Những Triệu Phú Làng Rau Ở Quảng Nam
Vừa duy trì tốt mô hình sản xuất truyền thống, vừa ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, những nông dân thứ thiệt đã trở thành triệu phú nhờ trồng rau.
Trồng rau trên cát
Tự tạo uy tín bằng sản phẩm rau sạch, an toàn cho người tiêu dùng là phương châm của lão nông Trịnh Tấn Ưu tại làng rau Hưng Mỹ (xã Bình Triều, Thăng Bình, Quảng Nam). Không chỉ tránh được rủi ro khi đưa sản phẩm ra thị trường, nhờ ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật, sản lượng rau cũng tăng lên thấy rõ. Hiện tại, chỉ trên diện tích chưa đầy 2.500m2, mỗi tháng vườn rau của ông có thể đạt sản lượng lên đến gần 4 tấn, mang lại nguồn thu nhập ổn định với doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Ông Ưu chia sẻ, nối nghiệp trồng rau bao đời ở vùng quê, ông bắt đầu trồng rau từ năm 1985. Trên quê cát, thổ nhưỡng không màu mỡ, chi phí cho hạt giống, nhân công, phân bón chiếm đến hơn 70% doanh thu, sản lượng rau lại thấp, cuộc sống cứ luẩn quẩn với khó nghèo. Sau 5 năm, thấy hiệu quả thu được không cao, ông bắt đầu tự mày mò sách vở, tìm hiểu và xây dựng một quy trình trồng rau cho riêng mình. Không chỉ hướng đến mục tiêu nâng cao năng suất, điều được ông chú trọng là chất lượng rau do mình sản xuất.
Bỏ hẳn cách chăm sóc cũ, ông chuyển qua áp dụng khoa học kỹ thuật bài bản trong từng công đoạn. Không chỉ đổi giống cây trồng, tích cực sử dụng các biện pháp sản xuất rau sạch, che chắn cẩn thận bằng lưới, lại không ngừng rút kinh nghiệm, hiện tại, ông có thể sản xuất được trên dưới 40 lứa rau mầm (7 - 8 ngày tuổi) mỗi năm. Năm đầu tiên sản xuất theo cách làm mới, sản lượng rau tăng vọt đến 7 - 8 tạ rau/tháng khiến chính ông cũng bất ngờ. Thời gian canh tác được rút ngắn, ông lại có thể sản xuất các loại rau trái vụ như cải thìa, cải bẹ, các loại rau gia vị… trong mùa khô, nâng số lần canh tác lên 12 lứa rau/năm, gấp 1,5 lần so với cách làm truyền thống.
Năm 2010, ông Ưu đã được chính quyền địa phương chọn thí điểm mô hình chuỗi giá trị rau theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam). Nhờ đó, ông tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm như chủ động đào hố tích nước, lắp đặt hệ thống tưới tiêu tự động, tiếp cận cách làm đất, gieo trồng hiệu quả hơn. Theo kinh nghiệm bản thân, ông cho rằng hai khâu quan trọng cần lưu ý là làm đất và xử lý phân bón. Phân bón là phân hữu cơ, được xử lý cẩn trọng theo quy trình, đặc biệt là phải phơi cho mục rã. Ngoài ra, để cây sinh trưởng tốt, sau khi thu hoạch rau xong phải vệ sinh luống kỹ, rải vôi, làm và phơi đất… “Bây giờ tuổi tác cũng tương đối cao, sức khỏe có phần hạn chế nhưng nghề làm rau đã giúp tôi đổi đời. Hiện tại, sản phẩm của tôi đã có một công ty bao tiêu toàn bộ, tôi cũng thường xuyên có thêm các bạn hàng qua mạng internet, qua điện thoại…” - ông Ưu phấn khởi.
