Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Trồng Mía Áp Dụng Công Nghệ Tưới Nhỏ Giọt Gia Lai: Trồng Mía Áp Dụng Công Nghệ Tưới Nhỏ Giọt

Ông Dương Văn Tân, năm nay trên 60 tuổi là một nông dân sản xuất giỏi ở thôn 2, xã Thành An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. An Khê là vùng trọng điểm sản xuất mía của tỉnh Gia Lai, mía là cây trồng chủ lực. Gia đình ông Tân hiện đang kinh doanh 3 ha mía

10/02/2011
Thú Y Viên Cơ Sở: Lay Lắt Sống Với Nghề Thú Y Viên Cơ Sở: Lay Lắt Sống Với Nghề

KTĐT - Thu nhập thấp, điều kiện làm việc thiếu thốn, lại không được hưởng các chính sách về bảo hiểm, biên chế đã khiến cho hoạt động của đội ngũ thú y viên cơ sở ở các thôn, xã gặp nhiều khó khăn.

19/06/2012
Thái Lan Chìm Trong Lũ Lụt Thái Lan Chìm Trong Lũ Lụt

Trận lụt nghiêm trọng nhất trong 50 năm qua khiến ba phần tư diện tích Thái Lan ngập trong nước lũ và đe dọa nhấn chìm thủ đô Bangkok

20/10/2011
Nuôi Cua Lột “Hốt” Đô La Nuôi Cua Lột “Hốt” Đô La

Cầm trên tay con cua lột mềm nhũn vừa vớt lên, ông Hai Trâm - nông dân có thâm niên nuôi cua lột ở Phước Lại (Cần Giuộc, Long An) hồ hởi: “Sản phẩm cua lột của người dân Cần Giuộc chúng tôi không chỉ là món đặc sản của nhiều nhà hàng lớn trên Sài Gòn, mà nay còn xuất cả sang Tây”…

10/02/2011
Khi Đồng Bào Tẽ Ngô Bằng Máy Khi Đồng Bào Tẽ Ngô Bằng Máy

Trong vài năm trở lại đây, phát huy tiềm năng của địa phương, bà con các dân tộc ở Hồng Định đã đưa nhiều giống ngô mới vào gieo trồng. Kết quả là cây ngô đã trở thành cây có sản lượng lớn nhất và mang lại thu nhập cao nhất cho bà con trong số các cây nông nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết bà con bán ngô ngay sau khi thu hoạch vì không có cách bảo quản tốt. Giá bán vì thế mà rẻ và thường xuyên bị tư thương ép giá. Những hộ gia đình để sau một vài tháng mới bán, được giá cao thì lại bị mối, mọt, làm hao hụt sản lượng ngô.

12/07/2012