Vườn rau “du lịch”
Cũng là một lão nông “thứ thiệt”, ông Lê Xưa (thôn Trà Quế, xã Cẩm Hà, TP.Hội An) đã vươn lên làm giàu bằng chính vườn rau của mình. Điều độc đáo ở chỗ, không chỉ canh tác, cung ứng nguồn rau sạch cho thị trường, vườn rau của ông còn mang lại một nguồn thu đáng kể từ việc… làm du lịch. Nối nghiệp làm rau của gia đình, vườn rau rộng gần 5.000m2 của ông bà để lại là nguồn thu nhập chính của lão nông Lê Xưa. Khác với nhiều vùng chuyên canh rau khác, tại Trà Quế, nhiều nông dân như ông vẫn ứng dụng cách làm truyền thống là sử dụng rong thay thế hoàn toàn cho phân bón.
Nguồn rong từ sông Đế Võng là thứ phân bón “số một” từ xưa đến nay ở làng rau Trà Quế. Không chỉ sạch, đảm bảo an toàn, mà hiệu quả mang lại từ cách làm này không hề thua kém những vườn rau chuyên canh ở nơi khác. Trồng rau chuyên canh với đủ loại như cải trắng, cải xanh, rau dền, rau mùi (ngò), hành…, ông Xưa thu nhập từ việc bán rau bình quân mỗi ngày hơn 300 nghìn đồng, thương lái của chợ Hội An và các vùng lân cận đến tận nơi thu mua, đầu ra khá ổn định.
Nhận thấy ngày càng có nhiều du khách đến chụp ảnh, quan tâm và tỏ ra thích thú với việc canh tác rau của nông dân trong làng, năm 2010, ông Xưa tham gia tour du lịch khám phá vườn rau Trà Quế của Công ty CP Du lịch - dịch vụ Hội An… Từ việc đưa vườn rau của mình thành sản phẩm du lịch, ông đã kiếm được nguồn thu nhập khá ổn định mỗi ngày. Ông khoe, nhờ “học lóm” nên mình có thể giao tiếp với nhiều khách Tây, cũng nhớ tên gọi của rất nhiều loại rau.
Mỗi ngày, ông hướng dẫn bình quân từ 2 - 4 đoàn khách nước ngoài. Công việc của ông là dẫn du khách tham quan vườn rau của mình, hướng dẫn du khách tham gia các công đoạn của việc trồng rau như làm đất, bón rong, gieo giống… Nhiều du khách tỏ ra thích thú với công việc trồng rau. “Từ khi làm du lịch, tự nhiên thấy yêu cái vườn của mình hơn. Nhờ vườn rau mà nuôi con khôn lớn, xây nhà cửa, có thu nhập ổn định, chừ làm du lịch lại có thêm niềm vui khi về già” - ông Xưa chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Cùng với cải hoán, nâng cấp cho tàu cá, ngư dân trên địa bàn tỉnh ưu tiên gia cố, bọc thép thân tàu để thực hiện việc bám biển đi đôi với bảo vệ chủ quyền lãnh hải được hiệu quả hơn.
UBND tỉnh vừa có ý kiến chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan phải đảm bảo cho các khu công nghiệp dệt may (KCNDM) trên địa bàn tỉnh phát triển theo hướng bền vững.
Ngày 1/11, lệnh cấm đưa khoai tây Trung Quốc vào Chợ đầu mối nông sản Đà Lạt chính thức có hiệu lực, các tiểu thương đã nghiêm chỉnh chấp hành. Cấm khoai tây Trung Quốc vào chợ nông sản Đà Lạt/ Nới thời hạn cấm khoai tây Trung Quốc vào chợ nông sản Đà Lạt
Để đối phó với tình trạng trái cây “tẩm” thuốc, thịt ướp hóa chất tràn lan trên thị trường, nhiều bà nội trợ bỏ tiền triệu mua thiết bị đo an toàn thực phẩm được nhập khẩu vào VN, dù hiệu quả vẫn còn nhiều tranh cãi.
Tôi ở VN đã tám năm, đã lấy vợ và có hai con ở VN. Việc lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày của gia đình tôi vẫn là một vấn đề luôn phải suy nghĩ về vệ sinh an toàn thực phẩm.